Hiệu quả Chương trình Nước sạch và nhà vệ sinh từ vốn vay Ngân hàng Thế giới

CHÍNH PHONG 00:18, 19/05/2023

Với trên 192 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch năm 2022, giai đoạn 2016 - 2022 triển khai trên địa bàn tỉnh có nhiều kết quả tích cực nhưng cũng tồn tại một số hạn chế, bất cập. Đây là bài học cần rút ra để việc sử dụng nguồn vốn vay áp dụng hiệu quả cho những năm tiếp theo.

Công trình nước sạch và nhà vệ sinh sạch sẽ đảm bảo cho các nhu cầu sinh hoạt của gia đình, đặc biệt các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn
Công trình nước sạch và nhà vệ sinh sạch sẽ đảm bảo cho các nhu cầu sinh hoạt của gia đình, đặc biệt các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” được sự hỗ trợ của WB là một dự án mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, sự hưởng ứng tích cực của người dân. Dự án đã mang lại nguồn nước sạch cho người dân vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số nơi khó khăn, không có điều kiện tiếp xúc đến nguồn nước sạch, góp phần nâng cao sức khỏe, làm giảm tình trạng bệnh tật của người dân, nâng cao nhận thức của người dân đối với việc sử dụng nước sạch...

Để triển khai, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, ngày 10/12/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản giao nhiệm vụ thực hiện các hợp phần thuộc Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” cho các ngành Nông nghiệp, Y tế và Giáo dục tỉnh. Tiếp đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quyết định về thành lập Ban Chỉ đạo, phân giao nhiệm vụ triển khai thực hiện các hợp phần cho các sở, ngành, thành lập Tổ kiểm toán nội bộ cũng như chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện theo giai đoạn và hàng năm.

Theo đánh giá, với tổng vốn vay và vốn đối ứng thực hiện Chương trình trên 210 tỷ đồng (vốn WB là trên 192 tỷ đồng và vốn đối ứng trên 18 tỷ đồng với 3 hợp phần: cấp nước nông thôn, vệ sinh nông thôn và nâng cao năng lực truyền thông, giám sát đánh giá), Chương trình dự kiến đến hết năm 2022 hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, vượt các chỉ số giải ngân kết quả đầu ra, như: Chỉ số xã đạt vệ sinh toàn xã duy trì vệ sinh toàn xã sau hai năm, số đấu nối cấp nước mới và số đấu nối cấp nước từ các công trình hoạt động bền vững sau hai năm từ các công trình cấp nước xây mới và cải tạo, nâng cấp, mở rộng.

Trong tất cả các mục tiêu, chỉ số giải ngân của tỉnh Lâm Đồng cơ bản hoàn thành theo mục tiêu. Cụ thể, về cấp nước giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ dân nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%; đấu nối cấp nước sạch trên 12.500 hộ gia đình nông thôn; 100% trường học, trạm y tế được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; xây dựng 2.400 nhà tiêu hợp vệ sinh; xây dựng và sửa chữa, nâng cấp 86 công trình cấp nước và vệ sinh công cộng trường học; trên 70% hộ dân tại xã “Vệ sinh toàn xã” được tuyên truyền, vận động xây và sử dụng nhà tiêu cải thiện, thông qua cung cấp thông tin về các loại nhà tiêu cải thiện, cũng như cách sử dụng và bảo quản nhà tiêu đúng quy cách…

Tuy nhiên, chỉ một chỉ số mục tiêu giải ngân không hoàn thành 100% theo văn kiện của của Chương trình là: “Chỉ số giải ngân số hộ gia đình được sử dụng nước từ hệ thống cấp nước bền vững”. Dự kiến chỉ số giải ngân này hoàn thành khi kết thúc Chương trình là 74,8% so với văn kiện Chương trình. Bên cạnh đó, tổng kinh phí vốn vay đã thực hiện giải ngân đến 31/1/2023 và kéo dài giải ngân đến khi kết thúc dự án là trên 139 tỷ đồng, đạt 94,32% so với vốn vay thực nhận và tổng vốn đối ứng đã giải ngân gần 15 tỷ đồng, đạt 62,56% so với vốn đối ứng đã duyệt theo văn kiện Chương trình.

Nguyên nhân theo các ngành được phân bổ nguồn vốn, qua rà soát các danh mục công trình cấp nước nông thôn hợp lệ so với sổ tay hướng dẫn, không còn công trình sử dụng nguồn vốn ngoài Chương trình nào đáp ứng tiêu chí của Chương trình nên không thể đưa vào kiểm đếm đấu nối bền vững sau hai năm sử dụng. Mặt khác, các công trình sử dụng nguồn vốn trong Chương trình không đủ thời gian kiểm đếm bền vững sau hai năm sử dụng.

Bên cạnh đó, là dự án triển khai dựa trên kết quả đầu ra, nên trong quá trình triển khai thực hiện hầu hết các tỉnh đều lúng túng, chưa có sự hướng dẫn kịp thời của Trung ương, do vậy còn vướng mắc trong quá trình giao và phân khai vốn, nhiều thủ tục trình tự chưa rõ ràng, các tiêu chí ban đầu đặt ra là quá cao so với điều kiện thực tế của các địa phương do các công trình nước sạch chủ yếu ở các vùng nghèo, có điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn lực hạn chế. Đồng thời, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung từ 127 danh mục công trình cấp nước nông thôn xuống còn 12 danh mục công trình cấp nước nông thôn nên công tác triển khai dự án, giải ngân còn chậm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận các mô hình quản lý vận hành ở địa phương khi sử dụng vốn vay WB chưa được xây dựng tốt. Hiện nay, chủ yếu dựa vào các công ty cổ phần cấp nước ở địa phương. Nguồn nhân lực trong hoạt động cấp nước nông thôn ở địa phương còn hạn chế. Công tác quy hoạch nguồn nước ở địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến trong quá trình triển khai phải điều chỉnh danh mục cho phù hợp với địa phương, nên mất nhiều thời gian.