"Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" sửa đổi nhằm phù hợp Hiến pháp 2013

05:10, 07/10/2020

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi, nhằm giải quyết các chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây và đáp ứng các yêu cầu về giải quyết các vướng mắc...

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi, nhằm giải quyết các chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây và đáp ứng các yêu cầu về giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế. Sự sửa đổi còn để thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ với các luật mới ban hành trong thời gian gần đây.
 
Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động...
 
Theo đó, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cùng các thành viên Tổ tư vấn chính sách pháp luật đã có nhiều ý kiến góp ý vào dự luật. Cụ thể, về tiền dịch vụ (Điều 24) có ý kiến đề nghị bỏ quy định việc người lao động phải đóng tiền dịch vụ nếu giải trình không thuyết phục; có đại biểu đề nghị làm rõ quy định tại khoản 5, Điều 24 về việc điều chỉnh mức đóng theo từng thời kỳ; cần quy định chặt chẽ mức trần, mức phí, hiện dự thảo luật đang giao cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định nhưng không có nguyên tắc cụ thể.
 
Đại biểu Hoàng Bình - thành viên Tổ tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng cho rằng: dự thảo luật quy định việc “phân biệt đối xử trong lao động, cưỡng bức lao động” được đề cập tại khoản 5, Điều 7, nếu có, là việc doanh nghiệp nước ngoài đối xử với “người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” xảy ra trong quá trình lao động tại nước ngoài thì không phải đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh của luật, như thế dự thảo luật không cần thiết phải quy định khoản này. Tại Điều 7, khoản 9 dự thảo luật quy định: “Lợi dụng hoạt động tuyển chọn lao động, đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái quy định của pháp luật” và khoản 13 “Thu tiền môi giới, tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của luật này”. Với quy định tại khoản 9 và khoản 13 đều là những nội dung thu tiền của người lao động trái pháp luật, do đó chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nên viết gộp lại thành một khoản là: “Lợi dụng hoạt động tuyển chọn lao động, đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền môi giới, tiền dịch vụ của người lao động trái quy định của pháp luật”. Tại khoản 10, Điều 7, dự thảo luật quy định: “Tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật”. Và, trong Điều 7, chỉ có duy nhất khoản 10 là quy định dành cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài là việc “tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật”. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung việc người Việt Nam đi ra nước ngoài lao động có được tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, các hoạt động chính trị, tham gia các tổ chức của người lao động, có được biểu tình, tham gia biểu tình không? Đây là vấn đề quyền con người, là vấn đề hết sức nhạy cảm cả trong quan hệ ngoại giao, cần có quy định chặt chẽ trong dự thảo luật chứ không nên bỏ lửng. 
 
Còn đại biểu Hoàng Thị Khiêm - Thành viên Tổ tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH cũng tâm huyết: Về đối tượng áp dụng - Điều 2 và Điều 5, tôi thống nhất theo Phương án 1, đó là tiếp tục giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện Điều ước quốc tế, Thỏa thuận quốc tế, nhằm phát huy được chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở bộ máy sẵn có của Trung tâm ở các địa phương; đồng thời, Trung tâm cũng là 1 trong các đầu mối quan trọng của chính quyền địa phương và Trung ương, kịp thời nắm bắt tình hình và các thông tin về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các địa phương và cơ sở. Nhưng đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm trên cơ sở báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình triển khai thực hiện thời gian qua, nhằm khắc phục các tồn tại, vướng mắc trong hoạt động của Trung tâm này và phù hợp với quy định của Luật việc làm. Đồng thời, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa Trung tâm với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Nên quy định cụ thể vào Luật đối với Trung tâm về những lĩnh vực, công việc không được thu phí và những nội dung công việc được thu phí (như bổ túc ngoại ngữ, kỹ năng nghề…) và khung định mức thu như thế nào để đảm bảo quản lý chặt chẽ và hiệu quả, hạn chế tiêu cực phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật.
 
Hiện nay, lao động Việt Nam ở nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng so với các nước khác trong khu vực. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng trong đó có phần do quy định của pháp luật hiện hành, như: Luật quy định doanh nghiệp chỉ được tuyển chọn lao động sau khi hợp đồng cung ứng lao động được cơ quan nhà nước chấp thuận; vì vậy doanh nghiệp không có đủ thời gian để tuyển chọn và đào tạo lao động theo yêu cầu chất lượng lao động và tiến độ của đối tác, dẫn đến tuy có số lượng nhưng chất lượng thấp. Nếu vấn đề này được khắc phục và được quy định trong luật thì sẽ hạn chế được tình trạng trên... Đồng tình với quan điểm là phải tăng cường về chất hơn là số lượng đối với người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng - đó là quan điểm của nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp, sát thực tiễn.
 
Đoàn ĐBQH cũng sẽ tổng hợp, đề nghị bổ sung thêm các chính sách cụ thể như: Chính sách hỗ trợ về cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, tư vấn pháp lý đối với một số trường hợp đặc biệt như bị bạo lực, bị xâm hại, bị lừa đảo, bóc lột sức lao động… khi làm việc ở nước ngoài. Khuyến khích các doanh nghiệp có tâm huyết xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước, vì nguồn nhân lực được đào tạo tốt thì sau một thời gian đi lao động nước ngoài trở về lao động trong nước sẽ là những người chủ chốt, quản lý, là chuyên gia, kỹ thuật giỏi… cho các doanh nghiệp trong nước. Về Điều 6 - Quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các đại biểu cơ bản thống nhất với các quyền và nghĩa vụ của người lao động, nhưng đề nghị xem xét bổ sung thêm 2 quyền. Đó là  Người lao động có quyền từ chối thực hiện những việc trái pháp luật, không đúng với đạo đức, thuần phong, mỹ tục; Người lao động có quyền yêu cầu các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước sở tại hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và hỗ trợ tư pháp khi cần thiết. 
 
N.THU