Lân Sư Rồng cho ngày hội

11:12, 20/12/2019

Trống vang rộn ràng, phèn la huyên náo…, những đoàn "Lân, Sư, Rồng" luôn mang lại màu sắc và không khí vui tươi trong các dịp lễ hội lớn của tỉnh và của thành phố Ðà Lạt.

Trống vang rộn ràng, phèn la huyên náo…, những đoàn “Lân, Sư, Rồng” luôn mang lại màu sắc và không khí vui tươi trong các dịp lễ hội lớn của tỉnh và của thành phố Ðà Lạt.
 
Đội Lân Sư Rồng Trưng Vương - Đà Lạt. Ảnh: Gia Khánh
Đội Lân Sư Rồng Trưng Vương - Đà Lạt. Ảnh: Gia Khánh
 
Niềm vui
 
Với Nguyễn Hữu Huỳnh Duy, 19 tuổi, người Đà Lạt, thành viên của Đoàn Lân Sư Rồng Trưng Vương, niềm vui là được làm những gì mình thích. 
 
“Thích múa lân từ nhỏ nên lớn lên khi được chọn vào đội rất mừng” - Duy nói. Chàng trai từng học võ cổ truyền 6 năm này là một trong những thành viên xuất sắc của đội Trưng Vương với bài biểu diễn lân trên cột (bài Mai Hoa Thung). 
 
Sở trường của Duy là ở sau đuôi lân, bài lân múa chỉ 2 người, một ở đầu lân, một đuôi lân, mỗi đội thường có vài con lân cùng múa đồng loạt. Lân múa dưới đất 2 người di chuyển dễ dàng nhưng lên cao để múa lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Để múa trên cao được, người sau phải phối hợp nhuần nhuyễn với người trước trong di chuyển, cả hai cùng bước đúng vị trí, bước trật té xuống cột coi như… xong buổi diễn. 
 
Nếu Duy ở phía đuôi lân thì phụ trách đầu lân là Ngô Trọng Luân, chàng trai 17 tuổi, một thành viên khác của đội. Cũng là một người học võ lâu năm, Luân bảo dưới đất thì múa sao cũng được nhưng để lân múa lên cột phải tập luyện rất lâu, vào hàng khổ luyện như luyện võ. 
 
Trong khi bài lân chỉ có 2 người thì bài múa rồng lại có đến 7 hay 9 người. Như Trần Hoàng, 19 tuổi, một thành viên múa rồng cũng của đội Trưng Vương cho biết, 9 người trong đội mỗi người là một thực thể riêng biệt nhưng cả thảy 9 người đều múa đồng loạt, cả đội phải thống nhất cách di chuyển, bước đi đều nhịp, tránh để đầu rồng một nơi, đuôi rồng một ngả. “Phải tập lâu mới ăn ý được, mới biến con rồng từ một mảnh vải thành một con rồng sống động như thật” - Hoàng cho biết.
 
Dù múa rồng hay lân thì hầu hết các thành viên trong đội múa Trưng Vương nơi đây đều là người luyện võ, người ít nhất cũng được vài năm, người học lâu đến cả chục năm, nhiều người có thể là bậc “sư phụ” trong môn phái nhưng ra diễn đều cùng múa với mọi người...
 
Ðể có một đội Lân Sư Rồng đẹp 
 
Theo võ sư Nguyễn Bá Vũ - Tổng Thư ký Liên đoàn Võ Cổ truyền Lâm Đồng, Đà Lạt hiện có khoảng 5 - 6 đoàn Lân Sư Rồng lớn đang hoạt động. Mỗi đoàn như thế có chừng 30 - 40 thành viên, trong đó chỉ 2 con rồng múa 2 bên đã cần đến gần 20 người, rồi thêm vài con lân, rồi người chơi trống, chơi phèn la đi theo…
 
Hầu hết các thành viên của những đoàn Lâm Sư Rồng này, theo ông Vũ, cũng có trường hợp không học võ tham gia, nhưng hầu hết từ các lò võ mà ra, nhất là võ cổ truyền “Khi học võ thì bước chân đi thanh thoát hơn rất nhiều” - ông Vũ cho biết.
 
Biểu diễn Lân Sư Rồng những năm gần đây khá thịnh hành tại Đà Lạt cũng như nhiều huyện thành lớn trong tỉnh. Từ lễ khánh thành nhà mới, khai trương công ty, doanh nghiệp, động thổ công trình, rồi tết trung thu, dịp tết cổ truyền… những đoàn Lân Sư Rồng với trống đánh lân múa mang đến màu sắc cho các dịp như thế.
 
Riêng Đoàn Lân Sư Rồng Trưng Vương do võ sư Nguyễn Bá Vũ thành lập từ năm 2007 đến nay là một đoàn lớn tại Đà Lạt. Các bài biểu diễn của đội này mang tính chuyên nghiệp cao mặc dù hầu hết các thành viên của đội mỗi người đều có một việc, người làm nghề tự do, người sửa xe máy, người là sinh viên… tập hợp nhau để chơi vì niềm vui là chính.
 
Đoàn mang tên Trưng Vương vì đây là tên của ngôi trường tiểu học tại Đà Lạt, nơi võ sư Nguyễn Bá Vũ có một câu lạc bộ (CLB) dạy võ cổ truyền, hầu hết thành viên trong đoàn trưởng thành từ CLB này. Cho đến nay rất nhiều hoạt động lớn của tỉnh đều có mặt Đoàn Lân Sư Rồng Trưng Vương, từ Festival Hoa Đà Lạt, khai mạc Đại hội TDTT cấp thành phố, cấp tỉnh, các sự kiện văn hóa thể thao lớn...
 
Cái khó nhất của việc duy trì đội Lân Sư Rồng hiện nay theo võ sư Vũ chính là đội ngũ. Rất nhiều thành viên sau bao nhiêu năm tập luyện biểu diễn rất đẹp đã phải bỏ đội đi học, đi làm ăn xa. Trang bị cho một đội như vậy không nhiều, chừng khoảng 50 triệu đồng là đủ cho một đội, nhưng theo võ sư Vũ, để có một đội với các thành viên múa đều tay như nhau là không dễ chút nào.
Trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2019 năm nay, đội Lân Sư Rồng sẽ tham gia các tiết mục biểu diễn của mình trong khuôn khổ lễ hội, nhưng ước mong của võ sư Vũ rằng Lâm Đồng nên thử một lần đứng ra đăng cai hội thi Lân Sư Rồng toàn quốc để các đội trong nước về đây biểu diễn cho người Đà Lạt xem những nét hay đẹp của múa Lân Sư Rồng.
 
GIA KHÁNH