Khi già làng đi làm dân vận

08:04, 10/04/2017

Đã từ lâu người dân thôn Suối Thông A2, xã Đạ Ròn (Đơn Dương) rất may mắn khi có già làng Ka Sa Ha Grus (1945) là người thường xuyên nhắc nhở con cháu phải tích cực lao động sản xuất, rời xa cuộc sống rượu chè, không vi phạm pháp luật. Hình ảnh già Grus đi làm dân vận đã trở nên thân thuộc với bà con và chính quyền địa phương nơi đây. 

Đã từ lâu người dân thôn Suối Thông A2, xã Đạ Ròn (Đơn Dương) rất may mắn khi có già làng Ka Sa Ha Grus (1945) là người thường xuyên nhắc nhở con cháu phải tích cực lao động sản xuất, rời xa cuộc sống rượu chè, không vi phạm pháp luật. Hình ảnh già Grus đi làm dân vận đã trở nên thân thuộc với bà con và chính quyền địa phương nơi đây. 
 
Già Grus (bìa trái) nhắc nhở đôi vợ chồng trẻ ở thôn phải chí thú làm ăn, nuôi dạy con cái thành người tốt cho xã hội. Ảnh: Thùy Linh
Già Grus (bìa trái) nhắc nhở đôi vợ chồng trẻ ở thôn phải chí thú làm ăn, nuôi dạy con cái thành người tốt cho xã hội. Ảnh: Thùy Linh
Ngoài công việc hằng ngày trên nương rẫy, lúc rảnh rỗi, già Grus thường tranh thủ thời gian quý báu để nhắc nhở con cháu phải biết làm ăn, bảo tồn bản sắc dân tộc, không trộm cắp, sử dụng bia rượu gây mất trật tự và đoàn kết của xóm giềng. Già luôn nhắc nhở mọi người ở địa phương từ việc nhỏ hay việc lớn theo nguyên tắc “mưa dầm thấm lâu”, nói một lần không hiểu thì nói nhiều lần, không chịu thực hiện thì phải “đeo bám” đến cùng để thay đổi hẳn nhận thức. 
 
Vấn đề hôn nhân, bạo lực gia đình cũng được già Grus giáo dục con cháu. Ngoài việc nhắc nhở bà con chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, già còn thường xuyên khuyên giải cho các hộ gia đình có sự xích mích giữa vợ chồng, cha con, anh em ruột thịt. Già tâm sự: “Nguyên tắc làm việc của già rất đơn giản, đó chỉ là sự nhắc nhở con cháu, dựa trên tình cảm là chính. Đối với những vụ việc bạo lực gia đình, nhất quyết già phải đến nhiều lần để nhắc nhở, nếu tái phạm thì cương quyết trình báo chính quyền địa phương để có phương án xử lý. Nếu không khéo léo nhiều lúc vợ chồng gây gổ, đánh nhau bị thương tích hay xảy ra án mạng thì đau lòng cả thôn, cả xóm chứ không riêng gì gia đình nhỏ đó”.
 
Trong khi sinh hoạt tại nhà dân, sinh hoạt cộng đồng, họ sẽ cùng nhau thảo luận giải quyết rắc rối, mâu thuẫn trong thôn, xóm. Kết thúc cuộc họp, già làng Grus yêu cầu mọi người ở lại chừng 30 phút để có những vấn đề gì nhỏ, những sự việc có thể giải quyết ngay thì trình bày với già. Rất nhiều câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt trong các gia đình nếu không có bàn tay và khối óc linh hoạt của già thì có lẽ hậu quả khôn lường. 
 
Tâm sự với chúng tôi, già Grus bảo: “Năm nay già đã ngoại thất tuần nên việc đi nhắc nhở từng hộ gia đình đôi khi rất mệt mỏi nhưng khi già nói mà họ nghe thì già cảm thấy rất là phấn khởi, vơi hết mệt nhọc. Nhiều trường hợp già phải đi lại nhiều lần con cháu mới chịu nhận sai sót và hứa sẽ sửa chữa. Thôn xóm hòa thuận vui vẻ là niềm khao khát của cuộc đời già, còn gì quý hơn vậy nữa”.
 
Giữ gìn và phát huy những nét văn hóa tốt đẹp, hạn chế và chấm dứt những hủ tục lạc hậu cũng là những gì già dạy bảo con cháu. Nhất là tục thách cưới trong người đồng bào dân tộc. Già Grus kể rằng nếu ngày xưa toàn bộ chi phí cho đám cưới đều do nhà gái chi trả, họ còn phải chịu sự thách cưới nặng nề của nhà trai vì người đồng bào dân tộc thiểu số mình theo chế độ mẫu hệ. Lễ vật thách cưới thường là tiền, vàng, khăn đồng la, mền bằng vải thổ cẩm… tùy theo điều kiện kinh tế của nhà gái mà nhà trai sẽ đặt vật thách cưới. Già khuyên thách cưới nên làm đơn sơ, một đến hai con gà là được rồi, thách cưới cao sẽ rất là lãng phí. Già cũng khuyên con cháu nên tự tìm hiểu nhau, cha mẹ theo sau để việc thách cưới cao cũng giảm bớt đi. Và, điều quan trọng nhất là trai gái thời nay phải biết pháp luật về hôn nhân gia đình, phải đúng độ tuổi kết hôn, chấm dứt hẳn nạn tảo hôn. Phải thực hiện việc đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật, cưới hỏi nhau về bước đầu khó khăn thế nào cũng phải thương yêu nhau, cùng nhau vượt qua để chăm lo cho con cái.  
 
Trưởng thôn Kon Sơ Ra Bi tâm sự: “Thôn có hơn 400 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên bà con phải lên nương rẫy từ sáng sớm, tối đến mới có mặt ở nhà nên già Grus phải đêm hôm lặn lội nói chuyện với mọi người. Mặt khác, thanh niên ở thôn thường đi làm công cho các công ty, xí nghiệp trên địa bàn nên có đồng ra đồng vào, nhiều lúc dịp cuối tuần thường tổ chức liên hoan, ăn uống… già Grus rất tâm lý, vẫn ngồi cùng để lựa lời khuyên can, dạy bảo rằng làm được đồng tiền đã rất khó khăn nhưng sử dụng nó làm sao cho phù hợp, đúng mục đích là điều khó hơn gấp bội”. Thôn Suối Thông A2 may mắn vì có một người dám “đứng mũi chịu sào” làm công tác “tư tưởng” cho con cháu.   
 
THÙY LINH