Cận cảnh vụ phá rừng tại Đam Rông

10:10, 03/10/2019

(LĐ online) - Cơ quan CSĐT Công an huyện Đam Rông vừa qua đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can để điều tra, làm rõ hành vi "Hủy hoại rừng" tại Lô a, Khoảnh 4, Tiểu khu 251, xã Đạ K'Nàng xảy ra vào đầu tháng 9. Tuy nhiên, đằng sau vụ phá rừng chiếm đất sản xuất tại đây còn nhiều câu hỏi đang trông chờ cơ quan chức năng làm sáng tỏ trước công luận. 

(LĐ online) - Cơ quan CSĐT Công an huyện Đam Rông vừa qua đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can để điều tra, làm rõ hành vi “Hủy hoại rừng” tại Lô a, Khoảnh 4, Tiểu khu 251, xã Đạ K’Nàng xảy ra vào đầu tháng 9. Tuy nhiên, đằng sau vụ phá rừng chiếm đất sản xuất tại đây còn nhiều câu hỏi đang trông chờ cơ quan chức năng làm sáng tỏ trước công luận. 
 
Vụ phá rừng được nhìn nhận rất manh động, các đối tượng đưa hẳn 3 xe máy xúc loại lớn, nhiều cưa máy vào hiện trường và phá rừng trong thời gian ngắn
Vụ phá rừng được nhìn nhận rất manh động, các đối tượng đưa hẳn 3 xe máy xúc loại lớn, nhiều cưa máy vào hiện trường và phá rừng trong thời gian ngắn
 
Phá rừng có tổ chức?
 
Trong lần trao đổi tới vụ việc nêu trên, Thượng tá Lê Văn Trúc - Trưởng Công an huyện Đam Rông nhận định, cách thức phá rừng của các đối tượng tại Đạ K’Nàng khá manh động. Thay vì dùng máy móc, thiệt bị nhỏ lẻ chặt hạ cây rừng từng khoảnh để tránh bị phát hiện thì các bị can lại dùng hẳn 3 máy xúc loại lớn để đào cây, san gạt đất rừng trong thời gian ngắn. Sau khi bị bắt, các đối tượng không hợp tác, khai báo nhỏ giọt, nhằm che dấu hành vi phạm tội gây nhiều khó khăn cho các điều tra viên thụ lý vụ án. 
 
Hồ sơ điều tra vụ việc bước đầu cho thấy, ngày 6/9 (ngày thứ 6) đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phi Liêng phát hiện vụ việc nhóm người dùng máy xúc loại lớn phá rừng tại Tiểu khu 215, thôn Păng Dung (tiếp giáp với thôn Đạ Pin, xã Đạ K’Nàng) nên báo cáo cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, xử lý. Sau khi đã bị phát hiện, liên tiếp ngày 7 và 8/9 (tức ngày thứ 7 và chủ nhật) do là ngày nghỉ của cán bộ, viên chức các đơn vị liên quan chưa tiến hành lập đoàn vào hiện trường kiểm tra. Thêm nữa, đường vào hiện trường mưa lớn, đường đất rất lầy lội, lợi dụng việc bảo vệ hiện trường còn lỏng lẻo, các đối tượng tiếp tục dùng phương tiện cơ giới san ủi cây và đất rừng.
 
Tính chất, hành vi ngang nhiên, hoạt động rầm rộ còn được thể hiện rõ khi tới sáng ngày 9/9, khi nhiều đơn vị kết hợp vào hiện trường kiểm tra thì lúc này, nhiều đối tượng lái máy xúc san gạt đất, gốc cây rừng mới rời khỏi hiện trường. Tới thời điểm trên, diện tích rừng bị phá theo kiểm đếm sơ bộ đã lên tới gần 2,5 ha. Thấy không thể tiếp tục phá rừng do cơ quan chức năng kiểm tra gắt gao, tới tối 9/9, các đối tượng dùng xe tải loại lớn di dời 3 máy xúc ra khỏi hiện trường và đưa về Công ty Đông Hải tại xã Đạ K’Nàng. Lúc này, lực lượng chức năng gồm: Kiểm lâm, Đội CSGT, Cảnh sát hình sự... đón lõng tại đoạn đường đất thôn Păng Dung, cách hiện trường vụ phá rừng gần 2 km kịp thời ngăn chặn, tạm giữ được người và phương tiện vi phạm.
 
3 đối tượng bị tạm giữ về hành vi phá rừng tại Tiểu khu 251, gồm: Nguyễn Quốc Xoan (44 tuổi, quê quán Nghệ An, trú tại thôn Tân Trung, xã Đạ K’Nàng), Hoàng Văn Việt (17 tuổi, quê Hải Phòng, tạm trú xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) và Phan Văn Lương (33 tuổi, quê quán Quỳnh Lưu, Nghệ An). Điều đáng lưu tâm là trước ngày 6/9, người dân cho biết có khoảng 4-6 thanh niên mang máy xúc, phương tiện khác tới vị trí nêu trên để san gạt, cưa hạ cây rừng?. Bởi để phá gần 2,5 ha đất rừng trong thời gian ngắn là điều không phải dễ dàng.
 
Tổng khối lượng gỗ thiệt hại ban đầu 44,150 m3, chủ yếu là gỗ tạp không có giá trị cao. Chính vì vậy, cơ quan chức năng bước đầu xác định mục đích phá rừng của các đối tượng chủ yếu với mục đích chiếm đất
Tổng khối lượng gỗ thiệt hại ban đầu 44,150 m3, chủ yếu là gỗ tạp không có giá trị cao. Chính vì vậy, cơ quan chức năng bước đầu xác định mục đích phá rừng của các đối tượng chủ yếu với mục đích chiếm đất
Còn nhiều tình tiết cần được làm rõ
 
Theo cơ quan chức năng, kết quả khám nghiệm trường, tổng diện tích bị phá 24.900 m 2 (tương đương 2,49 ha) thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp, rừng sản xuất với tổng khối lượng gỗ thiệt hại ban đầu 44,150 m 3, chủng loại gỗ thuộc nhóm VI. Hiện Công an huyện Đam Rông đã 2 lần dẫn giải Nguyễn Quốc Xoan, Hoàng Văn Việt và Phan Văn Lương đi thực nghiệm hiện trường, 1 lần khám nghiệm hiện trường để củng cố các tình tiết, chứng cứ liên quan.
 
Theo Thượng tá Trúc, ngoài 3 bị can đã bị bắt, Cơ quan CSĐT sẽ tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ mục đích, động cơ vụ huỷ hoại rừng. Việc ai đứng sau các bị can này để xúi dục, có vai trò gì trong vụ phá rừng vẫn đang được cơ quan công an khẩn trương điều tra, quyết không bỏ lọt tội phạm.
 
Hồ sơ vụ việc xác định, cả 3 bị can Nguyễn Quốc Xoan, Hoàng Văn Việt và Phan Văn Lương đều là người làm thuê cho Công ty Đông Hải, do ông Nguyễn Văn Cảnh (sinh năm 1972, trú tại xã Đạ K’Nàng) làm giám đốc. Để làm rõ hơn vụ việc, sáng ngày 01/10, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Cảnh - Giám đốc Công ty Đông Hải xác nhận với chúng tôi: “Việc chúng tôi làm đường thôn Păng Dung là sự việc hoàn toàn có thật”. Theo ông Cảnh giải thích, tên công trình ghi rõ là đường lên nghĩa địa thôn Păng Dung do UBND xã Đạ K’Nàng làm chủ đầu tư, Công ty Đông Hải là đơn vị thi công. 
 
“Chúng tôi làm đường gần khoảnh đất (tức đất rừng thuộc Lô a, Khoảnh 4, Tiểu khu 251- PV) người dân đã chôn mộ rất nhiều trên đó. Trong lúc lính tôi làm thì người dân tại đây nhờ lên phát quang cây để đỡ đâm vào mộ cũng như đánh ranh đất cho người dân vì đang lúc mùa mưa nước ngập lụt ở mộ” – ông Cảnh giải thích cho hành vi người làm của Công ty đưa máy xúc vào múc cây, san gạt đất rừng. Tại lời khai ban đầu với cơ quan chức năng, các bị can cũng cho rằng được người dân nhờ lên san sạt, múc đất.
 
Tuy nhiên, đây mới là thông tin ông Cảnh và các bị can trình bày với Cơ quan CSĐT Công an huyện sau khi sự việc bị phát hiện. Ông Lê Văn Tân - Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Phi Liêng khẳng định với chúng tôi: các đối tượng san gạt, cưa hạ cây rừng lên tới 44 m3 trên diện tích gần 2,5 ha thuộc Khoảnh 4, Tiểu khu 251 hoàn toàn là đất quy hoạch lâm nghiệp, loại rừng sản xuất. Như vậy, việc các đối tượng san gạt, cưa hạ với bất cứ mục đích gì tại Tiểu khu 251 đều là hành vi “Huỷ hoại rừng”. Và từ căn cứ nêu trên, các bị can dù vô tình (như lời khai ban đầu) hay có chủ đích phá hoại rừng đều bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Đam Rông khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, làm rõ.
 
Trước đó, ngày 13/9, đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng sở ngành liên quan đã kiểm tra thực tế hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng này. Sau khi thị sát, nghe các đơn vị thông tin chi tiết vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, đây là vụ phá rừng có ý đồ, có kế hoạch; nếu không xử lý kiên quyết thì nhiều diện tích rừng xung quanh sẽ tiếp tục bị tác động, xâm lấn và khai thác trái phép. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, bất kể đối tượng là ai, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư nào đã cố tình trong việc xâm lấn, san ủi trái phép đều phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
 
Máy xúc đã san gạt các con đường đi quanh quả đồi. Trường hợp cơ quan chức năng không kịp ngăn chặn, các quả đồi liền kề nhiều khả năng bị san phẳng
Máy xúc đã san gạt các con đường đi quanh quả đồi. Trường hợp cơ quan chức năng không kịp ngăn chặn, các quả đồi liền kề nhiều khả năng bị san phẳng

 

Tổng khối lượng gỗ thiệt hại ban đầu 44,150 m3, chủ yếu là gỗ tạp không có giá trị cao
Tổng khối lượng gỗ thiệt hại ban đầu 44,150 m3, chủ yếu là gỗ tạp không có giá trị cao

 

Các đối tượng huỷ hoại rừng dùng máy xúc múc cây dọn thành hàng lớn để đốt
Các đối tượng huỷ hoại rừng dùng máy xúc múc cây dọn thành hàng lớn để đốt
C.THÀNH - T.LINH