Sách pháp luật ở phường xã - ai đọc?

09:02, 25/02/2016

Tất cả 147/147 phường, xã trên địa bàn Lâm Đồng hiện nay đều có tủ sách pháp luật, nhiều nơi sách pháp luật còn đến tận thôn, tổ dân phố, nhưng để tủ sách này phát huy hiệu quả cũng là một vấn đề!

Tất cả 147/147 phường, xã trên địa bàn Lâm Đồng hiện nay đều có tủ sách pháp luật, nhiều nơi sách pháp luật còn đến tận thôn, tổ dân phố, nhưng để tủ sách này phát huy hiệu quả cũng là một vấn đề!
 
Sách dành cho… cán bộ đọc
 
Đặt sát tường ở phòng “một cửa” ngay cạnh lối ra vào, không khó để nhận thấy tủ sách pháp luật của UBND phường 4, Đà Lạt vì ngay trên cánh cửa kính có dòng chữ rất lớn “Tủ sách pháp luật”. Tủ khá nhiều sách, phải trên 200 bản sách các loại, được sắp ngay ngắn bên trong, những cuốn sách mới còn thơm mùi mực như mời gọi người đọc. Nhưng dù người ra kẻ vào làm thủ tục hành chính khá nhộn nhịp trong buổi sáng thứ hai đầu tuần, người viết vẫn chỉ thấy mọi người lướt ngang coi tủ sách như một vật trang trí cho đẹp căn phòng, ít ai nhìn vào nó và tỏ ý muốn mượn thử một cuốn sách bên trong.
 
“Rất ít người dân đến đây mượn sách, chủ yếu là cán bộ trong phường dùng tra cứu” - anh Hồ Ngọc Tuấn, cán bộ Tư pháp phường 4, người phụ trách tủ sách nói khi đưa cho tôi tập vở ghi chép theo dõi sách mượn bên trong. 
 
“Người dân nếu có nhu cầu đến đây mượn sách, phường rất sẵn sàng nhưng cũng ít người lắm”- chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường 4 cho biết. Theo chị Ngọc, với lượng sách pháp luật được phân bổ về cấp phường hằng năm, Phường luôn phân sách xuống các tủ sách pháp luật ở các tổ dân phố cho người dân sử dụng. Hiện phường 4 có 7 tổ dân phố có hội trường và có tủ sách pháp luật như vậy trên địa bàn. Khi có nhu cầu mọi người có thể đến tủ sách tổ dân phố để mượn, để xem cũng được. 
 
Tại UBND phường 8, tủ sách pháp luật của phường lại được đặt trong phòng họp, khá vắng người, ít ai ra vào. Nhưng theo ông Phan Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND phường, vì phòng họp này là chỗ tiếp dân nên đặt nơi đây cho tiện.“Chủ trương là cho dân đọc nhưng lâu nay ít thấy ai mượn, chắc sách pháp luật giờ mua ngoài phố cũng dễ, tủ sách chủ yếu là cho cán bộ sử dụng” - ông Thi cho biết.
 
Như phường 4, UBND phường 8 hằng năm cũng đưa một số sách pháp luật được cấp trên phân bổ đến các tổ dân phố trong phường. Theo ông Thi, tổ dân phố nào trong phường 8 có hội trường cũng đều có riêng một tủ sách pháp luật, vì đây là một tiêu chí qui định trong xây dựng khu dân cư văn hóa. Riêng tổ dân phố ấp Hà Đông tại phường 8 còn có hẳn một thư viện nho nhỏ với vài nghìn bản sách, đặt tại hội trường thôn, mọi người trong cộng đồng lớn bé khi cần đến đó có thể mượn sách về nhà đọc trong đó có sách pháp luật, nhưng theo ông Thi lượng người đọc sách pháp luật vẫn còn rất ít.   
 
Tủ sách pháp luật ở phường 4, Đà Lạt
Tủ sách pháp luật ở phường 4, Đà Lạt
Cần đổi mới cách vận hành tủ sách pháp luật 
 
Theo Sở Tư pháp Lâm Đồng, toàn bộ 147/147 xã, phường, thị trấn hiện nay trong tỉnh đều đã có tủ sách pháp luật, trung bình mỗi tủ sách có khoảng từ 70 đến 100 đầu sách. Riêng tại Đà Lạt, thành phố gần đây đã cấp phát trên 4.200 bản sách về Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Người cao tuổi… cho tất cả các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường cùng gần 250 tổ dân phố, thôn trên địa bàn để khi cần có thể tra cứu.
 
Cùng đó, rất nhiều cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, các trường học trong tỉnh cũng xây dựng cho mình tủ sách pháp luật để phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ trong đơn vị; sinh viên, học sinh trong trường học. Riêng Công an tỉnh đến nay đã cấp cho các đơn vị trực thuộc gần 3.400 bản sách pháp luật phục vụ cho công tác tìm hiểu, nghiên cứu của ngành. Đoàn Thanh niên hiện cũng có trên 200 “tủ sách thanh niên” trong tỉnh, trong đó có các bản sách pháp luật, cùng đó là các mô hình hoạt động như “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”… thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia.
 
Theo Sở Tư pháp Lâm Đồng, các cơ quan chức năng hằng năm trong tỉnh biên soạn, in ấn, cấp phát rất nhiều các tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về pháp luật đến với cấp cơ sở. Chẳng hạn, trong năm 2015 vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng đã cấp phát 10 nghìn cuốn đề cương, sách, sổ tay pháp luật và 5 nghìn tờ rơi, tờ gấp pháp luật. Sở Y tế in và cấp phát tờ rơi phòng chống tác hại thuốc lá; Hội Luật gia tỉnh biên tập, in và cấp phát 500 cuốn tài liệu hỏi đáp Luật Đất đai; Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng chuyển phát hằng nghìn tờ rơi về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, khoảng 6 nghìn cuốn tài liệu tuyên truyền các qui định về kinh doanh vận tải ô tô. Nhiều đơn vị khác cũng tham gia in ấn, cấp phát tài liệu pháp luật như Thanh tra tỉnh biên soạn phát hành 3.800 bộ tài liệu tuyên truyền về Luật Khiếu nại tố cáo, cấp phát đến tận địa bàn xã, phường, thị trấn. Sở Tư pháp biên soạn, in ấn trên 18 nghìn tờ hỏi đáp Luật Hôn nhân để cấp cho các tủ sách pháp luật của các phòng Tư pháp và UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tại Đà Lạt, thành phố này đã biên soạn, cấp phát đến tận các hộ gia đình trên địa bàn 120 nghìn tờ gấp các loại, 10 nghìn tờ gấp tìm hiểu pháp luật về du lịch, an ninh - trật tự, giao thông đường bộ, trong đó có 5 nghìn tờ bằng tiếng Anh cho du khách. 
 
Sự hiện diện của các tủ sách pháp luật ở cơ sở là một điều cần thiết, nhưng vấn đề ở đây là làm sao phát huy được hiệu quả của các tủ sách này trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh đang thực thi. Một vòng khảo sát của chúng tôi cho thấy rất nhiều người dân vẫn không biết đến sự có mặt của một tủ sách như vậy trên địa bàn nơi mình sinh sống. “Để tuyên truyền về pháp luật lâu nay bên cạnh cấp tờ rơi đến từng hộ dân, phường 4 còn đọc chúng trên hệ thống loa truyền thanh, không biết có hiệu quả hay không nhưng vẫn phải làm” - chị Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.
 
Theo Sở Tư pháp Lâm Đồng, đổi mới việc khai thác tủ sách pháp luật là một việc làm cấp thiết, và nên chăng, trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển nhanh như hiện nay, bên cạnh tủ sách pháp luật truyền thống như lâu nay đã đến lúc cần có thêm một tủ sách pháp luật điện tử ở cơ sở, kịp thời đăng tải, cập nhật các văn bản, sách báo, tài liệu pháp luật trên tủ sách điện tử này để khi cần chỉ một cú nhấp chuột là có.
 
Viết Trọng