AFF CUP và ước mơ bắt kịp người Thái

09:11, 17/11/2016

Từ 19/11 đến 17/12 /2016, giải Vô địch Bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup 2016 ) lần thứ 11 bắt đầu khởi tranh tại 2 quốc gia Myanmar và Philippines.  

Lịch thi đấu  của AFF Suzuki Cup 2016
Lịch thi đấu của AFF Suzuki Cup 2016
Từ 19/11 đến 17/12 /2016, giải Vô địch Bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup 2016) lần thứ 11 bắt đầu khởi tranh tại 2 quốc gia Myanmar và Philippines.  
 
Cuối tuần này, giải Vô địch Bóng đá Đông Nam Á  lần thứ 11 - 2016 do Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á tổ chức sẽ diễn ra tại 2 quốc gia là Myanmar và Philippines. 
 
Trước đó, do những trục trặc về khâu chuẩn bị, Philippines đã xin rút lui không đăng cai vòng bảng nhưng sau đó họ đã thay đổi và tiếp tục đăng cai trở lại.
 
8 đội bóng của các quốc gia Đông Nám Á dự giải lần này được chia làm 2 bảng: bảng A gồm chủ nhà Philippines và 3 đội Thái Lan, Singapore và Indonesia; bảng B gồm chủ nhà Myanmar và 3 đội Malaysia, Campuchia và Việt Nam. Các trận đấu vòng bảng ở bảng A diễn ra tại Philippines trong khi đó ở bảng B sẽ diễn ra tại Myanmar. 
 
Các trận đấu của giải lần này sẽ diễn ra trên 4 sân vận động, tại bảng B vòng bảng diễn ra trên 2 sân của Myanmar là sân Thuwunna YTC và sân Wunna Theikdi; vòng bảng bảng A diễn ra tại sân vận động Thể thao Philippines tại Bulacan và sân Ridzal Memorial ở thủ đô Manila của Philippines. 
 
Sân vận động Thuwunna  nằm tại Yangon, được quốc gia này hoàn tất trong năm 1985, là một sân vận động đa năng, trồng cỏ, có 32 nghìn chỗ ngồi. Đây là một sân vận động khá hiện đại của Myanmar, dùng làm nơi đào tạo bóng đá trẻ cho quốc gia này nhưng cũng là nơi tổ chức các trận bóng quốc tế. Nơi đây từng diễn ra các trận đấu vòng loại giải vô địch bóng đá U-22 châu Á trong năm 2012 và năm nay tổ chức các trận đấu của giải vô địch bóng đá Đông Nam Á lần thứ 11 - 2016. 
 
Trong khi đó, sân Wunna Theikdi nằm tại Naypyidaw, thủ đô mới của Myanmar; sân này mới được xây dựng gần đây, hoàn tất năm 2012 trong dịp chuẩn bị cho Đai hội Thể thao Đông Nam Á 2013 khi quốc gia này đăng cai. Với sức chứa 30 nghìn người, đây là nơi từng diễn ra khai mạc và bế mạc cùng nhiều hoạt động tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm này.
 
Theo lịch thi đấu, đội tuyển Việt Nam sẽ có 2 trận đấu tại sân Thuwunna, gồm trận gặp chủ nhà Myanmar vào ngày 20/11 và sau đó 3 ngày, ngày 23/11 sẽ gặp Malaysia. Sau 2 trận đấu này, đội tuyển Việt Nam sẽ đến Naypyidaw để gặp Campuchia trong trận đấu cuối vòng bảng ngày 26/11 tại sân Wunna Theikdi.
 
Hai sân vận động của Philippines có sức chứa nhỏ hơn sân của Myanmar, trong đó sân Thể thao Philippines nằm tại tỉnh Bulacan, cách thủ đô Mamila chừng 11 km, có sức chứa 25 nghìn người, còn sân Ridzal Memorial ở thủ đô Manila của Philippines chỉ có gần 13 chỗ ngồi.
 
 Theo Ban tổ chức giải, sau khi có kết quả từ vòng bảng, mỗi bảng sẽ chọn 2 đội nhất, nhì vào vòng bán kết, hai đội nhất, nhì mỗi bảng sẽ gặp nhau và thi đấu 2 lượt, lượt đi và lượt về; hai đội thắng sẽ gặp nhau trong vòng chung kết và cũng sẽ đá 2 lượt, lượt đi và lượt về, lượt đi vòng chung kết thi đấu vào ngày 14/12 và lượt về chung kết diễn ra sau đó 3 ngày, ngày 17/13/2016. Các sân vận động diễn ra các trận thi đấu trong vòng bán kết và chung kết sẽ được thông báo sau.
 
Ước mơ bắt kịp người Thái
 
Bắt đầu từ năm 1996, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (Asean Football Federation-AFF) đã tổ chức giải bóng đá vô địch Đông Nam Á (AFF Championship) lần đầu tiên tại Singapore với nhà vô địch đầu tiên là Thái Lan. Đến nay đã 11 lần giải được tổ chức và cứ mỗi khi giải diễn ra người hâm mộ bóng đá Việt lại tự hỏi chừng nào bóng đá Việt bắt kịp bóng đá Thái Lan? 
 
Trong 10 lần giải diễn ra, chỉ có 1 lần duy nhất bóng đá Việt lên ngôi vô địch, đó là vào năm 2008, khi Việt Nam vượt qua Thái Lan trong lượt trận chung kết đi - về với tổng tỷ số 3-2 (lượt đi thắng 2-1, lượt về hòa 1-1), còn lại người Thái và Singapore đã 4 lần vô địch.
 
Tuy Singapore đã 4 lần vô địch Đông Nam Á nhưng thực ra bóng đá quốc gia này không phải là nền bóng đá mạnh trong khu vực. Lâu nay đội tuyển của nước này dựa rất nhiều vào các cầu thủ nhập tịch để giành thành tích trong các giải đấu quốc tế, còn bóng đá quốc nội rất phập phù. 
 
Mạnh nhất trong khu vực phải là bóng đá Thái. Tương tự Việt Nam, người Thái dựa vào thực lực của mình là chính. Đội tuyển của họ hầu hết trưởng thành từ đào tạo trẻ, từ giải quốc nội với nhiều tuyến trẻ và các đội tuyển trẻ rất mạnh. Trong khu vực, họ mạnh đến nỗi cứ mỗi lần gặp là bóng đá Việt phải cố gồng mình lên rất nhiều lần mới có cơ may thắng được, còn thì cứ từ hòa đến thua. Họ thường xuyên vào vòng chung kết giải đấu cao nhất khu vực này, hiện Thái Lan đang là đương kim vô địch bóng đá Đông Nam Á.
 
Điểm thuận lợi của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại giải đấu lần này khi nằm ở một bảng đấu với các đối thủ không quá mạnh. Ngoại trừ chủ nhà Myanmar với sức ép khán giả nhà có thể gây nên bất ngờ, còn lại các trận đấu khác khá nhẹ,  không quá khó cho đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng bán kết. Tuy nhiên, để tiến sâu hơn, đi đến trận chung kết hay không vẫn là một câu hỏi?  
 
Hiện đội tuyển bóng đá Việt Nam đang có một đội hình rất đồng đều, trong đó có có những khuôn mặt đã được thử lửa ở các giải đấu cao tại Nhật và Hàn Quốc về tiếp sức như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh; hy vọng những cầu thủ này góp phần mang lại bất ngờ cho bóng đá Việt.
 
GIA KHÁNH