6 năm thực hiện Luật Thanh tra

08:08, 07/08/2017

Sau khi Luật Thanh tra 2010 có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2011), UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh và thanh tra các sở, ngành, các huyện, thành trong tỉnh tổ chức thực hiện Luật Thanh tra bằng việc tổ chức thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành...

Sau khi Luật Thanh tra 2010 có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2011), UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh và thanh tra các sở, ngành, các huyện, thành trong tỉnh tổ chức thực hiện Luật Thanh tra bằng việc tổ chức thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Qua 6 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được rất khả quan, nhưng đồng thời cũng bộc lộ những mặt hạn chế trong tổ chức thực hiện, cũng như trong các quy định của Luật Thanh tra, cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung hợp lý.
 
Trong 6 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 3.867 cuộc thanh tra; trong đó có 1.109 cuộc thanh tra hành chính, 2.758 cuộc thanh tra chuyên ngành. Cụ thể: Trong 1.109 cuộc thanh tra hành chính, có 950 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 151 cuộc thanh tra đột xuất, 7 cuộc thanh tra liên ngành và 1 cuộc thanh tra lại. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm về tiền (hoặc tài sản quy thành tiền) 173,558 tỷ đồng, về đất 3.677,44 ha và 3,179 tỷ đồng giá trị từ tài sản khác. Qua phát hiện sai phạm, đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 98,084 tỷ đồng, thu hồi 115,49 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 735 tổ chức và 293 cá nhân vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 15 vụ việc để điều tra, xử lý 17 cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, qua 2.758 cuộc thanh tra chuyên ngành đã phát hiện 6.698 cá nhân và 1.739 tổ chức có hành vi sai phạm, đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 34,912 tỷ đồng, xử lý tài sản vi phạm với số tiền trên 1,807 tỷ đồng. 
 
Qua việc tổ chức thực hiện Luật Thanh tra 2010, Lâm Đồng đã triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, góp phần thu hồi tài sản vi phạm cho nhà nước, xử lý các hành vi vi phạm đúng quy định của pháp luật, có tác dụng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân để phòng ngừa sai phạm, ổn định tình hình và thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương phát triển.
  
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nói trên, qua 6 năm thực hiện Luật Thanh tra vẫn bộc lộ một số mặt tồn tại, hạn chế. Có thể kể ra đây như: Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra ở một số thời điểm chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú. Đội ngũ công chức của một số cơ quan thanh tra chưa đảm bảo về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tỷ lệ công chức thanh tra đã qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị chưa cao. Trong lúc công tác tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho thanh tra viên, công chức làm công tác thanh tra chưa nhiều, còn bất cập, dẫn đến ảnh hưởng phần nào đến kết quả của công tác thanh tra. Công tác xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm trình thủ trưởng các cấp, các ngành phê duyệt tại một số cơ quan thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, dẫn đến chất lượng của một số cuộc thanh tra chưa cao. Việc thu thập thông tin, tài liệu, nắm bắt tình hình phục vụ công tác thanh tra còn hạn chế. Một số cuộc thanh tra bị kéo dài, có biểu hiện chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là đối với các doanh nghiệp. Một số đối tượng thanh tra có biểu hiện cản trở, chống đối, bất hợp tác dưới nhiều hình thức như không cung cấp, cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin, tài liệu, tẩu tán, tiêu hủy chứng cứ, cố tình dây dưa, kéo dài thời gian làm việc của các đoàn thanh tra, nhưng chưa có chế tài xử lý. 
 
Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng, hiệu quả hoạt động của một số cơ quan thanh tra vẫn còn hạn chế, việc báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra tại một số cuộc thanh tra còn chung chung, chưa cụ thể, chưa xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xãy ra sai phạm… Việc giám sát hoạt động của một số đoàn thanh tra còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, nhất là đối với các đoàn thanh tra của các sở, ngành, các huyện, thành phố. Hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra còn gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng thanh tra chưa chấp hành nghiêm việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, nhưng chưa có chế tài xử lý. Công tác tổng hợp báo cáo tình hình về công tác thanh tra của các huyện, thành phố, các sở, ngành còn sơ sài, hình thức, chưa thực sự đúng và đầy đủ các nội dung theo quy định của Thanh tra Chính phủ.
 
Cùng với những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện Luật Thanh tra như đã đề cập ở trên, bản thân các quy phạm pháp luật của nhà nước để thực hiện Luật Thanh tra, hoặc trong các quy định của Luật Thanh tra cũng vẫn có những bất cập, nên hạn chế đến hiệu lực, hiệu quả của Luật Thanh tra và đã được ngành thanh tra chỉ ra. Chẳng hạn như theo quy định của Luật Thanh tra thì việc thu hồi tiền phát hiện sai phạm qua thanh tra được thực hiện khi có kết luận thanh tra, nên khó khăn trong quá trình xử lý. Việc thực hiện yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng bị thanh tra có tài khoản để phong tỏa tài khoản của các tổ chức, cá nhân là đối tượng bị thanh tra, nhằm đảm bảo thi hành các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra chưa thực hiện được do thiếu các quy định chế tài cụ thể. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thẩm quyền của một số cơ quan thanh tra còn chồng chéo về thẩm quyền thanh tra, nhất là trong lĩnh vực thanh tra chuyên ngành...
 
Từ thực tế đó, ông Nguyễn Đức Hưng - Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đề xuất, Thanh tra Chính phủ cần đề xuất với Quốc hội có những sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra chặt chẽ, hợp lý, khoa học hơn. Cùng với đó, thanh tra các cấp, các ngành cần có biện pháp, giải pháp khắc phục có hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra 2010 để công tác thanh tra đạt hiệu quả cao hơn.
 
HOÀNG KIẾN GIANG