US Open - Grand Slam trên đất Mỹ trở lại

06:09, 03/09/2020

US Open - giải Grand Slam cuối cùng trong năm đã chính thức khởi tranh từ 31/8 và kéo dài đến 13/9 tại New York - Mỹ, bất chấp đại dịch COVID-19 đang hoành hành. 

US Open - giải Grand Slam cuối cùng trong năm đã chính thức khởi tranh từ 31/8 và kéo dài đến 13/9 tại New York - Mỹ, bất chấp đại dịch COVID-19 đang hoành hành. 
 
Novak Djokovic đang là ứng cử viên cho danh hiệu vô địch đơn nam ở US Open 2020
Novak Djokovic đang là ứng cử viên cho danh hiệu vô địch đơn nam ở US Open 2020
 
Một giải đấu lạ lùng 
 
Với những người yêu quần vợt Việt Nam, chỉ cần bật kênh Thể thao hay kênh Fox thể thao trên truyền hình cáp lên trong giờ thi đấu, sẽ thấy sự “kỳ lạ” từ những trận đấu của giải quần vợt đẳng cấp thế giới này khi trở lại.
 
Đó không phải là những trận đấu của một Grand Slam hoành tráng như thường thấy với khán giả ngồi kín sân, với tiếng reo cổ vũ các pha bóng đẹp, với khung cảnh nhộn nhịp người xem đến sân đi lại bên ngoài. Thay vào đó, các sân đấu rộng mênh mông của tổ hợp Trung tâm quần vợt quốc gia Billie Jean King thuộc Hiệp hội Quần vợt Mỹ tại Flushing Meadows - Corona Park của thành phố này vắng lặng đến lạnh người. Ngay cả số người hỗ trợ trọng tài trên sân nay cũng được giảm bớt, còn các tay vợt chào nhau từ xa, kết thúc trận đấu chẳng buồn bắt tay nhau, thay vào đó là cái chạm… vợt. Có cảm giác những trận đấu diễn ra nơi đây giống như cảnh đấu tập của các tay vợt hơn là một Grand Slam.
 
Nhưng biết làm sao được, vì mới cách đây vài tháng trước, sân đấu này, giống như nhiều địa điểm công cộng khác tại New York, từng được sử dụng để làm một bệnh viện dã chiến điều trị cho những người mắc bệnh viêm phổi cấp nơi đây. Đại dịch COVID-19 đã quét qua thành phố này như một cơn sóng dữ và đến nay vẫn tiếp tục hoành hành dù có suy giảm đôi chút. Sau cơn hoảng loạn ban đầu, New York đang dần từng bước trở lại cuộc sống thường nhật trong đó có thể thao, nhưng giải đấu này cũng chẳng thể bình thường được khi dịch bệnh còn hiện diện. Thật ra đây đã là một cố gắng rất phi thường của người Mỹ để cứu vãn một giải đấu mà ban đầu tưởng chừng đã phải hoãn lại hoặc có thể hủy bỏ hẳn trong năm nay.
 
Cũng nói thêm một chút rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu này đã buộc phải thi đấu trong cảnh không khán giả như thế. Giống như một cách để cứu bóng đá, châu Âu đã nghĩ ra việc thi đấu trong các sân bóng không khán giả; còn Ban Tổ chức US Open, để cứu lấy quần vợt, cách đây vài tháng cũng đưa ra giải pháp không để khán giả đến sân, mọi người có thể ngồi nhà xem qua truyền hình trực tiếp.
 
Tất nhiên, không khán giả đến sân, không thu được tiền vé vào cửa nên Ban tổ chức giải năm nay phải chịu thất thu một khoản rất lớn. Năm ngoái đã có trên 700 nghìn lượt khách đến sân dự khán và nguồn thu tiền vé là rất lớn. Nhưng có còn hơn không, giải vẫn còn một khoản tiền để thu và trang trải cho mọi thứ từ bản quyền truyền hình. Kênh truyền hình thể thao ESPN trước đây đã trả 824 triệu đô Mỹ để độc quyền phát sóng giải đấu này trong 11 năm và đây đã là năm thứ 6 giải đấu này thực hiện theo hợp đồng.
 
Để an toàn cho giải, các VĐV nước ngoài trong danh sách đăng ký thi đấu khi nhập cảnh Mỹ được miễn cách ly, nhưng họ cùng những người đi theo đều phải được kiểm tra mẫu thử COVID-19 thường xuyên trong suốt thời gian giải diễn ra. Trong trường hợp phát hiện dương tính với virus, các tay vợt và những người đi theo phải rời giải đấu. Các tay vợt và những người đi cùng cũng phải ở tập trung tại các địa điểm do Ban tổ chức sắp xếp, hoặc những nơi mà Ban tổ chức chấp thuận rằng an toàn. Sẽ có những nhân viên của giải nhắc nhở mọi người mang khẩu trang và duy trì khoảng cách tối thiểu. 
 
Do ảnh hưởng dịch bệnh nên tiền thưởng tại US Open năm nay có giảm đáng kể với 53,4 triệu USD, thấp hơn mức 57 triệu USD của mùa giải năm 2019 trước đó. Trong đó, 2 nhà vô địch đơn nam và đơn nữ nhận được 3 triệu USD, thấp hơn so với mức thưởng 3,85 triệu USD của năm 2019. Tuy nhiên, mức thưởng dành cho những tay vợt lọt qua vòng đầu tiên tăng lên đôi chút với 61 nghìn USD, tăng hơn so với mức 58 nghìn USD của năm trước. Với các tay vợt vượt qua vòng 2 và vòng 3 mức thưởng không thay đổi, lần lượt ở mức 100 nghìn USD và 163 nghìn USD. 
 
Vắng nhiều danh thủ 
 
Đáng tiếc nhất là cả 2 đương kim vô địch cá nhân nam nữ của giải Rafael Nadal (Tây Ban Nha) và Bianca Andreescu (Canada) đều không có mặt.
 
Năm ngoái, tay vợt nữ Bianca Andreescu đã bất ngờ vượt qua danh thủ Serena Williams của Mỹ trong trận chung kết US Open 2019, để trở thành cây vợt người Canada đầu tiên giành được một danh hiệu Grand Slam đánh đơn. Tuy nhiên, trong giải năm nay, Andreescu, hiện xếp thứ 6 thế giới, cho biết không thể tham dự do không đủ thời gian để chuẩn bị vì chấn thương và vì dịch bệnh. Còn Nadal cũng đưa ra quyết định không tham dự giải vì lý do COVID-19 chưa an toàn.
 
Nhưng không chỉ Bianca Andreescu vắng mặt mà hàng loạt tay vợt nữ hàng đầu thế giới khác cũng rút lui vì lý do lo ngại dịch bệnh, chẳng hạn như Ashleigh Barty của Australia, đang số 1 thế giới; Elina Svitolina của Ukraine - số 5 thế giới và Kiki Bertens của Hà Lan - số 7 thế giới. Trong giải đơn nữ, 6 trong số 8 cây vợt hàng đầu đều vắng mặt.
 
Trong khi đó, nội dung đơn nam cũng thiếu một số tên tuổi trong làng quần vợt thế giới, có tay vợt kỳ cựu người Thụy Sỹ Roger Federer do phẫu thuật đầu gối. 
 
Tuy nhiên, giải vẫn còn sự hiện diện của rất nhiều các ngôi sao đủ để làm các trận đấu hấp dẫn. Trong nội dung đơn nữ là số 2 thế giới Sofia Kenin, số 3 thế giới Karolina Pliskova, số 9 thế giới Serena Williams, số 10 thế giới Naomi Osaka và có 2 khuôn mặt đáng chú ý khác là tay vợt trẻ 16 tuổi Coco Gauff và cây vợt kỳ cựu 37 tuổi từng rất nổi danh Kim Clijsters, người không tham dự một giải Grand Slam nào kể từ năm 2012.
 
Trong đơn nam, bên cạnh ứng viên số 1 giành chức vô địch giải năm nay là danh thủ Novak Djokovic, còn có các tay ngôi sao như số 3 thế giới Dominic Thiem, số 5 Daniil Medvedev, số 6 Stefanos Tsitsipas, số 7 Alexander Zverev, số 8 Matteo Berrettini và số 10 David Goffin. 
 
Như Serena Williams - ứng viên hàng đầu cho danh hiệu vô địch đơn nữ giải năm nay cho biết: “Đã có thời điểm tôi nghĩ không thể có chuyện những giải đấu như thế này diễn ra vì dịch bệnh”. Còn Novak Djokovic cũng cho rằng “Có rất nhiều người trên khắp thế giới nghĩ rằng chúng tôi không nên thi đấu, rằng việc tụ tập đông người không nên diễn ra”. Bản thân Djokovic cũng từng bị nhiễm COVID-19 trong tháng 6 tại một giải biểu diễn do tay vợt này tổ chức ở Serbia và Croatia nhưng hồi phục sau đó. Nhưng Djokovic chính là một trong những người đi đầu để đưa quần vợt trở lại vì đơn giản theo anh thể thao, quần vợt sẽ mang lại niềm vui và hy vọng cho rất nhiều người trong bối cảnh u ám vì đại dịch hoành hành lúc này. 
 
GIA KHÁNH