Campuchia với nỗ lực hiện thực hóa đăng cai SEA Games trên đất nước mình

GIA KHÁNH 05:29, 04/05/2023

Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 32 do Campuchia (Cambodia) đăng cai sẽ diễn ra trong cuối tuần này, từ ngày 5-17/5. Quốc gia này đang bày tỏ quyết tâm tổ chức một kỳ Đại hội đầy ấn tượng trong lần đầu tiên đăng cai trên đất nước mình.

Sân vận động Moradok Techo tại Phnom Penh, nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023
Sân vận động Moradok Techo tại Phnom Penh, nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023

HOÀN THIỆN CƠ SỞ THI ĐẤU 

Đây là lần đầu tiên Campuchia đăng cai một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á trên đất nước mình. Trước đó, vào năm 1965, Campuchia đã được trao quyền đăng cai SEAP Games (tiền thân của SEA Games hiện nay) lần thứ 3 nhưng do những bất ổn về chiến tranh nên nước này không thể tổ chức được, sau đó được chuyển sang cho Malaysia tổ chức.

Chính vì vậy, SEA Games 32 được quốc gia này coi là một cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh đất nước mình ra với thế giới. Quốc gia này trong nhiều năm nay đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, hệ thống sân bãi thi đấu trong cả nước, nhất là tại Phnom Penh để phục vụ tốt nhất cho Đại hội.

Theo báo chí Campuchia, dự kiến chi phí tổ chức SEA Games và ASEAN PARA Games 2023 là 124 triệu USD, nhưng nay con số này đã lên đến 131 triệu USD, gấp đôi chi phí so với SEA Games 31, gần bằng chi phí SEA Games 30. Tuy nhiên, so với SEA Games 29 tại một nước giàu như Singapore trước đó thì con số này cũng chỉ khoảng 1 nửa. 

Trước lễ khai mạc diễn ra không lâu, ông Tea Banh - Phó Thủ tướng Campuchia kiêm Chủ tịch Ủy ban Tổ chức SEA Games 32 đã có chuyến kiểm tra cơ sở hạ tầng các địa điểm thi đấu chính ở thủ đô Phnom Penh và cho biết về cơ bản các công trình đã hoàn thiện đến 90%, phần còn lại chỉ là công việc lắp đặt thiết bị và công tác trang trí.

Tại Phnom Penh, địa điểm được chọn để tổ chức thi đấu cho rất nhiều bộ môn là Khu phức hợp Thể thao Morodok Techo. Sân vận động quốc gia trong khu phức hợp này được dùng cho lễ khai mạc và bế mạc Đại hội cũng như tổ chức một số trận bóng đá, thi đấu điền kinh, khúc côn cầu trên cỏ (field hockey). Các tòa nhà với nhiều cơ sở trong khu liên hợp này dùng thi đấu các môn như bơi (tại khu bể bơi), cầu lông và Kick - boxing (khu thi đấu cầu lông), thể dục dụng cụ, các môn võ, bóng rổ, bi sắt, bóng chuyền, quần vợt…

Một địa điểm lớn khác tại Phnom Penh là Trung tâm Triển lãm - Hội nghị quốc tế Chroy Changvar cũng được sử dụng để tranh tài khiêu vũ thể thao cùng các môn võ. Thêm số các địa điểm khác trong thành phố sẽ tổ chức một số môn còn lại trong đó bóng đá được tổ chức tại các sân vận động như sân vận động quân đội, sân hoàng tử, sân Smart RSN. 

Cùng với Phnom Penh, nhiều địa điểm khác trong quốc gia này cũng được chọn để tổ chức thi đấu một số môn như tại thành phố Kampot với đua thuyền truyền thống; tại thành phố Kep diễn ra đua sức bền (endurace races); tại thành phố cảng Sihanoukville có đua thuyền buồm, bóng chuyền bãi biển; tại thành phố Siem Reap có xe đạp địa hình, xe đạp đường trường và chạy Marathon quanh khu vực đền Angkor Vat.

Theo Ban Tổ chức, sẽ có trên 12.400 người của 11 đoàn các quốc gia trong vùng Đông Nam Á có mặt tại các sự kiện trong dịp này bao gồm các vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV), chuyên gia và quan chức. Trong đó trên 8 nghìn VĐV có mặt để tranh tài trong 36 môn, bộ môn thi đấu của SEA Games 32.

Ban Tổ chức cho biết đã sắp xếp chỗ ở cho 3.500 VĐV, HLV tại làng thể thao mới được xây dựng tại Phnom Penh; 2.000 VĐV và HLV khác đươc bố trí tại các khách sạn 4 sao gần các địa điểm thi đấu. Cùng đó, hơn 2.000 VĐV, HLV thi đấu ở 4 thành phố khác trong nước cũng được bố trí trong các khách sạn do Ban Tổ chức sắp xếp.

Dự kiến, trong dịp SEA Games 32 diễn ra sẽ có khoảng nửa triệu du khách quốc tế đến đây và trong kỳ PARA Games từ ngày 1 - 10/6/2023 liền sau đó. Đây chính là cơ hội tốt để ngành Du lịch quốc gia này phục hồi sau đại dịch COVID19 cũng như có bước phát triển mới. 

NHỮNG ẤN TƯỢNG

Một trong những ấn tượng mà quốc gia này mang đến cho cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á tại Đại hội Thể thao lần này chính là việc Campuchia tuyên bố miễn phí ăn ở toàn bộ cho các VĐV và HLV trong thời gian diễn ra các cuộc tranh tài. Tổng chi phí cho việc miễn phí này khoảng 7 triệu USD.

Không chỉ miễn phí ăn ở, nước này còn miễn phí tất cả các dịch vụ như vé xem thi đấu, bản quyền truyền hình và chi phí đi lại của các đoàn thể thao các quốc gia khi đến đây tranh tài.

Để chuẩn bị lực lượng hỗ trợ cho các đoàn thể thao các nước đến đây thi đấu, Ban Tổ chức cho biết đã tuyển chọn và tập huấn cho khoảng 5.000 tình nguyện viên hỗ trợ cho SEA Games và khoảng 2.000 tình nguyện viên cho PARA Games sau đó.

Nước này cũng huy động 5.000 thành viên gồm cảnh sát, quân đội và nhân viên an ninh để giữ gìn trật tự trong kỳ Đại hội; huy động 3.000 nhân viên y tế để hỗ trợ các VĐV và các đoàn thể thao khi cần thiết.

Đài Truyền hình quốc gia nước này được yêu cầu truyền hình trực tiếp không chỉ các trận đấu bóng đá của đội tuyển quốc gia Campuchia mà còn tất cả các trận bóng đá của các quốc gia khác trong khuôn khổ SEA Games 32. 

Trường học trên khắp cả Campuchia trong dịp này được phép cho sinh viên, học sinh nghỉ học từ 20/4 cho đến 18/5 (trong vòng gần 1 tháng), và kỳ nghỉ này được coi như là một kỳ nghỉ lễ lớn đặc biệt của ngành Giáo dục trong năm nay. Các trường học có thể tổ chức thi cử nhưng chỉ là thi trực tuyến và sinh viên, học sinh có thể ở nhà thi qua máy tính. Các giáo viên được khuyến khích có thể đăng ký tham gia các hoạt động của tình nguyện viên hoặc đến sân cổ vũ cho các trận thi đấu của đội tuyển quốc gia nước này trong các bộ môn.

Một ấn tượng khác mà Ban Tổ chức SEA Games 32 muốn đưa đến người xem trong khu vực Đông Nam Á và thế giới trong dịp này là tổ chức lễ khai mạc và bế mạc theo “chuẩn Olympic”. Như một quan chức Campuchia cho biết, lễ khai mạc và bế mạc sẽ ở tầm “cấp độ thế giới” chứ không ngừng lại ở cấp độ khu vực. 

Cho đến thời điểm lên khuôn bài báo này, lễ khai mạc vẫn chưa diễn ra để biết quy mô như thế nào như lời tuyên bố trên. Nhưng theo Ban Tổ chức cho biết, quốc gia này đã huy động khoảng 1.000 người là các nghệ sĩ và hoạt động nghệ thuật trong nước cùng khoảng 2.000 người là VĐV và quân đội để tập luyện chuẩn bị rất kỹ cho lễ khai mạc và bế mạc này dưới sự điều hành của Bộ Văn hóa Nghệ thuật Campuchia. Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra vào ngày 5/5 còn lễ bế mạc được tổ chức vào ngày 17/5 đều tại sân vận động Moradok Techo.

Như một quan chức của Ban Tổ chức SEA Games 32 nói, quốc gia này đã phải chờ đợi đến 64 năm để được tổ chức một kỳ SEA Games trên đất nước mình nếu tính từ năm 1959 khi Campuchia chính là 1 trong 6 thành viên của các quốc gia trong vùng Đông Nam Á đứng ra thành lập Đại hội Thể thao khu vực này. Chính vì vậy, nước này đã phải nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa được niềm mong ước này.