Dây dưa khai thác khoáng sản trái phép nhiều năm ở Lộc Tân

09:04, 06/04/2016

Địa bàn xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm có 3 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản đều hết hiệu lực hoạt động từ nhiều năm nay, nhưng mãi chưa đóng cửa mỏ? Lợi dụng thực tế này, tình hình hoạt động khai thác cao lanh, cát trái phép cứ diễn ra, mặc dù chính quyền và cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm nhiều lần yêu cầu chấm dứt. 

[links()] Địa bàn xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm có 3 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản đều hết hiệu lực hoạt động từ nhiều năm nay, nhưng mãi chưa đóng cửa mỏ? Lợi dụng thực tế này, tình hình hoạt động khai thác cao lanh, cát trái phép cứ diễn ra, mặc dù chính quyền và cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm nhiều lần yêu cầu chấm dứt. 
 
Hiện trường mỏ khoáng sản Lộc Tân ngày 29/3/2016
Hiện trường mỏ khoáng sản Lộc Tân ngày 29/3/2016
Hiện trường nham nhở kéo dài    
 
Chiều 29/3/2016, có tin báo, lực lượng công an và tài nguyên - môi trường huyện có mặt tại hiện trường thôn 1 xã Lộc Tân và lập biên bản. Vị trí thứ nhất là mỏ cao lanh của Công ty cổ phần Khoáng sản Ngân Long khai thác trước đây, đối tượng vi phạm là Vũ Văn Quyết thường trú phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc. Tang vật có 2 máy đào, 2 máy nổ và dây ống... Vị trí thứ 2 gần đó, thuộc mỏ của Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng, đối tượng vi phạm là Hoàng Ngọc Sam, thường trú 44/1 Mạc Đỉnh Chi, thành phố Bảo Lộc. Tang vật có 1 máy đào, 2 máy nổ trên hiện trường và 1 máy đào ngoài hiện trường. 
 
Ngày 30/3, chúng tôi làm việc với ông Nguyễn Bá Đông - Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường Bảo Lâm, ông khẳng định có hiện tượng đào múc cao lanh thô và bơm hút cát vận chuyển mang đi nơi khác. Đoàn kiểm tra lập biên bản tạm giữ mỗi đối tượng 1 máy đào, 1 máy nổ và bàn giao cho UBND xã Lộc Tân quản lý. “Ngày mai chúng tôi mời các đối tượng đến làm việc, sau đó sẽ tham mưu cho UBND huyện ban hành các quyết định để xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 142 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Đông khẳng định. 
 
Tại sao lại “nhờn” luật?
 
Việc xử phạt hành chính đối với Công ty Ngân Long đã không dưới một lần vì hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, cụ thể: tháng 12/2013, xử phạt 15 triệu đồng, tháng 11/2015 phạt 3 triệu đồng. Về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn xã Lộc Tân của huyện, ông Nguyễn Bá Đông chứng minh: “Chúng tôi tổ chức nhiều đoàn liên ngành đi kiểm tra và tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản yêu cầu UBND xã Lộc Tân có trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản địa bàn rồi. Đây anh xem”. Rất nhiều, đơn cử: Văn bản số 66 của Phòng TN&MT ngày 7/3/2014 gửi UBND xã Lộc Tân có nội dung: Địa bàn xã Lộc Tân là khu vực có nhiều đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản; UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định thu hồi một số giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn do giấy phép hết hạn, nhưng một số đơn vị vẫn cố tình lợi dụng tiếp tục khai thác khoáng sản trái phép. Để kịp thời ngăn chặn, Phòng TN&MT đề nghị UBND xã Lộc Tân thường xuyên kiểm tra, giám sát và ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn xã... Ngày 4/2/2015, UBND huyện Bảo Lâm có văn bản số 186 yêu cầu UBND xã Lộc Tân tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã nhưng đoàn kiểm cho biết UBND xã Lộc Tân vẫn chưa thực hiện vì vậy ngày 14/4/2015, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Nguyễn Trung Thành tiếp tục ký ban hành Văn bản số 625 gửi trực tiếp UBND xã Lộc Tân yêu cầu phải chấp hành chỉ đạo của huyện, “tuyệt đối không để xẩy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Nếu tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn còn tiếp tục diễn ra thì Chủ tịch UBND xã Lộc Tân chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện”. 
 
Ngày 2/2/2015, UBND huyện Bảo Lâm ban hành Quyết định 311 thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, trong đó có Lộc Tân để xử lý các trường hợp vi phạm. Báo cáo số 9 ngày 29/4/2015 của Phòng TN&MT ghi nhận tại địa bàn xã Lộc Tân như sau: hiện trường để lại cho thấy đang có hoạt động khai thác khoáng sản; có các máy nổ, hệ thống ống bơm hút cát; lượng cát tập kết khoảng 90m3, vách moong cao có nguy cơ sụt lở lớn… Ngày 25/11/2015, ông Nguyễn Trung Thành lại ký tiếp Văn bản 2216 của UBND huyện gửi Công an huyện và UBND xã Lộc Tân thông báo hiện trường mỏ khoáng sản Lộc Tân vẫn tiếp tục khai thác khoáng sản trái phép với quy mô 2 máy bơm hút, 2 máy đào và khoảng 8 công nhân. Chủ không có mặt, các đối tượng vi phạm không hợp tác làm việc. Vì vậy, UBND huyện giao Công an huyện lập chốt tại xã Lộc Tân, phối hợp UBND xã này thường xuyên kiểm tra và nếu phát hiện khai thác khoáng sản trái phép thì lập biên bản để xử lý. Thế nhưng, đến ngày 23/3/2016, cơ quan chức năng của huyện lại tiếp tục có báo cáo lãnh đạo huyện, tại thôn 1, xã Lộc Tân, đối tượng Hoàng Ngọc Sam cầm đầu cùng 7 - 8 công nhân, 2 máy nổ, 2 máy đào, 3 xe ben đang tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản trái phép mang ra Bảo Lộc tiêu thụ…? 
 
Ai đứng sau hành vi vi phạm?
 
Tại sao việc khai thác khoáng sản trái phép ở xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm kéo dài và bất chấp những chỉ đạo của huyện? Ai đứng sau “chống lưng” cho những hành vi vi phạm này? Đó là những câu hỏi chúng tôi thẳng thắn đặt ra đối với lãnh đạo UBND và cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm. Theo ông Nguyễn Bá Đông, nếu xã không phối hợp thì ngành chức năng không thể hoàn thành được nhiệm vụ, còn ai “chống lưng” thì không biết. Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Nguyễn Trung Kiên cho biết: Huyện phân công cho Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Thành trực tiếp giải quyết vấn đề này. Ông Kiên nói: “Tôi khẳng định không có lãnh đạo nào của ủy ban huyện “bảo kê” cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép này cả”. Vậy tại sao vẫn khai thác khoáng sản trái phép kéo dài, có hay không sự buông lỏng quản lý của UBND xã Lộc Tân? Trả lời câu hỏi này, ngày 31/3, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trung Thành cho biết: Bảo Lâm có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, lực lượng chức năng về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản lại mỏng, mỗi lần đến hiện trường thì đối tượng đã bỏ trốn, do đó rất khó khăn trong quản lý. Việc “trên bảo dưới không nghe” đang diễn ra ở Lộc Tân, theo ông Thành, đây là tình trạng chung về quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở nhiều địa bàn trong tỉnh, vì vậy huyện đang tiếp tục quán triệt mạnh hơn về vấn đề này.       
 
Công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt từ trung ương đến tỉnh. Riêng ở Lâm Đồng, ngày 16/12/2015, UBND tỉnh có Văn bản số 7795/UBND-ĐC về việc phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông; và mới nhất, ngày 10/3/2016, UBND tỉnh có Văn bản số 1125/UBND-ĐC chỉ đạo Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố “tiếp tục thực hiện phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông”. Theo đó, các ngành liên quan và địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Khoáng sản và Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi phức tạp kéo dài thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm. Vấn đề còn lại là trách nhiệm thực thi như thế nào của các cán bộ liên quan!
 
Điều tra: ĐẠO PHAN