Dấu ấn cải cách hành chính trong khai báo tạm trú qua mạng

08:02, 28/02/2017

Qua hai năm áp dụng cải cách hành chính trong lĩnh vực khai báo tạm trú qua mạng trực tuyến, các chỉ số trong lĩnh vực khai báo tạm trú tại tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều chuyển biến rõ nét. 

Qua hai năm áp dụng cải cách hành chính trong lĩnh vực khai báo tạm trú qua mạng trực tuyến, các chỉ số trong lĩnh vực khai báo tạm trú tại tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều chuyển biến rõ nét. 
 
Đã không còn cảnh các chủ cơ sở lưu trú mỗi tối đứng chen nhau đợi nộp sổ khai báo hay cán bộ công an phường ngồi đợi tiếp nhận hồ sơ,... mà mọi thông tin về lưu trú giờ đây được giải quyết nhanh gọn chỉ qua vài cú nhấp chuột đơn giản.
 
Khai báo lưu trú trực tuyến giúp giảm áp lực thời gian cho người dân và lực lượng công an. Ảnh: C.Thành
Khai báo lưu trú trực tuyến giúp giảm áp lực thời gian cho người dân và lực lượng công an.
Ảnh: C.Thành

Nhu cầu bức thiết
 
Là thành phố trọng điểm về du lịch trên cả nước nên trong những ngày cuối tuần, đặc biệt là vào mùa lễ hội, Festival hoa…, Đà Lạt đón một lượng khách lớn trong và ngoài nước đổ về. Chỉ riêng địa bàn phường 1 (TP Đà Lạt), trên các tuyến đường chính như Nguyễn Chí Thanh, Phan Bội Châu, 3 tháng 2, Nguyễn Văn Trỗi đã có trên 300 cơ sở lưu trú gồm nhà nghỉ, khách sạn, chưa kể hàng chục hộ gia đình kinh doanh lưu trú theo dạng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay). Lượt khách tới nghỉ dưỡng, vui chơi đông đúc như vậy đã khiến việc khai báo tạm trú mất rất nhiều thời gian và công sức.
 
“Khai báo qua mạng hoàn toàn không mất thời gian và chi phí đi lại, không để xảy ra tình trạng giấy tờ, hộ chiếu của khách mất hoặc thất lạc như nhiều trường hợp từng xảy ra trước đây. Ưu điểm lớn nữa là có thể khai thác thông tin nhanh chóng phục vụ công tác cho nhiều ngành thuận lợi, chính xác hơn”.
Trung tá Lê Quang Đại - Phó Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Lâm Đồng
Trước nhu cầu ngày càng bức thiết phải thay đổi phương thức kê khai thủ tục khai báo, ngày 29/1/2015, UBND tỉnh ra Quyết định 06/2015/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý, đăng ký khách du lịch lưu trú qua mạng Internet trên địa bàn tỉnh. Và, ngay khi bắt đầu áp dụng phương thức đăng báo khai báo tạm trú qua mạng, gần như tất cả các cơ sở lưu trú đã hưởng ứng tích cực do ưu điểm của hệ thống mang lại.
 
Bà Lê Ngọc Châu, quản lý khách sạn Nguyên Khôi trên đường Nguyễn Chí Thanh (phường 1, TP Đà Lạt) hào hứng chia sẻ: “Thời gian đăng ký gần như giảm tuyệt đối. Khách sạn tôi có tầm 5-10 người nước ngoài lưu trú mỗi ngày nên chúng tôi phải đi đăng ký nhiều lần. Ngày cao điểm thì phải ngồi chờ đợi tại phường, rất vất vả. Giờ thì chúng tôi chỉ cần có máy tính cá nhân là có thể đăng ký rất tiện lợi”.
 
Một cán bộ phụ trách mảng lưu trú du lịch thuộc Đội an ninh - Công an TP Đà Lạt chia sẻ: Riêng trong ngày 20/2/2017, phần mềm thống kê có 3.534 lượt khách quốc tế, 8.007 lượt khách nội địa đăng ký tạm trú trên địa bàn. Trong đó, phần mềm có thể cho ra ngay số liệu lượng khách Nga, Trung Quốc, Anh,... lưu trú từng ngày với thời gian truy xuất chỉ mất chưa đầy 1 phút. Đây là ưu điểm vượt trội mà cách khai báo thủ công như trước đây không thể làm được.
 
Trung tá Lê Quang Đại - Phó Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) - Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ năm 1999 đơn vị đã triển khai phần mềm đăng ký lưu trú qua mạng đối với các khách sạn tiêu chuẩn 1 sao trở lên tại địa bàn TP Đà Lạt. Tuy nhiên, đối với các cơ sở lưu trú khác như khách sạn dạng homestay, hộ kinh doanh, nhà nghỉ không có sao vẫn phải đăng ký theo dạng thủ công.
 
Dấu ấn cải cách
 
Qua 2 năm triển khai, đưa vào hoạt động (từ quý II năm 2015), có thể nhận định các thủ tục trong khai báo tạm trú đã được cải cách một cách mạnh mẽ, toàn diện. 
 
Theo thống kê của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, tới thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 1.035 cơ sở trên địa bàn tỉnh đăng ký sử dụng chương trình khai báo đăng ký khách du lịch lưu trú qua mạng Internet, áp dụng cho cả khách nội địa và khách quốc tế, chiếm 96% số cơ sở lưu trú trên địa bàn. Chỉ riêng năm 2016, toàn tỉnh có hơn 295.000 lượt khách quốc tế đăng ký tạm trú. Trong đó, đã có 285.000 lượt khách quốc tế đăng ký qua phần mềm khai báo trực tuyến (chiếm 96,6%). Như vậy, chỉ còn 3,4% lượng khách quốc tế đăng ký theo cách truyền thống. Đây là kết quả khá ấn tượng trong chỉ số cải cách hành chính trong khai báo tạm trú qua mạng trực tuyến so với các tỉnh, thành khác trên cả nước.
 
Riêng địa bàn trọng điểm về du lịch TP Đà Lạt, trong 2 tháng đầu năm 2017, thành phố đón 129.910 lượt khách trong nước, 41.290 lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho biết đây không phải là lượng khách thống kê chính xác tuyệt đối.
 
Nguyên nhân còn nhiều khách sạn từ 2 sao trở xuống không đăng ký khai báo để tránh đóng thuế. 
 
Theo Đội an ninh - Công an TP Đà Lạt, qua nhiều lần kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn thành phố gần đây đều phát hiện có hiện tượng chủ khách sạn, nhà nghỉ khai gian lượng khách, không đúng với số lượng khai báo qua mạng. 
 
Trung tá Lê Quang Đại cho biết thêm, hiện nay, các cơ sở lưu trú dạng homestay, hộ kinh doanh nhỏ lẻ phát sinh hằng năm khá nhanh nhưng lại chưa chủ động đăng ký sử dụng phần mềm theo quy định. Một số vướng mắc khác như hạn chế nhất định do nhân lực và thời gian, phầm mềm đôi lúc bị tắc nghẽn hoặc bị nhảy địa chỉ,…
 
“Để hạn chế các thiếu sót, bất cập trong triển khai trực tuyến phần mềm đăng ký lưu trú, trong năm 2017, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh sẽ phối hợp liên ngành, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức đối với tất cả các chủ cơ sở kinh doanh lưu trú, đặc biệt đối với các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, phát sinh mới. Song song với tập huấn, công tác kiểm tra, giám sát các chủ cơ sở lưu trú có hành vi vi phạm khai báo tạm trú sẽ được chú trọng”- Trung tá Lê Quang Đại nhấn mạnh.
 
CHÍNH THÀNH