Chống thất thu thuế trong lĩnh vực lưu trú, khách sạn

DIỄM THƯƠNG 02:57, 01/03/2023

Hoạt động khách sạn, lưu trú đã và đang phát triển nhanh chóng nên bên cạnh những đóng góp tích cực, hoạt động dịch vụ này cũng đặt ra không ít thách thức đối với vấn đề quản lý thuế. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng thông qua việc thực hiện nghĩa vụ thuế, Lâm Đồng đã ban hành Đề án Tăng cường quản lý kinh doanh đối với cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh, nhằm chống thất thu thuế trong lĩnh vực này.

Ngành Thuế tăng cường kiểm tra, chống thất thu thuế trong lĩnh vực lưu trú
Ngành Thuế tăng cường kiểm tra, chống thất thu thuế trong lĩnh vực lưu trú

THU CHƯA TƯƠNG XỨNG TIỀM NĂNG

Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, kết quả việc quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và tích cực, đạt được một số kết quả nhất định, khách du lịch qua mỗi năm đều có sự tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, do dịch COVID - 19 bùng phát trở lại đầu năm 2021, nên lượng khách và số thu năm 2021 giảm sâu so với năm 2020 và 6 tháng 2022. Theo đó, năm 2020 doanh thu dịch vụ lưu trú và du lịch đạt 1.483 tỷ đồng, số thuế thu đạt 142 tỷ đồng; năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú và du lịch đạt 952 tỷ đồng, bằng 64% so với cùng kỳ năm 2020, số thuế đạt 68 tỷ đồng, bằng 48% so với cùng kỳ; năm 2022 dịch vụ lưu trú số thuế nộp 98 tỷ, tăng 76% so cùng kỳ; dịch vụ ăn uống số thuế đạt 56 tỷ, tăng 33% so cùng kỳ. Từ đó có thể thấy, nguồn thu thuế từ lĩnh vực kinh doanh lưu trú, việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách của các tổ chức, hộ kinh doanh lĩnh vực lưu trú, du lịch, chưa tương xứng với nguồn lực, quy mô kinh doanh và tiềm năng của địa phương, đóng góp cho ngân sách trong lĩnh vực này còn khiêm tốn, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng số thuế, phí thu được hàng năm.

Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng triển khai nhiều chương trình khởi hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư vào dịch vụ du lịch, phát triển dịch vụ du lịch, đồng thời đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch. Hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư mở rộng và phát triển khá đồng bộ, tạo thuận lợi cho dịch vụ du lịch. Cơ sở vật chất ngành Dịch vụ du lịch tiếp tục được đầu tư, hệ thống cơ sở lưu trú có những bước phát triển mạnh với số lượng khách sạn cao cấp ngày càng tăng. Ngành Thuế và các sở, ngành đã có nhiều giải pháp phối hợp trong việc kiểm soát quá trình hoạt động kê khai, nộp thuế của người nộp thuế, tuy nhiên, không ít cơ sở lưu trú chấp hành chưa đúng quy định trong việc kê khai lượt khách, kê khai, niêm yết giá; kê khai giá thuê phòng thấp hơn giá thực tế. Đặc biệt vào mùa du lịch hay các dịp lễ hội, giá phòng nghỉ thường được tăng rất nhiều lần, không đúng giá niêm yết, nhưng phản ánh trên hóa đơn bán hàng và sổ sách kế toán với mức giá thấp, nhằm kê khai doanh thu thấp hơn thực tế; một số cơ sở kinh doanh lưu trú (homestay) hoạt động không đăng ký kinh doanh.

Thực tế cho thấy, việc chống thất thu thuế nói chung và thất thu trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại du lịch nói riêng rất khó khăn, phức tạp. Chủ trương "bán hàng phải cấp hoá đơn, mua hàng phải nhận hoá đơn" không được người bán và người mua hàng thực hiện nghiêm túc, đặc biệt ở lĩnh vực dịch vụ lưu trú có nhiều phương thức tinh vi về kê khai giá phòng, khai báo thuế... Trong khi đó, tâm lý chung của người nộp thuế luôn muốn tối ưu hoá lợi nhuận. Công tác phối hợp của cơ quan thuế với một số ngành chưa thực sự chặt chẽ, các ngành chưa chủ động cung cấp cho cơ quan thuế thông tin liên quan về quản lý thuế và chống thất thu thuế.

SIẾT CHẶT QUẢN LÝ

Theo Đề án ban hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư; Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố theo dõi cập nhật kịp thời cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh trên website http://quanlyluutru.lamdong.gov.vn; tổng hợp và theo dõi tình hình hoạt động của cơ sở lưu trú hiện có; tăng giảm do đăng ký mới, do ngưng nghỉ… Thông tin chi tiết của các cơ sở lưu trú du lịch theo tên cơ sở lưu trú, mã số thuế (hoặc căn cước công dân của chủ cơ sở lưu trú); địa chỉ kinh doanh; loại, hạng cơ sở du lịch, cơ cấu buồng. Chủ trì quản lý, nâng cấp và khai thác ứng dụng phần mềm quản lý cơ sở lưu trú theo yêu cầu của Đề án nhằm theo dõi chặt chẽ cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh, thống kê việc quản lý cơ sở vật chất của các cơ sở lưu trú như: số phòng, sức chứa, tiêu chuẩn xếp hạng... Đồng thời, tiến hành công khai trên ứng dụng để người nộp thuế là các cơ sở lưu trú đối chiếu giám sát.

Cục Thuế tỉnh, trên cơ sở dữ liệu liên thông đăng ký kinh doanh từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh; Phòng Tài chính Kế hoạch các huyện, thành phố; dữ liệu về cung cấp điều kiện hành nghề lưu trú (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); dữ liệu cung cấp trao đổi từ cơ quan công an về an ninh trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy. 

Cơ quan thuế các cấp cũng tiến hành rà soát đối chiếu với dữ liệu trên hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung để phân loại và đưa vào diện phải kê khai, nộp thuế theo quy định, đồng thời phân loại rủi ro để có biện pháp quản lý phù hợp. Trường hợp phát hiện cơ sở lưu trú không lập các thủ tục đăng ký kinh doanh hành nghề có điều kiện hoặc đã đăng ký hành nghề, nhưng chưa lập thủ tục đăng ký thuế, chưa kê khai nộp thuế; yêu cầu cơ sở lưu trú giải trình và tiến hành đưa vào lập bộ quản lý thu thuế, đồng thời, thông tin cho các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, còn tăng cường các giải pháp chống thất thu bằng cách áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý lưu trú, siết chặt quản lý việc kê khai, niêm yết giá, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, sử dụng hóa đơn điện tử...

Ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đề án được triển khai sẽ tăng cường công tác chống thất thu thuế, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương trong việc phối hợp với cơ quan thuế để công tác chống thất thu đạt kết quả cao nhất; đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế trong Nhân dân.