Cho vay không chặt chẽ, thu hồi nợ như "thả gà ra rồi đuổi bắt"

07:06, 14/06/2017

Ông Trần Hữu Thọ - Cục trưởng Cục  Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Lâm Đồng cho biết: Việc THADS vốn đã khó do gặp nhiều nguyên nhân khách quan, lại càng khó khăn hơn khi phải thi hành án có hiệu lực pháp luật đối với những vụ việc kê biên, bán đấu giá để thu hồi tiền cho vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại...

Ông Trần Hữu Thọ - Cục trưởng Cục  Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Lâm Đồng cho biết: Việc THADS vốn đã khó do gặp nhiều nguyên nhân khách quan, lại càng khó khăn hơn khi phải thi hành án có hiệu lực pháp luật đối với những vụ việc kê biên, bán đấu giá để thu hồi tiền cho vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Để minh chứng cho điều đó, ông Thọ đơn cử: 8 tháng đầu năm 2017 (số liệu tổng kết hàng năm của ngành THADS lấy từ tháng 9 năm trước, đến tháng 9 năm sau), tổng số vụ việc Cục THADS tỉnh thụ lý 158 vụ trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, tương ứng với số tiền gần 1.398 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm 31/5/2017, Cục THADS tỉnh và Chi cục THADS 12 huyện, TP Đà Lạt, Bảo Lộc chỉ mới tổ chức THA xong, hoặc đang kê biên tài sản thế chấp, đang tổ chức bán đấu giá, nhưng chưa bán được tài sản 57 vụ việc, tương ứng với số tiền 105,636 tỷ đồng, trong đó chỉ mới có 10 vụ việc THA xong, tương ứng với số tiền 17,076 tỷ đồng. Trong khi đó, có đến 47 vụ việc không có, hoặc chưa có điều kiện THA, tương ứng với số tiền lên đến 597,673 tỷ đồng. Hàng chục vụ việc tuy đã tổ chức THA, nhưng số tiền thu được so với số tiền vay của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại rất nhỏ, chẳng khác nào “hạt cát trên sa mạc”. Cụ thể vụ ông Phan Thành Chính phải thi hành án cho Ngân hàng TMCP TechcombankViệt Nam, Chi nhánh Sài Gòn số tiền hơn 559 tỷ đồng, nhưng tài sản bán đấu giá chỉ thu về được 881 triệu đồng, số tiền còn lại không có điều kiện thi hành án lên đến hơn 558 tỷ đồng, nguyên do ông Chính không còn bất cứ tài sản và nguồn thu nhập nào. Tương tự, vụ Công ty Cổ phần Hồng Dương phải thi hành án hơn 2,2 tỷ đồng, sau khi bán đấu giá tài sản để thu tiền trả cho ngân hàng, số tiền còn lại không có điều kiện thi hành án lên đến hơn 1 tỷ đồng. Nhiều vụ phải thi hành khác, khi kê biên tài sản bán đấu giá để thu tiền trả cho các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại dù đã nhiều lần hạ giá sàn, nhưng vẫn không có người tham gia đấu giá. Sở dĩ có tình trạng này là do khi  định giá để cho vay vốn, các cán bộ của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại định giá quá cao,  bất hợp lý, dẫn đến hậu quả là dù có hạ giá sàn bán đấu giá bao nhiêu cũng không có người tham gia đấu giá.
 
Thực tế nói trên cho thấy, nếu thẩm định giá trị tài sản thế chấp vay vốn không chặt chẽ, không chính xác (chưa nói đến yếu tố tiêu cực trong cho vay vốn), thì khi thi hành án để thu hồi vốn cho vay, chẳng khác nào “thả gà ra vườn, rồi đuổi bắt!”. Khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại cần chặt chẽ hơn trong thẩm định cho vay vốn, nhằm tránh hậu quả mất khả năng thu hồi vốn cho vay, vừa làm thiệt hại tài sản, vừa tốn công sức của nhiều ngành chức năng và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
 
Hoàng Vương Mỹ