Bảo Lộc: Có hay không chuyện dạy thêm, học thêm?

09:02, 01/02/2016

Đây là vấn đề mà lâu nay dư luận đang quan tâm, không chỉ tại thành phố Bảo Lộc mà tồn tại ở các địa phương. Theo yêu cầu bạn đọc, chúng tôi khái quát từ thực tiễn tại thành phố Bảo Lộc để giúp các bạn có một khái niệm và cách nhìn nhận! 

Đây là vấn đề mà lâu nay dư luận đang quan tâm, không chỉ tại thành phố Bảo Lộc mà tồn tại ở các địa phương. Theo yêu cầu bạn đọc, chúng tôi khái quát từ thực tiễn tại thành phố Bảo Lộc để giúp các bạn có một khái niệm và cách nhìn nhận! 
 
Theo Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Bảo Lộc, thành phố đã cấp 45 giấy phép dạy thêm và học thêm. Trong đó, 5 giấy phép dạy thêm ở trong trường và 40 giấy phép dạy thêm ở ngoài nhà trường. Riêng trong năm học 2015 - 2016, thành phố đã cấp thêm 7 giấy phép dạy thêm ngoài nhà trường, nâng tổng số giấy phép dạy thêm đã cấp hiện nay là 52. 
 
Ông Từ Ngọc Thanh, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Bảo Lộc, cho biết: “Đối với bậc trung học cơ sở, thành phố cấp giấy phép dạy thêm, học thêm là đúng theo văn bản quy định. Còn đối với bậc tiểu học, không có khái niệm dạy thêm, học thêm và cũng không có ai cấp phép cả. Ngoại trừ là việc “gởi” học thêm các môn nghệ thuật, thể dục thể thao, phát triển năng khiếu và kỹ năng sống cho học sinh. Đây là một thực tế đã có ở thành phố Bảo Lộc. Loại hình này “mở” tại nhà cũng được hoặc mở tại nhà trường cũng được, vì không có quy định bắt buộc. Còn đối với việc mở các lớp dạy các môn học văn hóa đối với bậc tiểu học thì không thể được”. Thế nhưng, tại thành phố Bảo Lộc đã có nhiều dư luận về việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học? Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận là ở bậc tiểu học tại thành phố Bảo Lộc đã triển khai dạy và học 2 buổi/ngày nhằm mục đích tránh việc dạy thêm, học thêm. Nhưng thực ra, dạy và học 2 buổi/ngày là một hiện tượng “biến tướng” của dạy thêm, học thêm. Nên dư luận đã cho rằng, đó là dạy thêm, học thêm! 
 
Để lý giải việc này, chỉ cần nhìn nhận vào thực tế: Buổi sáng, chỉ đến 10 giờ 10 phút là học sinh tan lớp, ra về. Còn buổi chiều, từ 13 giờ 45 phút, bắt đầu vào lớp và chỉ đến 16 giờ 10 phút, học sinh tan lớp, ra về. Trong khi đó, phụ huynh đi làm việc tại các công sở, nhà máy hoặc công việc đồng áng thì phổ biến là 11 giờ 30 (buổi trưa) và 17 giờ hoặc 17 giờ 30 (buổi chiều) mới về. Chính từ đó đã phát sinh nhu cầu “gởi” trẻ (kể cả buổi trưa và buổi chiều) và đã tự phát hình thành loại hình “gởi” trẻ. Vì “ngoài giờ”, nên nhà trường đã bỏ lơ chuyện này để giáo viên tự giải quyết. Rõ ràng, trong quan hệ “cung - cầu” (không có ai bắt buộc cả), buổi trưa hoặc buổi chiều, mỗi buổi, phụ huynh bồi dưỡng thêm cho giáo viên 5 – 10 ngàn/ 1 em. Nếu học sinh có nhu cầu ở lại và ăn cơm trưa thì phụ huynh chi 20 ngàn đồng/ 1 em. Và nếu có nhu cầu đưa đón trẻ, thì phụ huynh chi thêm 5 ngàn đồng/1 ngày… Cứ kiểu như vậy nó dần dần trở nên một thông lệ. Tại thành phố Bảo Lộc, có những cô giáo đã nhận “gởi” tới 20 - 25 trẻ em ở lại buổi trưa.
 
Theo cách lý giải của một số cán bộ có trách nhiệm “Nguyên nhân phát sinh hiện tượng nói trên là do tại thành phố Bảo Lộc hiện chưa có loại hình trường học bán trú để đáp ứng nhu cầu học sinh ở lại buổi trưa”. Với cách “biến tướng” nói trên, qua tìm hiểu dư luận, thì phụ huynh cũng có thể chấp nhận được, vì xuất phát từ phía nhu cầu chính đáng của phụ huynh. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện tượng dạy thêm, học thêm “chui” (đúng nghĩa) ở bậc tiểu học tại thành phố Bảo Lộc lâu nay vẫn còn tồn tại. Một mặt là do buông lỏng và một mặt là do rất khó quản lý. Bởi vì mỗi thầy cô chỉ nhận “kèm cặp” từng nhóm nhỏ (vài em) và phân lịch, nhận vài ba nhóm như thế (tại nhà riêng) thì ai mà kiểm soát được. Với cách “biến tướng” này mới là vấn đề đáng nói, đáng đưa ra trên bàn nghị sự!
 
XUÂN LONG