Để có thêm những giống hoa mới cho Đà Lạt

VIẾT TRỌNG 00:16, 19/05/2023

Một trong những hoạt động luôn được các thành viên của Hiệp hội Hoa Đà Lạt chú trọng lâu nay chính là việc nhập nội, trồng thử nghiệm để tìm thêm các giống hoa mới phù hợp, có chất lượng cho thành phố hoa. 

Sản xuất giống hoa cúc tại một nhà vườn ở Phường 12, Đà Lạt
Sản xuất giống hoa cúc tại một nhà vườn ở Phường 12, Đà Lạt

THÊM NHIỀU GIỐNG HOA MỚI 

Theo ông Lại Thế Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, trong năm 2022 vừa qua, Hiệp hội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vận động hội viên tích cực thực hiện Dự án “Nhập khẩu giống hoa có bản quyền phục vụ phát triển ngành sản xuất hoa tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025”.

Cụ thể, trong năm 2022, 4 doanh nghiệp hội viên đi đầu trong nhập khẩu giống hoa tại Đà Lạt hiện nay là Công ty TNHH Dalat Hasfarm, Công ty TNHH Linh Ngọc, Công ty TNHH Nông nghiệp Hồng Hoàng, Công ty TNHH Hoa Chi An đã nhập khẩu 54 giống hoa từ 15 quốc gia với tổng cộng hơn 1,7 triệu hạt, ngọn, cây, lá, củ giống các loại. 

Sau khi nhập, các doanh nghiệp đã bắt đầu trồng thử nghiệm để tìm những loại giống hoa phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng Đà Lạt. Kết quả, có 14/27 giống phát triển tốt tại thành phố hoa, các đơn vị đang dần mở rộng diện tích để đưa ra thị trường.

“Phần lớn các giống hoa mới về đã được từng bước trồng thử nghiệm. Với các giống hoa chưa ký kết hợp tác với Việt Nam thì các doanh nghiệp cần đánh giá dịch hại trước khi có các bước tiếp. Trong thời gian đến, các loại giống mới nhập nội còn lại sẽ tiếp tục được thử nghiệm”, ông Hưng cho biết.

Trong năm 2022, Hiệp hội cũng phối hợp với các công ty nước ngoài thông qua hội viên để phát triển các giống hoa sạch bệnh, có chất lượng, có năng suất cao từ nuôi cấy mô (in-vitro). Điển hình đó là Công ty TNHH F1, Công ty Cổ phần Hivico, Công ty TNHH JFT Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Hùng Tâm, Công ty Sakata, Himeiji… với các sản phẩm như: hoa đồng tiền, cúc, salem, cẩm chướng sạch bệnh nhập từ các quốc gia Hà Lan, Nhật Bản, Đan Mạch.

Hiệp hội Hoa cũng phối hợp với các doanh nghiệp, trang trại, làng hoa cùng nông dân tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, khó khăn trong sản xuất các giống hoa, trong đó có hoa cúc cho xuất khẩu; chia sẻ kinh nghiệm về quản lý dinh dưỡng và dịch hại; về kiểm dịch thực vật; xử lý triệt mầm; xây dựng và mở rộng chuỗi sản xuất phục vụ cho xuất khẩu hoa. 

Trong xuất khẩu hoa, cho đến nay mới chỉ có 9 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia trực tiếp với sản lượng rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 4,4% trong tổng sản lượng hoa sản xuất của toàn tỉnh.

Trong đầu năm 2023, Hiệp hội Hoa cũng tổ chức một đoàn gồm 20 hội viên tham quan, học hỏi kinh nghiệm canh tác hoa tại Đài Loan và tham gia triển lãm hoa lan quốc tế Đài Loan 2023. 

NỖ LỰC ĐỂ XUẤT KHẨU HOA

Theo ông Hưng, việc nhập nội giống hoa mới, chất lượng, có bản quyền, đáp ứng nhu cầu sản xuất, phù hợp với xu thế thị trường vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều thành viên trong Hiệp hội Hoa Đà Lạt. Trong năm 2023 này, dự kiến 4 doanh nghiệp chủ lực về nhập khẩu giống hoa mới của Hiệp hội sẽ tiếp tục nhập khẩu 54 giống hoa mới, đồng thời, mở rộng các hoạt động chuyển giao các giống hoa đã khảo nghiệm có hiệu quả cho các trang trại và nhà vườn.

Xu hướng chung của Đà Lạt trong những năm gần đây là việc chuyển dần các diện tích trồng rau và các loại cây khác sang trồng hoa. Thống kê của TP Đà Lạt cho biết, đến cuối năm 2022, tổng diện tích rau, hoa, cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao tại Đà Lạt đạt 5.009 ha, trong đó rau có 2.773 ha, hoa có 1.986 ha, còn lại là dâu tây 140 ha, atiso 110 ha. Hiện giá trị sản phẩm bình quân thu hoạch trên một đơn vị diện tích canh tác hoa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đạt 970 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân của canh tác rau, chỉ đạt 830 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, nếu canh tác hoa cao cấp, như lily đã có không ít những mô hình đạt giá trị thu hoạch từ 2,5 - 3 tỷ đồng/ha/năm.

Theo ông Lại Thế Hưng, dù hiện nay đã có sự cạnh tranh khá lớn của các vùng trồng hoa trong nước cho thị trường nội địa, nhưng tương lai ngành hoa Đà Lạt vẫn có những bước phát triển từng năm rất vững chắc. Dự kiến đến năm 2030, sản lượng hoa Đà Lạt và trong tỉnh đạt 4,5 tỷ cành; 0,5 tỷ chậu hoa các loại; giá trị sản xuất bình quân ngành hoa đạt trên 15 nghìn tỷ đồng; giá trị thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích trồng hoa đạt 3,7 tỷ đồng/ha/năm; kim ngạch xuất khẩu hoa đạt trên 217 triệu USD.

Để đạt được những con số này, theo ông Hưng, ngành hoa Đà Lạt trong thời gian đến bên cạnh thị trường nội địa và xuất khẩu lâu nay, cần hướng đến việc mở rộng xuất khẩu hoa sang những thị trường mới, có yêu cầu cao nhưng giá trị thu lại cũng cao. Một yêu cầu cấp thiết đã được đặt ra lâu nay, đó là việc phải có bản quyền về giống thì hoa mới xuất khẩu được. “Nếu không có bản quyền, chúng ta chỉ tiêu thụ được quẩn quanh trong thị trường nội địa, khó nâng được giá trị hoa lên cao và có bước đột phá như mong muốn”, ông Hưng khẳng định.

Để hướng đến xuất khẩu, các hội viên trong Hiệp hội nhất là những doanh nghiệp lớn, có khả năng, có tiềm lực, cần tuân thủ việc sản xuất theo những yêu cầu chặt chẽ trong đó phải mua các giống hoa có bản quyền, đã được đăng ký bản quyền tại Việt Nam.

Trong thời gian đến, Hiệp hội sẽ tổ chức một hội nghị với sự có mặt của các doanh nghiệp trồng hoa và các ngành chức năng tỉnh để bàn về việc nhập khẩu giống hoa mới cho năm 2023. Đồng thời, phối hợp với các công ty Himeji, Sakata, các tổ chức như JICA của Nhật, Hiệp hội Hoa Đài Loan cùng các hội viên trong Hiệp hội để nhập khẩu giống cũng như xuất khẩu hoa đến các thị trường này, chủ yếu là các loại hoa cúc, cát tường, lan hồ điệp.