Bức xúc vì bị xử ép, con gái thuê côn đồ "dằn mặt" cha ruột

05:07, 07/07/2015

Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Trọng vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKS đề nghị truy tố 9 đối tượng về các tội danh: "Hủy hoại tài sản", "Cướp tài sản". Vụ án là một câu chuyện buồn về cách hành xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau.   

Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Trọng vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKS đề nghị truy tố 9 đối tượng về các tội danh: “Hủy hoại tài sản”, “Cướp tài sản”. Vụ án là một câu chuyện buồn về cách hành xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau.   
 
Nguyễn Thị Loan
Nguyễn Thị Loan
Theo kết quả điều tra, Nguyễn Thị Loan (SN 1974, trú thôn Tân Phú, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) và bố ruột của Loan là ông Nguyễn Văn Khâm (SN 1952, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Tiền Giang) có mâu thuẫn vì tranh chấp đất đai. Cho rằng bị người thân đối xử tệ bạc, Loan tức giận tìm cách báo thù. Trưa ngày 19/2/2014, Loan gọi điện thoại nói chuyện với bà Hồ Thị N. (trú tại xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà), tâm sự chuyện Loan bị bố đẻ là ông Khâm và một số người bên gia đình ông Khâm như bà Nguyễn Thị Nở (cô ruột Loan), Vòng A Khìn (con rể ông Khâm), Nguyễn Văn Dễ (con ruột ông Khâm) chèn ép, đe dọa. Loan nhờ bà N. giới thiệu cho một số đối tượng giang hồ để thuê đánh ông Khâm và một số người thân bên nhà ông Khâm nhằm dằn mặt. Bà N. nói không biết ai. Lúc này có một đối tượng tên Đỗ Duy Cường (SN 1992, trú xã Đan Phượng) đang ngồi chơi ở quán tạp hóa của bà N. nghe thấy nội dung cuộc nói chuyện nên nói bà N. để cho Cường nói chuyện với Loan. Qua điện thoại và trao đổi giữa Loan và Cường, Cường đồng ý giúp Loan đánh người dằn mặt với giá 6 triệu đồng, Loan chấp thuận. Sau đó Cường liên lạc với đối tượng Nguyễn Duy Dũng (SN 1985) để bàn về việc thuê đánh người với giá như trên và hỏi Dũng “làm” không. Dũng đồng ý, rủ thêm Nguyễn Văn Cường (SN 1992), Đàm Văn Đồng (SN 1993), Trần Văn Toàn (SN 1994), Trần Văn Tài (SN 1991) - tất cả đều trú xã Đan Phượng. Dũng yêu cầu Cường chuẩn bị cho mình mấy con dao phát và hẹn địa điểm gặp nhau. Cường sau đó mang 4 con dao rựa phát của nhà mình lên cho nhóm Dũng rồi dẫn Dũng, Văn Cường đến thôn Tân Phú, xã Ninh Gia để gặp một người tên Phong (SN 1985, là hàng xóm của Loan, được Loan nhờ tới gặp nhóm Dũng). Duy Cường ở lại, còn Dũng và Văn Cường đi theo Phong điều nghiên địa điểm sẽ gây án (là quán tạp hóa của bà Nguyễn Thị Nở) để nhận diện những người cần đánh theo yêu cầu của Loan, gồm: bà Nở, ông Khâm, A Khìn, Dễ. Loan chỉ nhờ Phong dẫn nhóm Dũng đi, mà không nói gì cho Phong biết về mục đích của Loan và nhóm của Dũng. Chỉ quán cho 2 đối tượng xong, Phong đi về còn Dũng và Văn Cường ở lại quan sát. Loan tiếp tục nhờ Phong mang số tiền 6 triệu đồng đưa cho Duy Cường. Cường đưa cho Dũng 5 triệu, còn giữ lại 1 triệu cho riêng mình. Dũng, Văn Cường, Tài, Toàn, Đồng mang theo 4 con dao phát đến thôn Tân Phú để đánh người. Tuy nhiên, khi đi đến giữa đường, cả bọn lại quay về bởi thấy quán tạp hóa nhà bà Nở khi đó có đông người, sợ bị phát hiện, đánh trả, nên cả nhóm hẹn sáng hôm sau tập trung ở nhà Dũng để tiếp tục thực hiện “hợp đồng”.
 
Sáng hôm sau, Văn Cường, Tài, Toàn, Đồng đến nhà Dũng. Dũng gọi thêm Đỗ Đình Minh (SN 1993) và Nguyễn Chí Thanh ở xã Tân Hà cùng tham gia. Khoảng 15 giờ ngày 20/2/2014, cả nhóm 9 tên chất nhau trên 3 xe mô tô đến “mục tiêu”. Khi đi, nhóm Dũng mang theo 4 con dao phát cùng 1 số gậy tre làm hung khí. Đến quán tạp hóa của bà Nở, nhóm Dũng kêu một thùng bia Sài Gòn xanh ra uống hết và tiếp tục quan sát, tìm kiếm các “con mồi”. Phát hiện không thấy ông Khâm, A Khìn, Dễ tại quán, Dũng điện thoại cho Loan. Loan hướng dẫn kẻ cầm đầu đưa nhóm côn đồ đến nhà ông Phạm Văn Thanh - người trong họ với gia đình, ông Khâm cũng đang ở đó. Dũng thanh toán tiền rồi dẫn cả nhóm đến nhà ông Thanh. Phát hiện thấy có những người cần đánh, cả nhóm Dũng chạy xe vào sân. Văn Cường cầm gậy tre xông đến đánh anh A Khìn trước, rồi lần lượt đến các tên Toàn, Thanh, Tài lao vào đuổi đánh những người trong nhà. Các bị hại sợ hãi kịp bỏ chạy, nên chỉ bị thương tích nhẹ. Nhóm côn đồ lao vào nhà đập phá cửa kính, tủ chén và nhiều vật dụng trong khu vực bếp. Sau đó, chúng tiếp tục chở nhau đến quán tạp hóa của bà Nở. Dũng, Văn Cường vào lấy thùng bia uống dở và kêu mua thêm 1 thùng bia nữa. Khi bà Nở đang lấy bia liền bị Dũng, Cường xông vào đạp, đấm mấy cái. Cùng lúc này, Trần Hữu Phước (SN 1989) người làm thuê cho bà Nở từ dưới bếp chạy lên liền bị Tài cầm khúc cây đuổi đánh, Phước bỏ chạy, bị té ngã và bị xây xát nhẹ. Sau khi đánh bà Nở, Dũng bỏ chạy ra xe trước, Cường ôm 1 thùng bia Sài Gòn xanh còn mới trong quán bà Nở rồi chạy ra xe. Nhóm côn đồ tụ tập tại quán tạp hóa của bà Hồ Thị N. chơi, sau đó chúng bỏ lại thùng bia cướp được cho chủ quán rồi đi về nhà.
 
Kết quả khám nghiệm hiện trường, xác định tài sản bị thiệt hại của gia đình ông Thanh trên 2,1 triệu đồng. Tài sản bị cướp là thùng bia Sài Gòn xanh của gia đình bà Nở, trị giá 290.000 đồng. Dù giá trị không đáng kể, nhưng là vụ cướp có tổ chức nên Văn Cường và đồng phạm vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này. Anh Trần Hữu Phước, bà Phan Kim Diễm, bà Nở bị thương tích nhẹ, không yêu cầu bồi thường. Bà Lê Thị Ngọc Tuyết khai khi bị nhóm côn đồ đuổi đánh, rơi mất 2 triệu đồng; bà Nở khai bị mất 1 sợi dây chuyền vàng 4,3 chỉ 18k và 2,5 triệu đồng tiền mặt, nhưng không đủ chứng cứ chứng minh nên không được xem xét. Nguyễn Hoài Phong, Hồ Thị N., và một số thanh niên khác, do không cùng bàn bạc, không biết mục đích của các đối tượng gây án, không tham gia vụ án, nên được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng cũng bị răn đe, nhắc nhở. 
 
Tuy nhiên, tiếp xúc với hồ sơ vụ án, cùng những thông tin thu thập được, chúng tôi nhận thấy, để xảy ra sự việc, phía bị hại cũng có một phần lỗi. Đó là sự ứng xử chưa đúng mực giữa các thành viên trong gia đình với nhau. 10 năm trước, ông Khâm cùng con gái (Loan) từ tỉnh Tiền Giang đến thôn Tân Phú mua một mảnh đất với giá mấy chỉ vàng, cha con cùng canh tác. Sau đó ông Khâm trở về quê, giao đất lại cho Loan. Loan sau đó lập gia đình, trồng cà phê, hồ tiêu, cùng chồng chăm chỉ lao động, mưu sinh trên mảnh đất. Sau mỗi vụ mùa thu hoạch, Loan đều gửi tiền về cho cha mẹ, các em, coi như là sự biết điều với mảnh đất được cha để lại. Vậy nhưng, từ năm 2001, khi hồ tiêu, cao su có giá trở lại, ông Khâm đến xã Tân Phú, đòi lại đất. Vợ chồng Loan không trả, dẫn đến sự tranh chấp. Ông Khâm sau đó khởi kiện, TAND huyện Đức Trọng xử chia đôi mảnh đất trên, do bên có công, người có của (mua). Bản án có hiệu lực, hai bên không kháng cáo. Vậy nhưng, giữa hai cha con họ vẫn tiếp tục tranh chấp hai hàng cà phê, hồ tiêu giáp ranh. Loan cho rằng, phần tài sản này thuộc về phần đất Loan được chia. Loan nghĩ mình xứng đáng được hưởng hơn vì công trồng cây, chăm sóc, giữ đất.
 
Vụ án là bài học cho mọi người về cách hành xử trong gia đình, xã hội.
 
Quang Huy