Thiếu hụt lao động phổ thông trong ngành Nông nghiệp

CHÍNH PHONG 06:13, 03/03/2023

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang thiếu hụt lao động phổ thông trong những tháng đầu năm 2023.

Người lao động tìm tới Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng để tìm kiếm việc làm phù hợp
Người lao động tìm tới Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng để tìm kiếm việc làm phù hợp

Theo ghi nhận, từ đầu tháng 2 tới nay, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông đang tăng nhanh trong ngành Nông nghiệp. Tại Khu công nghiệp Phú Hội (huyện Đức Trọng), Công ty TNHH Agriex cho biết, từ Tết Nguyên đán tới nay, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp đang hoạt động với công suất khoảng 10 tấn thành phẩm các loại nông sản/ngày, trong đó, xuất khẩu hơn 50% đi thị trường Nhật Bản. 

Trong những tháng đầu năm 2023, công ty đang mở rộng khu vực sản xuất, trang thiết bị nhà máy giai đoạn 2 với công suất chế biến 20 tấn thành phẩm nông sản cấp đông và tuơi/ngày, tiêu thụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu nên cần lượng lớn lao động phổ thông. Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH Agriex thông tin việc tìm kiếm lao động phổ thông không đạt như kỳ vọng, còn thiếu người làm ở một số công đoạn chế biến.

Một số công ty đóng chân tại Khu công nghiệp Phú Hội cũng cho biết, hiện nay, với mức lương, thưởng rơi vào khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng cho lao động phổ thông. Thế nhưng hằng năm, vào thời điểm dịp Tết Nguyên đán hay mùa thu hoạch cà phê, các công ty tại đây luôn trong tình trạng thấp thỏm do thiếu hụt lao động phổ thông, kể cả lao động có tay nghề cao.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thùy Vân, phụ trách mảng kinh doanh HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Măng Lin (Phường 7, TP Đà Lạt) chia sẻ, hiện nay, HTX đang thiếu thường xuyên 15 - 20 lao động, trong khi công suất chế biến dâu tây, chăm sóc rau thủy canh, cà chua,… luôn cần tối đa khoảng 70 người. Để có lao động đáp ứng nhu cầu vận hành, HTX Măng Lin đã có những ưu đãi về mức lương, phụ cấp, hỗ trợ một phần chi phí ăn, ở cũng như liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng, đăng tin tuyển dụng lên mạng xã hội,… nhưng vẫn chưa đủ số lao động cần thiết.

Là đơn vị chuyên sản xuất các loại rau ăn lá, ăn củ, quả với tổng diện tích 30 ha trong nhà kính và 10 ha ngoài trời, đồng thời, liên kết sản xuất khoảng 50 hộ dân với diện tích 80 ha, ông Mai Văn Khẩn, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (Phường 12, TP Đà Lạt) nhìn nhận nhu cầu về lao động tại HTX khá lớn và luôn ở trong tình trạng thiếu người. 

“Khối lượng công việc lớn, nhu cầu lao động nhiều nhưng các lao động thường làm theo thời vụ hoặc không thể gắn bó lâu năm nên chúng tôi phải tuyển dụng liên tục. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán, một lượng lớn lao động về quê và chưa vào kịp nên HTX rất bí người” - ông Khẩn nhận định.

Cũng theo ông Khẩn, hiện nay, hợp tác xã rất cần tuyển lao động nữ để bố trí công việc tại các khâu như trồng rau, nhổ cỏ, thu hoạch nông sản. Còn lao động nam đang cần ở các khâu làm đất, vận chuyển… Về chế độ đãi ngộ đối với lao động phổ thông làm việc ở các khâu trên, HTX sẵn sàng trả mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, hỗ trợ 100% về các chi phí ăn, ở. Đối với các trường hợp gắn bó lâu dài, nhiệt huyết với công việc được HTX ưu đãi thêm với các khoản thưởng theo thời gian từng quý.

Ông Hoàng Trọng Vinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số lĩnh vực ở địa phương luôn ở trạng thái thiếu lao động. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, số việc làm cung ứng cho thị trường lao động chỉ đáp ứng chưa đến 50% so với nhu cầu. “Nói chung là địa bàn tỉnh thiếu hụt lao động. Nhiều doanh nghiệp đăng ký tại Trung tâm nhưng nhiều tháng chúng tôi không cung ứng đủ” - ông Vinh nói. 

Trong tháng 2/2023, các doanh nghiệp, HTX gửi thông báo đến trung tâm và đang có nhu cầu tuyển tổng cộng 1.000 vị trí việc làm cho các nhóm lĩnh vực như nông nghiệp nông thôn, kinh doanh, dịch vụ du lịch. Trong đó, yêu cầu về lao động phổ thông chiếm khoảng 50%. Trung tâm đang thực hiện các hình thức như gửi thông tin cho trên 120 cộng tác viên tại các xã trên địa bàn tỉnh để huy động lực lượng tìm kiếm lao động hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó là tổ chức các phiên giao dịch việc làm online, thông tin tư vấn trực tiếp cho lao động làm bảo hiểm thất nghiệp,..

Qua nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, HTX cũng như nhu cầu việc làm của người lao động, ông Vinh đánh giá, hiện nay, nguồn lao động phổ thông và có trình độ phân bổ không đồng đều theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Đặc biệt, tại TP Đà Lạt đang xảy ra tình trạng thiếu lao động phổ thông và thừa lao động có bằng cấp, trình độ chuyên môn. Trong khi đó các huyện khác trong tỉnh thiếu lao động có bằng cấp, trình độ nhưng khi trung tâm giới thiệu đến làm việc thì người lao động từ chối. “Một lượng lớn lao động có trình độ chỉ muốn sinh sống và làm việc tại Đà Lạt. Do vậy nhiều doanh nghiệp ở huyện, thậm chí các huyện gần Đà Lạt như Lâm Hà, Lạc Dương, Đức Trọng… thiếu nhưng không tuyển được người” - ông Vinh chia sẻ.