Chỉ trong vòng vài năm gần đây, Aerobic - môn thể dục nhịp điệu với các bài vận động theo nhạc vui nhộn đã phát triển rất nhanh trong các trường học tại Lâm Đồng.
Chỉ trong vòng vài năm gần đây, Aerobic - môn thể dục nhịp điệu với các bài vận động theo nhạc vui nhộn đã phát triển rất nhanh trong các trường học tại Lâm Đồng.
|
Tiết mục biểu diễn của THPT Trần Phú - Đà Lạt. Ảnh: V.Trọng |
Tăng nhanh số đội tham dự
“Rất vui khi giải tỉnh đã ngày càng ngày đông các đội tham dự” - ông Chế Hữu Toàn, Trưởng phòng Thể dục thể thao quần chúng, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Lâm Đồng tươi cười khi đánh giá về giải.
Tổng cộng đã có 56 câu lạc bộ (CLB), chủ yếu là của các trường học trong tỉnh tham dự giải Aerobic các Câu lạc bộ tỉnh Lâm Đồng năm 2019 do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng tổ chức diễn ra tại Đà Lạt trong giữa tháng 11 vừa qua.
Nếu như năm 2017, giải Aerobic học đường tỉnh chỉ có 30 đội tham dự, đến năm 2018 có 42 đội tranh tài thì đến năm nay, số đội đã tăng vọt lên đến 56 đội. Trong 56 đội đăng ký này chỉ duy nhất có 2 đội bỏ cuộc, đó là đội Phòng Giáo dục và Đào tạo Di Linh và đội CLB Kim Lan - Đức Trọng, còn lại 54 đội đã có mặt.
Đông nhất trong nhóm các đội tranh tài năm nay là nhóm của các trường tiểu học (TH) với tổng cộng 20 CLB. Trong số CLB này có đại diện của 8 trường tiểu học tại Đà Lạt, gồm An Dương Vương, Phan Như Thạch, Đa Thiện, Nam Hồ, Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Lê Lợi và Hùng Vương; Bảo Lộc có 4 trường, gồm Nguyễn Trãi, Thăng Long, Trưng Vương và Lộc Sơn 1; Đơn Dương có 2 trường tham gia, gồm Quảng Lập và Ka Đô; Di Linh cũng có mặt 2 trường, gồm Võ Thị Sáu và Hòa Trung; còn Đức Trọng cũng có 2 trường: Kim Đồng và Phú Hội.
Mầm non cũng là nhóm có đội dự thi đông thứ nhì của giải với 18 CLB. Đông nhất chính là các trường mầm non ở Đà Lạt (vì giải tổ chức tại Đà Lạt, không phải tốn kém trong ăn ở, di chuyển, phụ huynh dễ đi theo chăm sóc). Chỉ có 2 đội đến từ các huyện thành khác, 1 đội của Đức Trọng và đội còn lại của Bảo Lộc.
Tuy nhiên, với nhóm trung học cơ sở có 11CLB tranh tài, thành phố Bảo Lộc có đại diện của 4 trường gồm THCS Hùng Vương, THCS Quang Trung, THCS Phan Chu Trinh, THCS Lộc Sơn. Thành phố Đà Lạt, đơn vị chủ nhà cũng có 4 trường tham dự, gồm THCS Nguyễn Đình Chiểu, THCS Nguyễn Du, THCS Lam Sơn, THCS - THPT Xuân Trường; Đức Trọng có 2 trường là THCS Trần Phú và Phổ thông Dân tộc Nội trú.
Trong 5 đội nhóm trung học phổ thông (THPT), có những khuôn mặt quen thuộc từng nhiều năm tham dự giải tỉnh như THPT Trần Phú - Đà Lạt, THPT Nguyễn Tri Phương - Bảo Lộc, THPT Lộc Phát - Bảo Lộc, tuy nhiên cũng có các khuôn mặt mới như THCS - THPT Đống Đa - Đà Lạt và một trường đến từ vùng sâu Cát Tiên - đó là THPT Gia Viễn.
Cần nói rằng, đây chỉ là những trường có “khả năng” tham dự. Bởi lẽ một đội thi Aerobic như thế thường trên dưới 10 thành viên, chưa kể giáo viên phụ trách trường và giáo viên hướng dẫn đi cùng. Rồi các đoàn còn có các thành viên trong gia đình “hộ tống” theo, nhất là các học sinh của bậc mầm non, tiểu học. Từ huyện để đưa đội lên Đà Lạt thi đấu khá tốn kém với rất nhiều chi phí, nên nhiều trường học trong tỉnh, đặc biệt là những trường học chưa vận động được sự hỗ trợ của phụ huynh bên cạnh nguồn kinh phí hạn hẹp của nhà trường khó có khả năng tham dự mặc dù phong trào Aerobic trong những trường này cũng khá mạnh.
Chất lượng thi đấu nâng cao
Và một điều quan trọng, không chỉ là số đội tham dự tăng cao mà chất lượng các bài biểu diễn tại giải trong 2 năm gần đây đã được nâng lên trông thấy.
“Hầu hết các đội tranh tài trong các nhóm tuổi đều có bài biểu diễn rất tốt, đúng thời gian, tuân thủ tốt các yêu cầu về kỹ thuật, độ khó, trang phục cũng rất đẹp và đồng bộ, các bài xếp hình rất sáng tạo. Điều này chứng tỏ các trường đã có sự đầu tư và chuẩn bị rất tốt” - ông Toàn nhận xét.
Như nhiều trường học có đội tham dự giải cho biết, trường đã thuê huấn luyện viên chuyên nghiệp về tập luyện cho các đội tuyển của trường chuẩn bị cho đội tập luyện cả tháng trước khi vào giải, đặc biệt là các trường khối mầm non và cấp tiểu học.
Và không chỉ duy trì đội tuyển thi đấu giải tỉnh mà hầu hết các trường khối mầm non hiện nay như giáo viên các trường cho biết, đều thuê các huấn luyện viên chuyên nghiệp về dạy tại từng lớp học của trường như là một môn học, nhằm tăng cường vận động thể chất cho trẻ. Tương tự, trong khối tiểu học cũng vậy, nhiều trường cũng hợp đồng với huấn luyện viên Aerobic tổ chức các hoạt động trong trường, thu hút rất đông học sinh tham gia.
Riêng cấp THCS và THPT, nhiều trường học đã xây dựng các câu lạc bộ Aerobic ngoại khóa bên cạnh các môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…, hằng năm nhiều trường tổ chức giải Aerobic cấp trường. Bảo Lộc chính là địa phương tiên phong trong tỉnh tổ chức giải Aerobic học đường cấp thành phố để phát triển phong trào trong 3 năm gần đây.
Đặc biệt, trong giải Aerobic năm nay đã có một lượng rất lớn phụ huynh học sinh cùng đến sân hằng ngày để cổ vũ con em mình. Như chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, phụ huynh của em Đinh Nhật Quỳnh Anh, học sinh lớp 6A7, Trường THCS Quang Trung - Bảo Lộc cho biết, vợ chồng chị cùng rất nhiều phụ huynh khác trong trường đã tổ chức chuyến đi cùng theo đội trường từ Bảo Lộc lên Đà Lạt để động viên cho con mình. “Con tôi rất thích môn này từ nhỏ và các hoạt động Aerobic ở trường rất vui, làm các cháu hoạt bát, khỏe mạnh, nên hội phụ huynh học sinh trong lớp rất ủng hộ” chị Dung nói. Có lẽ chính sự ủng hộ đó mà đội THCS Quang Trung - Bảo Lộc tại giải năm nay đã biểu diễn bài thi của mình rất xuất sắc để giành Huy chương Vàng khối THCS của tỉnh.
Theo ông Toàn, đã có những chuyển biến rất tích cực trong giáo dục thể chất học đường của các trường học Lâm Đồng trong vài năm gần đây. Nhờ sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành TDTT ngày càng tốt hơn nên các giải thể thao của tỉnh lượng VĐV là học sinh, sinh viên tham gia ngày càng đông hơn và chất lượng thi đấu ngày càng tốt hơn.
Cùng với giải Aerobic đông đoàn tham dự, giải cờ vua học sinh toàn tỉnh năm nay số lượng VĐV cũng tăng “đột biến” chẳng hạn, với trên 750 VĐV tranh tài, đông hơn năm trước gần 200 VĐV. Chất lượng thi đấu các bộ môn bóng bàn, cầu lông, bóng đá, các môn võ thuật học đường theo ông Toàn cũng ngày càng được nâng cao hơn nhiều.
Riêng Aerobic, theo ông Toàn, trong thời gian đến, ngành Giáo dục và ngành TDTT tỉnh nên tổ chức tập huấn cho các huấn luyện viên bộ môn này trong tỉnh, nhằm thống nhất chương trình các bài huấn luyện cũng như điều luật thi đấu, và ngành Giáo dục tỉnh cũng nên khuyến khích các trường học trong vùng sâu, vùng xa của tỉnh cùng phát triển môn này.
GIA KHÁNH