Đam Rông: Tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

HOÀNG SA 06:02, 20/03/2023

Đam Rông là địa phương trước đây khá nóng về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là tình trạng khai thác cát trên sông Krông Nô. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các cơ quan chức năng huyện đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, cùng với đó, các đơn vị chức năng của huyện đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truy quét có hiệu quả.

Doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên sông Krông Nô đã tiến hành khai thác trong diện tích được cấp phép
Doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên sông Krông Nô đã tiến hành khai thác trong diện tích được cấp phép

Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đam Rông cho biết, những năm qua, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường được huyện thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, qua đó đã hạn chế tình trạng san lấp mặt bằng, khai thác khoáng sản trái phép. Bên cạnh đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng có liên quan và UBND các xã đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện các chủ trương và các văn bản chỉ đạo của UBND huyện nên hiệu quả của công tác quản lý ngày càng được nâng cao.

Nổi bật nhất, trên tuyến sông Krông Nô, đoạn qua địa bàn huyện Đam Rông, nơi từng được xem là điểm nóng về khai thác cát trái phép. Khu vực này, có địa hình khá phức tạp là nơi tiếp giáp của 3 tỉnh gồm Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Do đó, việc quản lý, xử lý các đối tượng khai thác trái phép lâu nay vẫn gặp không ít khó khăn. Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian qua, UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo cho các đơn vị chức năng triển khai quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để trấn áp các đối tượng khai thác cát trái phép, cũng như xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. 

Ông Nguyễn Văn Tiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Vượng 68 cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Đam Rông chỉ có duy nhất đơn vị được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép thực hiện các hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô. Nhận thức được điều này, đơn vị khai thác đã chấp hành và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản. Ngoài ra, đơn vị cũng thực hiện tốt các nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ đối với địa phương và chấp hành, phối hợp việc thực hiện công tác thanh, kiểm tra theo quy định pháp luật định kỳ hoặc đột xuất của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, để tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, trong năm 2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tiến hành phối hợp, kiểm tra 80 đợt về hoạt động khai thác, tập kết khoáng sản, tài nguyên nước, san lấp mặt bằng, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, đơn vị đã tham mưu UBND huyện xử lý theo thẩm quyền 5 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai với số tiền hơn 145 triệu đồng; đồng thời, các trường hợp vi phạm đã bàn giao UBND xã lập hồ sơ xử lý theo quy định cũng như tiếp tục hướng dẫn, đề nghị UBND xã tăng cường công tác kiểm tra. 

Mặt khác, đơn vị cũng tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản, san lấp mặt bằng, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường; phê duyệt kế hoạch kiểm tra hoạt động khai thác, tập kết khoáng sản, tài nguyên nước, san lấp mặt bằng, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện năm 2022; Kế hoạch triển khai, thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 4/8/2021 của UBND tỉnh; đề xuất các khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh để lập phương án khoáng sản không được san lấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như: báo cáo công tác quản lý việc san ủi đất lâm nghiệp; khai thác khoáng sản trên đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện; cung cấp danh sách các điểm được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện; báo cáo tham mưu UBND huyện chấp thuận cho san gạt mặt bằng, kiểm tra giám sát thực hiện việc san lấp và việc san gạt mặt bằng trái phép trên địa bàn huyện... 

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ môi trường ở địa bàn chưa được trang bị cho nên không thể đo đếm cụ thể, chính xác nồng độ các chất ô nhiễm thải ra môi trường, chủ yếu chỉ xác định bằng cảm quan gây khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác khoáng sản như cát, sỏi, đá, đất san lấp trái phép trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra với quy mô nhỏ lẻ, thường xảy ra lúc ban đêm và những ngày nghỉ, ngày lễ, tết; xảy ra ở những khu vực giáp ranh nên công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện ngày càng lớn, trong khi đó nguồn cung ứng từ các điểm mỏ được cấp phép khai thác không đáp ứng đủ nhu cầu, vì vậy dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn xảy ra và khó ngăn chặn.

Trong thời gian đến, UBND huyện Đam Rông sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, UBND cấp xã quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản, bảo vệ môi trường tại địa phương. Chú trọng công tác thu ngân sách nhà nước lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Chủ động tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản theo thẩm quyền. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác thẩm định các hồ sơ giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thống kê đất đai hàng năm; lập kế hoạch sử dụng đất năm 2023; san lấp mặt bằng; thẩm định hồ sơ phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn huyện, ông Thanh cho biết thêm.