Hoạt động khám, chữa bệnh phát sinh chất thải nguy hại rất lớn có ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, vì vậy, công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế phải tuân thủ theo các quy định hiện hành.
Hoạt động khám, chữa bệnh phát sinh nhiều rác thải y tế nguy hại cần xử lý triệt để theo quy định hiện hành |
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, công tác bảo vệ môi trường luôn được Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Trong đó, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều hướng dẫn triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế trong toàn ngành luôn quan tâm thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế về công tác bảo vệ môi trường. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành luôn có ý thức và thực hiện các biện pháp về công tác bảo vệ môi trường.
Các cơ sở có phát sinh chất thải y tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bao gồm: 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh; 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; 2 đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh; 12 trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố; 1 nhà hộ sinh và 19 phòng khám đa khoa khu vực; 142 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập có 1 bệnh viện đa khoa tư nhân và 493 cơ sở bao gồm phòng khám đa khoa tư nhân, phòng chẩn trị y học cổ truyền, phòng khám chuyên khoa, cơ sở dịch vụ y tế.
Đánh giá công tác bảo vệ môi trường trong năm 2022, các cơ sở y tế đã tuân thủ các quy định về phân loại, lưu trữ và xử lý chất thải y tế. Hiện nay, có 6 Trung tâm Y tế có hệ thống lò đốt chất thải rắn y tế và đã thực hiện đầy đủ việc quan trắc khí thải lò đốt (6/6 cơ sở có kết quả đạt quy chuẩn); có 4 Trung tâm Y tế (Đức Trọng, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Đạ Huoai) xử lý bằng thiết bị hấp. Các đơn vị còn lại hợp đồng với Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường đô thị TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại.
Đối với nước thải y tế, 7 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Y học Cổ truyền Bảo Lộc và Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt) đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện II Lâm Đồng thực hiện xử lý nước thải bằng công nghệ AAO, đạt tiêu chuẩn nguồn nước thải đầu ra; 11/12 Trung tâm Y tế huyện, thành phố đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế (chỉ còn Trung tâm Y tế Bảo Lộc chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế) và 1 cơ sở y tế dự phòng là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã trang bị hệ thống xử lý nước thải hoạt động từ năm 2009, hiện, đơn vị đã được UBND tỉnh phê duyệt nâng cấp sửa chữa hệ thống xử lý nước thải theo dự án của tỉnh.
Thống kê năm 2022 tại 169 cơ sở y tế với tổng số 2.877 giường bệnh, có tổng lượng nước thải y tế 836,9 m3/ngày; tổng lượng chất thải y tế thông thường 2.602 kg/ngày và tổng lượng chất thải y tế nguy hại 672 kg/ngày.
Số lượng chất thải y tế phát sinh và được xử lý trong năm 2022 tại 20 cơ sở y tế (bao gồm 7 bệnh viện công lập và ngoài công lập; 12 trung tâm y tế và 1 cơ sở y tế dự phòng) trong tỉnh có số lượng chất thải lây nhiễm 312 tấn/năm và chất thải nguy hại không lây nhiễm hơn 7 tấn/năm; chất thải y tế thông thường 1.048 tấn/năm; nước thải y tế được xử lý 262.600 m3/năm và chất thải tái chế gần 50 tấn/năm.
Sở Y tế Lâm Đồng đã tích cực triển khai cho các đơn vị y tế trong ngành thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường. Các đơn vị y tế trong ngành đã triển khai thực hiện tốt các nội dung về công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế theo chỉ đạo của Sở Y tế như: thực hiện tốt công tác xử lý chất thải y tế, rà soát, đánh giá thực trạng nguồn, số lượng phát sinh chất thải nhựa tại đơn vị; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường; tổ chức ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa giữa thủ trưởng đơn vị với lãnh đạo các khoa, phòng, chủ đơn vị cung cấp dịch vụ tại đơn vị; báo cáo kết quả thực hiện công tác giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.
Phong trào “Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa” do Sở Y tế Lâm Đồng phối hợp với Công đoàn ngành phát động được các đơn vị nhiệt tình hưởng ứng, bước đầu có kết quả đáng khích lệ, đã làm thay đổi hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành y tế, có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, rác thải y tế lây nhiễm phát sinh nhiều gây quá tải cho các đơn vị xử lý. Bên cạnh đó, vẫn còn một số trung tâm y tế, cơ sở y tế đang sử dụng phương pháp đốt chất thải rắn y tế, đây là một phương pháp không được Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích do nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết cán bộ phụ trách về công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế đều kiêm nhiệm không phải cán bộ chuyên trách, do đó công tác triển khai về quản lý chất thải y tế còn gặp khó khăn. Các đơn vị có lò đốt chất thải rắn, quá trình vận hành còn nhiều hạn chế như tiêu tốn nhiên liệu, rất hay hỏng, thường xuyên phải bảo trì. Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất thải y tế còn hạn chế; nhiều đơn vị không đủ lực xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải, khu lưu giữ chất thải rắn. Mặt khác, đầu tư cho vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải; mua hóa chất, vật tư làm sạch môi trường, mua sắm trang thiết bị, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tiêu hủy chất thải rắn y tế cũng cần kinh phí tương đối lớn.
Đối với các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực lượng chất thải lây nhiễm phát sinh hàng ngày ít nên hầu hết các đơn vị lưu giữ chất thải tại trạm quá lâu trước khi đem xử lý. Hầu hết trạm y tế xã chưa được đầu tư lò đốt rác thải y tế và hệ thống xử lý nước thải y tế theo đúng quy chuẩn.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, Sở Y tế Lâm Đồng đã đề xuất kiến nghị Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, chỉ đạo địa phương thực hiện công tác quản lý chất thải y tế. Tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức về công tác quản lý chất thải y tế, đặc biệt là phần mềm quản lý chất thải y tế hiện nay. Cung cấp sản phẩm truyền thông tuyên truyền về công tác quản lý chất thải y tế.
Đồng thời, Sở Y tế kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp và chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác quản lý chất thải y tế. Bố trí ngân sách cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bảo đảm đủ kinh phí cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải y tế đảm bảo hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Dịch vụ Đô thị TP Đà Lạt và Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Bảo Lộc cần nhanh chóng hoàn tất các hồ sơ cần thiết để xin giấy phép xử lý chất thải nguy hại đúng theo quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin