Có một câu lạc bộ cầu lông mang tên Bình Minh tại Đà Lạt

06:11, 26/11/2020

Là địa phương có phong trào cầu lông dẫn đầu Lâm Đồng hiện nay, Đà Lạt có nhiều câu lạc bộ cầu lông đang hoạt động rất mạnh theo phương thức xã hội hóa...

Là địa phương có phong trào cầu lông dẫn đầu Lâm Đồng hiện nay, Đà Lạt có nhiều câu lạc bộ (CLB) cầu lông đang hoạt động rất mạnh theo phương thức xã hội hóa. Một trong những CLB có nhiều thành tích trong nhiều năm nay chính là CLB Cầu lông Bình Minh. 
 
Các thành viên của CLB Cầu lông Bình Minh - Đà Lạt trong giải Trung cao tuổi Lâm Đồng 2020 tổ chức vào tháng 10 tại Đà Lạt
Các thành viên của CLB Cầu lông Bình Minh - Đà Lạt trong giải Trung cao tuổi Lâm Đồng 2020 tổ chức vào tháng 10 tại Đà Lạt
 
Những thành viên tích cực
 
Với bà Bùi Thị Thanh Uyên, 51 tuổi (sinh năm 1969) người Đà Lạt, cầu lông đến nay đã như là một phần cuộc sống của mình. Là thành viên tích cực của CLB Cầu lông Bình Minh, bà Uyên cho biết bà đã chơi cầu lông được 14 năm. “Tôi nhớ những ngày mình bắt đầu chơi, vì trước đó đâu biết cầu lông là gì. Đà Lạt thì quanh năm lạnh, nhà thì buôn bán nên bận rộn, cả ngày cứ quanh quẩn ở nhà với công việc, đâu biết gì thể thao. Cũng có nhiều lần ông xã vận động đi tập nhưng tôi cũng chưa quyết định. Rồi một ngày thử đi chơi, thấy thích, rồi đâm mê luôn” - bà Uyên nhớ lại.
 
Mê nên đến nay dù bận rộn mấy bà cũng dành thời gian đi đánh cầu lông hằng ngày. Cứ chừng gần 5 giờ sáng, vợ chồng bà cùng ra khỏi nhà đến CLB, chừng hơn 7 giờ sáng về nhà. “Ban đầu thì cứ nghĩ rảnh đâu mà đi thể thao, nhưng khi mê rồi thì hóa ra mình có thể sắp xếp mọi thứ. Thật ra cũng chẳng tốn thời gian gì nhiều lắm, chừng 2 tiếng đồng hồ buổi sáng sớm mỗi ngày thôi, coi như đây là thời gian dành cho mình, để mình nạp năng lượng cho ngày dài công việc” - bà tươi cười. 
 
Và cầu lông, như bà Uyên nói, đã làm bà thay đổi rất nhiều. Cụ thể, đó là sức khỏe của bà đã nâng lên, nhanh nhẹn hơn, xương khớp ổn, làm việc cả ngày ít thấy mệt, ít đau lặt vặt. Một điều nữa làm bà rất thích là bà đã bớt tính rụt rè, nhút nhát như trước, nay bà tự tin và hoạt bát hẳn trong chỗ đông người. “Ra sân đông người chơi, bạn bè, người quen, ngày ngày cũng gặp nhau trên sân, gặp nhau nói đủ thứ chuyện nên rất vui. Nhờ cầu lông nên quen biết mọi người khắp nơi, cứ ở nhà vài ngày là thấy nhớ CLB. Do vậy, có những lúc công việc phải đi xa, về nhà người còn mệt nhưng vẫn muốn mau mau ra sân, khi ra đến sân gặp mọi người thì mệt mỏi hết ngay” - bà cười.
 
Từ một người chơi bình thường những ngày đầu, nay bà Uyên đã là một tay vợt có nhiều thành tích trong CLB. Những năm gần đây khi tham gia giải trung cao tuổi của tỉnh hằng năm, bà đã giành không ít huy chương. Gần đây, trong giải trung cao tuổi toàn quốc, khi được chọn vào đội tuyển tỉnh thi đấu, bà cùng với chồng đã giành được Huy chương Bạc trong nội dung đánh đôi nam nữ.
 
Một thành viên khác cũng có nhiều thành tích trong CLB Bình Minh chính là ông Nguyễn Hoàng Vũ, 49 tuổi, người Đà Lạt. 
 
Ông Vũ hiện đang làm việc trong một công ty tại Đà Lạt, dù rất bận rộn nhưng là người yêu vận động, ông vẫn thu xếp thời gian để dành cho những hoạt động thể thao mình yêu thích, đó là đạp xe đạp và chơi cầu lông. 
 
Theo ông Vũ, không đâu ở nước ta đạp xe thích như ở Đà Lạt. Trời mát, đường vắng, nhiều con dốc, phong cảnh đẹp, đạp xe cả ngày cũng được. Nhưng điều bất tiện là mùa mưa kéo dài trong năm, ướt át, đường trơn. Thế là bên cạnh đạp xe, ông Vũ còn chọn đi chơi cầu lông vì chơi cầu lông trong nhà thì mưa nắng gì cũng chơi được. 
 
Với lại theo ông Vũ, CLB lâu nay duy trì một không khí sinh hoạt rất vui, gắn kết mọi người nên ông Vũ rất thích và trong hơn 10 năm nay ông luôn là một thành viên tích cực của CLB. Ông cho biết, hầu như mọi hoạt động của CLB ông đều tham gia, từ thi đấu giải nội bộ, tổ chức các chuyến giao lưu đến với các CLB khác trong thành phố hay trong tỉnh, tham gia thi đấu giải tỉnh và giải quốc gia. Không chỉ giành Huy chương Vàng nhiều năm trong các giải trung cao tuổi của tỉnh, trong đội tuyển tỉnh, ông còn giành được Huy chương Đồng tại giải trung cao tuổi toàn quốc năm vừa rồi trong nhóm tuổi của mình.
 
 “Quan trọng là người đầu tàu. Một CLB hoạt động với tinh thần tự nguyện nếu có người đầu tàu tốt, giúp mọi người hòa đồng, vui vẻ là các thành viên như tôi rất sẵn lòng chung tay góp sức để CLB cùng phát triển” - ông Vũ nói.
 
Sức sống của CLB phong trào 
 
Sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng tại Đà Lạt có rất nhiều các CLB thể thao phong trào trong rất nhiều bộ môn, trong đó có cầu lông, hoạt động theo hình thức tự nguyện, do một người hay một nhóm người đứng ra tổ chức, tự đóng góp tự vận hành, duy trì hoạt động trong rất nhiều năm và ngày càng phát triển tốt hơn. Bình Minh là một CLB như thế.
 
Theo ông Võ Đình Tuấn - Chủ nhiệm CLB Cầu lông Bình Minh, CLB này đã hình thành trên 20 năm nay tại Đà Lạt, lúc đầu từ một nhóm nhỏ những người yêu cầu lông, thường chơi cầu lông buổi sáng quanh hồ Xuân Hương. Những thành viên này sau đó đã tập hợp lại để thành lập chính thức một CLB. Lấy tên Bình Minh đơn giản vì đến rạng sáng mỗi ngày các thành viên cùng đi chơi cầu. Cho đến nay CLB đã thu hút thêm rất nhiều người, khoảng trên 60 thành viên, lấy điểm sinh hoạt chính mỗi buổi sáng tại Nhà thi đấu Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Lâm Đồng tại Đà Lạt.
 
Tại nhà thi đấu này, hiện có đến 6 sân cầu lông trong nhà, có thảm đấu, có đèn. CLB hoạt động từ 5 - 7 giờ sáng mỗi ngày, các hội viên cứ đến sớm bắt cặp thi đấu với nhau. Là CLB mở nên theo ông Tuấn, có ai đến gia nhập CLB sẵn sàng nhận vào, lệ phí cho sân tập mỗi tháng chỉ 200 nghìn đồng để trả chi phí sân bãi, tiền điện nơi đây.
 
Hằng năm theo ông Tuấn, CLB thường xuyên tổ chức các chuyến giao lưu thi đấu với các CLB trong và ngoài tỉnh. CLB cũng tổ chức một giải nội bộ truyền thống trong đầu tháng 6 hằng năm. Với giải đấu nội bộ này, CLB nhiều năm nay đã vận động được các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí tổ chức, có giải thưởng, có cúp và huy chương. 
 
Với tư cách là Chủ nhiệm, ông Tuấn cũng thường xuyên vận động các thành viên trong CLB thu xếp việc nhà để tham gia các giải tỉnh, giải khu vực, giải trong nước khi được tỉnh chọn. 
 
“Hầu hết các thành viên ai cũng có công ăn việc làm, đến với cầu lông vì sức khỏe là chính, để tham dự giải tỉnh hay giải trong nước dài ngày cần phải thu xếp công việc nên không phải ai cũng dễ đi được, nhưng đến nay vì phong trào chung, mọi người trong CLB đều hăng hái tham gia” - ông Tuấn cho biết. Chính nhờ những thành viên tích cực này nên CLB lâu nay giành rất nhiều huy chương từ các giải cấp thành phố, cấp tỉnh lẫn giải trung cao tuổi quốc gia. 
 
Chỉ có một nỗi lo, theo ông Tuấn chính là việc CLB chưa có nhiều tay vợt trẻ tham gia, hầu hết mọi người có độ tuổi từ 40-50. “Chúng tôi đang vận động các thành viên trong đội nếu được thì vận động con cháu mình đến sân cho chúng làm quen với cầu lông, truyền cho chúng tình yêu cầu lông, đó có thể là một cách đào tạo về lâu về dài” - ông Tuấn suy nghĩ.
 
GIA KHÁNH