Khởi tố vụ án mua bán phần mềm gián điệp để theo dõi… người thân

06:02, 04/02/2020

(LĐ online) - Ngày 4/2, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã hoàn tất quá trình điều tra và tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và có lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với Trần Ngọc Đức (35 tuổi, thường trú tại Phường 5, TP Đà Lạt)...

(LĐ online) - Ngày 4/2, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã hoàn tất quá trình điều tra và tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và có lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với Trần Ngọc Đức (35 tuổi, thường trú tại Phường 5, TP Đà Lạt). Tới thời điểm bị bắt, Đức đã hoàn thành 1.200 giao dịch mua bán phần mềm cho nhiều khách hàng trên cả nước.
 
Nghi phạm Trần Ngọc Đức. Ảnh: Công an cung cấp
Nghi phạm Trần Ngọc Đức. Ảnh: Công an cung cấp
 
Đây là chuyên án được Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) thực hiện trong gần 2 tháng. Đức bị bắt vì có hành vi mua bán, kinh doanh trái phép phần mềm ứng dụng thu thập thông tin trên thiết bị di động của người khác, xâm nhập trái phép vào phương tiện điện tử của người khác.
 
Trước đó, vào tháng 12/2019, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Lâm Đồng phát hiện hai anh em Trần Ngọc Duy và Trần Ngọc Đức (TP Đà Lạt) mua bán, kinh doanh phần mềm thu thập thông tin trên điện thoại của người khác. Khi giao dịch được thực hiện, khách hàng chuyển khoản cho Duy qua tài khoản ngân hàng. Ngày 30/12/2019, các tổ công tác đã tiến hành điều tra 2 anh em Đức và Duy.
 
Tại cơ quan điều tra, Đức khai nhận: Từ giữa năm 2017 đến nay, Đức đã lập và quản lý nhiều trang web để chào bán phần mềm theo dõi, thu thập thông tin từ điện thoại di động như: Định vị điện thoại, theo dõi tin nhắn, đọc trộm tin nhắn, theo dõi các ứng dụng nhắn tin để thu thập tin nhắn dạng văn bản và hình ảnh… Đức chào bán tùy theo khách hàng có nhu cầu, thời gian sử dụng khác nhau mà có mức giá khác nhau, từ 2,4 triệu đồng đến 9,6 triệu đồng. Đức là người nhận giao dịch và đứng ra thiết kế, quảng bá phần mềm trên web, Facebook và YouTube... Duy cho Đức mượn tài khoản ngân hàng để giao dịch.
 
Tang vật Công an thu giữ trong vụ án. Ảnh: Công an cung cấp
Tang vật Công an thu giữ trong vụ án. Ảnh: Công an cung cấp
 
Công an Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra, trích xuất dữ liệu, xác định tài khoản quản trị do Đức quản lý, có tới 1.603 người kích hoạt, 34.144 người dùng đã cài đặt ứng dụng. Thời điểm bị bắt, Đức đang quản lý cả trăm thông tin tài khoản khách hàng (người mua), trong đó nhiều tài khoản còn đang hoạt động (thu thập thông tin của khách hàng). 
 
Phần mềm do Đức tạo ra, khi cài đặt vào điện thoại di động có thể đánh cắp thông tin cá nhân như: Tài khoản ngân hàng, tài khoản Email, Viber, Zalo, Facebook; các giao dịch Internet banking có thể bị kiểm soát mà chủ thể không hề hay biết. Ngoài ra, phần mềm này còn ghi âm bí mật nội dung cuộc đàm thoại nghe, gọi. Đáng lo ngại, toàn bộ thông tin, dữ liệu của các máy điện thoại bị cài đặt phần mềm nghe lén này được chuyển đến máy chủ lưu trữ đặt tại nước ngoài.
 
Tổ công tác Công an Lâm Đồng sau đó đã làm việc với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an và Công an các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nam Định... tiến hành triệu tập, làm việc trước mắt với 10 khách hàng đã cài đặt, mua thời hạn sử dụng phần mềm ứng dụng do Đức cung cấp. Những người này đã mua gói phần mềm (có thời hạn) của Đức, tiến hành bí mật cài đặt vào điện thoại của vợ, chồng, người yêu để xem các thông tin thu được từ điện thoại của họ.
 
Theo Điều 289 Bộ luật Hình sự, tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”, người phạm tội có thể bị phạt tù mức cao nhất từ 7 đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng.
 
C.PHONG