Cuộc chiến chống "khoáng tặc" ở Bảo Lộc (bài 1)

08:07, 06/07/2016

So với các địa phương trong tỉnh, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc là nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản (sét cao lanh) rất dồi dào. Việc khai thác cao lanh trái phép đã và đang diễn ra tại địa bàn xã Lộc Châu (TP Bảo Lộc) gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

“Khoáng tặc” lộng hành
 
[links()] So với các địa phương trong tỉnh, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc là nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản (sét cao lanh) rất dồi dào. Việc khai thác cao lanh trái phép đã và đang diễn ra tại địa bàn xã Lộc Châu (TP Bảo Lộc) gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
 
Một trong những điểm khai thác cát, sét cao lanh trái phép tại xã Lộc Châu
Một trong những điểm khai thác cát, sét cao lanh trái phép tại xã Lộc Châu
Khai thác khoáng sản lậu bằng nhiều hình thức
 
Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Bảo Lộc có 11 giấy phép khai thác (GPKT) khoáng sản được cấp, gồm 8 mỏ đá, 2 mỏ sét cao lanh và 1 mỏ bô xít. Trên địa bàn Bảo Lộc, hoạt động khai thác trái phép sét cao lanh và cát đang diễn ra hết sức phức tạp. Theo thống kê, hiện, trên địa bàn thành phố chỉ có 2 GPKT sét cao lanh được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN - MT) cấp phép còn hiệu lực là của Công ty cổ phần L.Q Joton (cấp ngày 16/5/2011, diện tích 60 ha, thời hạn 18,5 năm) và Công ty TNHH Thương mại và Trồng trọt Tuấn Thiện (cấp ngày 10/2/2015, diện tích 75,05 ha, thời hạn 29 năm).
 
Ông Đậu Công Hải, Trưởng Phòng TN - MT TP Bảo Lộc: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn TP, UBND TP Bảo Lộc đã lập Kế hoạch số 63/KHKS - UBND ngày 22/6/2016 “Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn” và trình Sở TN - MT xem xét. Thông qua các cuộc kiểm tra cho thấy, phần lớn các GPKT đã được cấp cũng như hoạt động khai thác trái phép đều không có thiết kế mỏ. Vì vậy, việc đổ thải xuống chân đồi, dòng suối làm nước chảy tràn lan gây ô nhiễm môi trường là đáng báo động. Cùng với đó, công tác hoàn nguyên các điểm mỏ đã hết hạn theo phương án hoàn nguyên đã được phê duyệt khi cấp phép còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các điểm mỏ hết giấy phép chưa thực hiện hoặc thực hiện công tác hoàn nguyên, cải tạo môi trường dang dở. Nguyên nhân là do chi phí hoàn nguyên ở thời điểm hiện tại tăng cao gấp nhiều lần so với quỹ hoàn nguyên mà các đơn vị đã đóng trước đây là 10 triệu đồng/ha”.

Tuy nhiên, từ khi được cấp phép đến nay, chỉ có Công ty cổ phần L.Q Joton là đang khai thác, còn mỏ sét cao lanh của Công ty Tuấn Thiện vẫn chưa đi vào hoạt động. Song, theo ghi nhận từ thực tế, tại Tiểu khu 272B và 472B - Đồi Cao (thuộc địa bàn thôn 2, xã Lộc Châu) đang có ít nhất 5 điểm khai thác cao lanh trái phép. 

Để “che mắt” cơ quan chức năng và người dân địa phương, các đối tượng khai thác “lậu” đã “làm kèo” bằng cách trả tiền thuê đất trong thời gian ngắn với một số hộ dân và xin đào ao để khai thác cát, sét cao lanh trái phép. Việc thỏa thuận này sẽ luân phiên nhanh với các hộ khác trong vùng để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
 
Ở một số điểm khai thác lậu từ nguồn đất khác, theo người dân địa phương, trừ những ngày mưa to đường bị lầy lội xe ô tô không thể vào, thời gian còn lại, hoạt động “khoáng tặc” vẫn diễn ra thường xuyên. Các đối tượng vi phạm luôn ở trong thế chủ động để đối phó khi có cơ quan chức năng tới kiểm tra. 
 
Thông thường, hoạt động “khoáng tặc” diễn ra vào ban đêm và các ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ. Đây là thời điểm cơ quan chức năng không làm việc. Cùng với đó, các đối tượng luôn cử người theo dõi tại các khu vực ra vào điểm khai thác lậu để nắm bắt tình hình và báo động cho đồng bọn tẩu tán khi có “biến”. Bà H, người dân sống tại khu Đồi Cao, cho biết: “Hoạt động khai thác cát, cao lanh diễn ra tại đây dân ai cũng biết. Nắng cũng như mưa, đêm nào xe chở cát, cao lanh cũng chạy ầm ầm đến tận 3 - 4 giờ sáng. Trời nắng thì xe chạy làm bụi bay mù mịt, còn trời mưa thì cày nát hết đường. Biết là hoạt động “khoáng tặc” đang trực tiếp làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình nhưng người dân chẳng ai dám nói, không may gây hằn thù rồi rước họa vào thân thì khổ!”.
 
Nhiều hệ lụy
 
Ngay bên cạnh khu vực vùng mỏ của Công ty cổ phần L.Q Joton cũng đang có 2 điểm khai thác sét cao lanh trái phép. Qua tìm hiểu từ người dân và hóa đơn xuất hàng tại các điểm khai thác sét cao lanh lậu, thì 1 điểm là của Công ty TNHH Cao Phước Thuận (trụ sở tại phường 3, TP Đà Lạt). Điểm khai thác lậu còn lại là của một người tên Dũng.
 
Theo qui định của Luật Khoáng sản, sau khi hết hạn và bị thu hồi giấy phép, chậm nhất 30 ngày các đơn vị, cá nhân phải di dời toàn bộ tài sản ra khỏi khu vực khai thác và phải thực hiện phục hồi, cải tạo môi trường theo qui định của pháp luật.

Theo lời kể của một người dân ở khu vực này, hoạt động khai thác lậu tại điểm mỏ của Công ty Cao Phước Thuận diễn ra thường xuyên. Trung bình mỗi ngày có ít nhất từ 4 - 6 xe ô tô vào lấy hàng. Còn tại điểm mỏ của ông Dũng, mỗi tháng có 2 - 3 đợt xe ô tô “hiên ngang” vào chở sét cao lanh (8 - 10 xe/đợt). 

Cùng với 2 điểm khai thác sét cao lanh trái phép này, khu Đồi Cao còn nhiều điểm khai thác cát, sét cao lanh lậu khác. Theo phản ánh của người dân, hoạt động khai thác cát, sét cao lanh đang tác động xấu và đang gây hại nghiêm trọng đến môi trường sống tại khu vực này. Bên cạnh việc diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày một bị thu hẹp do mở rộng diện tích khai thác cao lanh thì hoạt động này còn đang khiến suối Đại Lào có nguy cơ thành dòng suối chết do bị ô nhiễm.
 
Bên cạnh đó, việc hoàn nguyên sau khi khai thác quá chậm của các đơn vị đã hết hạn GPKT khoáng sản tại khu vực này cũng là một vấn đề gây nhức nhối. 9 GPKT cát, sét cao lanh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp cho 7 đơn vị khai thác tại 2 xã Lộc Châu và Đại Lào đã hết hạn hoặc bị thu hồi giấy phép, gồm: Công ty TNHH Lan Chi, Công ty TNHH Cao Phát, Công ty TNHH Phát triển Khoáng sản Duy Tân, Công ty TNHH Anh Kiên, DN tư nhân Động Lực, Công ty TNHH Hanh Thông và HTX Sao Mai tuy không còn hoạt động, nhưng hiện trạng tại các khu mỏ thì đến nayy vẫn còn nham nhở do chưa thực hiện việc hoàn nguyên.
 
K. NGUYỄN