Vô hiệu Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 0648

04:08, 13/08/2021

Sau 3 năm tiến hành xem xét, nghiên cứu, thực hiện các bước quy trình theo quy định của pháp luật, Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã quyết định tuyên xử vô hiệu "Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" giữa cụ Nguyễn Thị Vời và vợ chồng ông Nguyễn Thế Quang, bà Bùi Ngọc Thanh Thảo; đồng thời, tạm giao căn nhà và đất với diện tích 269 m2, thửa 154, Tờ bản đồ số 50, tọa lạc tại Khu phố 2, thị trấn D'ran, huyện Đơn Dương cho bà Nguyễn Thị Thúy Liễu (con gái cụ Vời và là nguyên đơn) quản lý, sử dụng.

 

Sau 3 năm tiến hành xem xét, nghiên cứu, thực hiện các bước quy trình theo quy định của pháp luật, Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã quyết định tuyên xử vô hiệu “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa cụ Nguyễn Thị Vời và vợ chồng ông Nguyễn Thế Quang, bà Bùi Ngọc Thanh Thảo; đồng thời, tạm giao căn nhà và đất với diện tích 269 m2, thửa 154, Tờ bản đồ số 50, tọa lạc tại Khu phố 2, thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương cho bà Nguyễn Thị Thúy Liễu (con gái cụ Vời và là nguyên đơn) quản lý, sử dụng.
 
Toàn cảnh phiên tòa xử vụ án nói trên
Toàn cảnh phiên tòa xử vụ án nói trên
 
Trước đó, bài viết “Cụ bà 90 tuổi bỗng dưng mất nhà” của tác giả Hà Nguyệt đã được phản ánh trên Báo Lâm Đồng số ra ngày 9/8/2017. Nội dung bài báo cho biết, trong thời gian cụ Nguyễn Thị Vời (hộ khẩu thường trú tại Khu phố 2, thị trấn D’ran, Đơn Dương) bị bệnh phải chuyển lên ở với con gái trên Đà Lạt, sổ đỏ căn nhà do bà Vời đứng tên lại được chuyển nhượng cho người khác. Trong khi bà khẳng định không bán, cũng không ký nhận giấy tờ mua bán, nhưng lại có chữ ký (chỉ là chữ “V”) của bà trong văn bản công chứng hợp đồng mua bán nhà dưới sự chứng thực của Văn phòng công chứng Đỗ Thị Bích Nguyên, ở huyện Lạc Dương. Vụ việc có nhiều khuất tất khiến không chỉ gia đình bà Vời mà cả bà con lối xóm, dư luận hết sức bất bình. 
 
Các tình tiết được bài báo phản ánh như: “... Có hay không việc lợi dụng lúc cụ bà Nguyễn Thị Vời đau ốm ở Đà Lạt để khẩn trương thực hiện hành vi mua bán nhà bất hợp pháp nhằm chiếm dụng tài sản. Vấn đề này cần được cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ và trả lại công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng hợp pháp cho người dân...”.
 
Những vấn đề khuất tất, bất hợp lý và vi phạm quy định pháp luật trong quá trình công chứng, tiến hành lập hợp đồng mua bán chuyển nhượng đất đã được cơ quan pháp luật tiến hành xem xét, quyết định. Trong quá trình vụ án đang được xem xét, thụ lý, giải quyết thì đến ngày 30/1/2018 do tuổi cao, sức yếu, bệnh nặng, dù đã được gia đình con gái là bà Nguyễn Thị Thúy Liễu và bác sỹ hết lòng chăm sóc nhưng cụ Vời đã qua đời.
 
Theo nhận định của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng: Qua đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì thấy rằng “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa cụ Nguyễn Thị Vời và vợ chồng ông Nguyễn Thế Quang, bà Bùi Ngọc Thanh Thảo đã được Văn phòng công chứng Đỗ Thị Bích Nguyên chứng thực ngày 27/2/2017. Tuy nhiên, tại thời điểm lập hợp đồng nói trên thì cụ Vời đã 89 tuổi, bị bệnh, không đi lại được, việc sinh hoạt dựa vào sự chăm sóc của bà Liễu. Tại thời điểm ký hợp đồng trên thì cụ Vời đã chuyển đến sống chung với con gái là bà Nguyễn Thị Thúy Liễu tại số nhà 04/A1 - 12 A Triệu Việt Vương, Phường 4, thành phố Đà Lạt. Và quá trình giải quyết, các bị đơn đều trình bày địa điểm tiến hành ký hợp đồng là tại nhà của bà Liễu. 
 
Xét thấy, cụ Vời đã già yếu, không tự đi lại được nhưng nội dung Hợp đồng số 0648 nói trên lại được thể hiện tại Văn phòng công chứng Đỗ Thị Bích Nguyên ở 160, Langbiang, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương là không phù hợp. Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa ngày 29/6/2021, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn và vợ chồng ông Quang, bà Thảo đều thừa nhận bà Hương (con gái cụ Vời) là người yêu cầu công chứng viên đến công chứng tại nhà do cụ Vời không đi được.
 
Theo quy định tại Điều 44 Luật Công chứng năm 2014 “Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án hoặc phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”. 
 
Như vậy, cụ Vời không phải là người yêu cầu, bà Hương không phải là người đại diện hợp pháp đương nhiên của cụ Vời nhưng Văn phòng công chứng Đỗ Thị Bích Nguyên vẫn thực hiện tại nhà bà Liễu - nơi cụ Vời đang tạm trú là vi phạm điều khoản vừa trích dẫn của Luật Công chứng nói trên. Các bên cho rằng việc công chứng được thực hiện tại nơi cụ Vời tạm trú, nhưng trong bản Hợp đồng 0648 tại trang 4 thể hiện lời chứng nhận hợp đồng lại được thực hiện tại Văn phòng công chứng Đỗ Thị Bích Nguyên là mâu thuẫn và trái với quy định của pháp luật.
 
Hiện trạng lô đất của cụ Vời tại thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương
Hiện trạng lô đất của cụ Vời tại thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương
 
Đồng thời, cụ Vời là người không biết chữ, do tuổi đã cao, bị bệnh phải nhập viện nhiều lần, sức khỏe yếu, tinh thần không minh mẫn. Trong hợp đồng chuyển nhượng lại thể hiện người ký với nét chữ “V”, mỗi nét chữ lại không ổn định, khác nhau. Hơn nữa, việc cụ Vời không biết chữ được thể hiện tại Bản di chúc do cụ Vời lập tại UBND thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương vào năm 2004, lúc này cụ Vời vẫn còn khỏe mạnh, cụ cũng chỉ điểm chỉ chứ không tự ký và không tự viết được. Do vậy, việc nguyên đơn trình bày cụ Vời là người không biết chữ, không biết viết là có cơ sở chấp nhận.
 
Theo quy định khoản 2 Điều 47 Luật Công chứng năm 2014 thì “… Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng. Người làm chứng phải là người đủ từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng...”. Như vậy, trong trường hợp cụ Vời tham gia giao kết hợp đồng với ông Quang, bà Thảo thì phải có người làm chứng theo quy định. Tuy nhiên, việc Văn phòng công chứng Đỗ Thị Bích Nguyên chứng nhận vào hợp đồng nói trên mà không có người làm chứng ký là trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cụ Vời cũng như các thành viên trong gia đình cụ. 
 
Mặt khác, quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của ông Quang, bà Thảo trình bày thực tế số tiền mà 2 bên giao dịch là 510 triệu đồng. Tuy nhiên, hợp đồng công chứng lại chỉ ghi có 250 triệu đồng là không phù hợp với thực tế mà các bên trình bày. 
 
Do vậy, Tòa nhận định có căn cứ xác định hợp đồng công chứng này là giả mạo để che giấu một thỏa thuận, một giao dịch khác nên vô hiệu ngay từ đầu. 
 
Về việc giải quyết hậu quả của Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất vô hiệu: Quá trình giải quyết vụ án, vợ chồng ông Quang, bà Thảo không yêu cầu Tòa án giải quyết nên không đề cập. Trong trường hợp sau này vợ chồng ông Quang, bà Thảo có yêu cầu thì được quyền khởi kiện bằng vụ án khác để yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
 
Hiện nay, trong những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Vời, thì bà Nguyễn Thị Bắc Hà và bà Nguyễn Thị Hương hiện đang định cư ở nước ngoài; bà Thúy hiện nay không có mặt tại địa phương nên cần giao toàn bộ lô đất theo kết quả đo vẽ thực tế cho bà Liễu quản lý, sử dụng. Trong trường hợp sau này những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Vời có tranh chấp di sản thừa kế thì được giải quyết bằng vụ án khác theo quy định của pháp luật...
 
Sau nhiều bước tiến hành xem xét, giải quyết, hòa giải vì có liên quan đến yếu tố nước ngoài (do các đương sự là con ruột cụ Vời gồm bà Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Bắc Hà đang định cư tại Australia), vào ngày 29/6/2021 Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án. Mới đây, khoảng tuần đầu của tháng 8/2021 bản án chính thức được phát hành và có hiệu lực thi hành. Tại Bản án số 12/2021/DS-ST ngày 29/6/2021 căn cứ các khoản 6, 11 Điều 26, Điều 34, điểm a khoản 1 Điều 37, các điều 157, 165, 219, 224 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 và căn cứ theo các Điều 44, 45, khoản 2 Điều 47 Luật Công chứng năm 2014..., Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thúy Liễu về việc “Yêu cầu tuyên bố Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu; yêu cầu hủy Quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức” đối với Văn phòng công chứng Đỗ Thị Bích Nguyên; chấp nhận việc rút yêu cầu khởi kiện của bà Liễu về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản đối với vợ chồng ông Nguyễn Thế Quang, bà Bùi Ngọc Thanh Thảo. Đồng thời, đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu này và tuyên xử:
 
Tuyên bố “Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất” giữa cụ Nguyễn Thị Vời và vợ chồng ông Nguyễn Thế Quang, bà Bùi Ngọc Thanh Thảo do Văn phòng công chứng Đỗ Thị Bích Nguyên công chứng ngày 27/2/2017 đối với diện tích đất 269 m2, thửa 154, Tờ bản đồ số 50, tọa lạc tại Khu phố 2, thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương theo Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BE 984478 do UBND huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 8/8/2011 cho cụ Nguyễn Thị Vời vô hiệu.
 
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đơn Dương căn cứ vào Bản án của Tòa án để giải quyết, xóa điều chỉnh các đăng ký biến động đã đăng ký tại trang 4 Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất số BE 984478 do UBND huyện Đơn Dương cấp ngày 8/8/2011 (sang tên cho ông Nguyễn Thế Quang, bà Bùi Ngọc Thanh Thảo ngày 10/3/2017).
 
Tạm giao cho bà Nguyễn Thị Thúy Liễu quản lý, sử dụng đối với diện tích đất theo đo đạc thực tế là 235 m2, thửa 154, tờ bản đồ số 50, tọa lạc tại Khu phố 2, thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương) và căn nhà có diện tích 58 m2 cùng giếng đào trên đất.
 
Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp”...
 
HÀ NGUYỆT