Khi bóng đá bị tác động bởi virus COVID-19

07:02, 27/02/2020

Không chỉ bóng đá ở Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh viêm phổi cấp chủng mới COVID - 19 hoành hành mà các giải bóng đá quốc gia khác ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chịu tác động không nhỏ và rồi nay đến lượt các giải bóng đá lớn ở châu Âu nếm mùi!

Không chỉ bóng đá ở Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh viêm phổi cấp chủng mới COVID - 19 hoành hành mà các giải bóng đá quốc gia khác ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chịu tác động không nhỏ và rồi nay đến lượt các giải bóng đá lớn ở châu Âu nếm mùi!
 
Shanghai SIPG - Trung Quốc tiếp Buriram United - Thái Lan trên sân bóng không khán giả tại vòng loại AFC Champion League
Shanghai SIPG - Trung Quốc tiếp Buriram United - Thái Lan trên sân bóng không khán giả tại vòng loại AFC Champion League
 
Những sân bóng vắng người
 
Có chút gì đó “siêu thực” khi một trận bóng đá diễn ra mà không có khán giả. Có nghĩa là trên sân các cầu thủ cứ việc chạy nhảy, vờn bóng, sút bóng đủ kiểu, nếu là đá đêm thì đèn trên cao vẫn sáng, bảng báo tỷ số vẫn lấp lánh nhưng trên khán đài mênh mông không có lấy một tiếng reo hò, cổ vũ nào khi bóng vào cầu môn. Thay vào đó là một không khí vắng lặng hầu như đến tuyệt đối vì, đơn giản trên sân chẳng có lấy một người xem nào dự khán, nếu có chắc cũng chỉ vài người của Ban tổ chức.
 
Nhưng đó là cảnh thật của một số trận đấu quốc tế mà các đội Trung Quốc và sắp tới là của Hàn Quốc và Nhật Bản phải trải qua trong khuôn khổ các giải quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh viên phổi cấp do virus Corona (COVID - 19) tác oai tác quái trong vùng Đông Bắc Á. 
 
Để ngăn ngừa dịch bệnh lan trên diện rộng, giải bóng đá quốc gia của Trung Quốc đã bị hoãn lại từ lâu. Nay đến lượt các giải quốc gia khác trong vùng như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có quyết định tương tự.
 
Theo lịch trình, giải bóng đá quốc nội K - League Hàn Quốc khởi động vào cuối tháng 2 năm nay, nhưng do dịch bệnh bùng phát mạnh ở vùng đông nam đất nước này nên mùa giải mới đã được hoãn lại. Quyết định này được đưa ra sau một cuộc họp khẩn cấp với lời giải thích rằng “để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của công chúng và các cầu thủ nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch viêm phổi cấp”. 
 
Chính phủ Hàn Quốc trong ngày 23/2 gần đây đã nâng cảnh báo dịch bệnh tại đất nước này lên mức nghiêm trọng, các địa phương sau đó đã được khuyến khích hạn chế tiến hành các cuộc họp và sự kiện đông đúc. Chính vì vậy, Ban tổ chức K - League cho biết sẽ theo dõi các diễn biến cho đến khi mối đe dọa của dịch bệnh thực sự lắng xuống và sẽ công bố lịch thi đấu mới phù hợp với điều kiện thực tiễn.
 
Tại Nhật Bản, một số đội bóng chẳng hạn như CLB Consadole Sapporo đã ra thông báo hoãn việc bán vé cho các trận đấu trên sân nhà của mình tại J-League vì lo ngại các trận đấu có thể bị hủy vì dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato trước đó đã có lời kêu gọi thận trọng trong việc tổ chức các sự kiện quy mô lớn trên cả nước trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra. Trong nỗ lực kiểm soát tình hình trong khi vẫn tổ chức giải bóng đá quốc gia, ông Mitsuru Murai - người đứng đầu J-League cho biết quốc gia này sẽ tăng cường các biện pháp hữu hiệu để tránh sự lây lan của dịch bệnh tại các trận đấu mở màn giải trong cuối tháng này.
 
Tuy nhiên cũng cần biết rằng với các trận đấu trong khuôn khổ giải quốc nội thì các quốc gia này có thể hoãn, hủy hoặc điều chỉnh thời gian phù hợp theo lịch thi đấu nước mình, nhưng với các giải quốc tế thì đó lại là một câu chuyện khác. Hoãn các trận đấu này là không thể vì lịch thi đấu quốc tế khi thay đổi sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác nên Hàn Quốc đã chọn cách thức vẫn cứ thi đấu theo đúng kế hoạch nhưng trong một sân vận động kín không có khán giả. 
 
Trước đó, tại Trung Quốc các trận đấu vòng loại World Cup cũng buộc phải chuyển qua nước khác còn với các trận đấu trong khuôn khổ giải vô địch châu Á đã có trường hợp các đội Trung Quốc phải thi đấu trên sân không có khán giả.
 
Bóng đá châu Âu bắt đầu chịu tác động
 
Đại gia bóng đá đầu tiên ở châu Âu phải “chịu trận” với virus Corona chủng mới COVID -19 chính là bóng đá Ý.
 
Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp đang lan nhanh ở Ý gần đây, hàng loạt trận của Serie A tại vòng đấu thứ 25 đã bị hoãn lại trong đó có những trận đấu hay của giải bóng đá nước này như trận Inter gặp Sampdoria, trận Atalanta gặp Sassuolo, trận Torino gặp Parma. Và không chỉ các trận đấu trong khuôn khổ Serie A, rất nhiều trận đấu cấp thấp hơn trong hệ thống Liên đoàn Bóng đá Italia cũng bị hoãn lại.
 
Theo một quan chức thể thao của Ý, quyết định được đưa ra ngay đêm thứ bảy muộn trước đó trước khi các trận đấu trong ngày chủ nhật diễn ra, với sự cân nhắc rất kỹ về mối nguy hại do virus Corona gây nên. Theo vị quan chức này, thể thao và bóng đá không thể tự làm theo ý muốn của riêng mình mà phải tuân thủ theo hướng dẫn của chính phủ, các hoạt động thể thao mang tính cộng đồng đều được tạm hoãn để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
 
Điều đáng nói, đã có những phương án được đưa ra để tránh sự xáo trộn của lịch thi đấu các đội trong đó có giải pháp thi đấu trong sân vận động không có khán giả, tuy nhiên nhiều đội tại Ý đã không đồng ý cách làm này vì sẽ gây thiệt hại rất lớn về mặt tài chính cho các đội bóng trong đó có việc đền tiền cho khán giả đã mua vé hoặc đã mua vé cho cả mùa bóng trước đó. 
 
Nhưng không chỉ Serie A, Europa League của châu Âu nay cũng bắt đầu bị tác động bởi dịch bệnh. Trong khuôn khổ vòng 1/16 Europa League 2019/2020, Inter Milan trong tuần này phải chơi trận lượt về với Ludogorets của Bulgari trong một sân vận động không có khán giả.
 
Trước nguy cơ dịch bệnh, Chính phủ Italia gần đây cho biết sẽ xem xét để hoãn các trận đấu thể thao trong đó có bóng đá nếu dịch vẫn cứ diễn biến phức tạp.
 
Và không chỉ bóng đá Ý, nhiều giải bóng đá lớn châu Âu những ngày này cũng vừa vận hành vừa lo lắng và đang hướng mắt vào diễn biến tình hình dịch bệnh tại Ý để có một đối sách thích hợp. Rõ ràng, virus Corona đã thổi đến châu Âu một cơn sóng bất an cho người châu Âu trong đó có bóng đá châu Âu những ngày này.
 
GIA KHÁNH