Cần nghiên cứu sâu về thị trường tiêu thụ thịt bò từ bây giờ

08:09, 01/09/2017

Còn nhớ, tại hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cho rằng: Từ thực tế hiện nay đòi hỏi ngành chuyên môn nước ta không những phải có tầm nhìn dài hạn, mà còn phải chủ động hơn trong cách tiếp cận thị trường để ngày càng có nhiều hơn những dự báo và đưa ra những cảnh báo phù hợp với tình hình biến động của thị trường. Còn không, nay thì giải cứu con này, mai lại giải cứu cây kia. 

Còn nhớ, tại hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cho rằng: Từ thực tế hiện nay đòi hỏi ngành chuyên môn nước ta không những phải có tầm nhìn dài hạn, mà còn phải chủ động hơn trong cách tiếp cận thị trường để ngày càng có nhiều hơn những dự báo và đưa ra những cảnh báo phù hợp với tình hình biến động của thị trường. Còn không, nay thì giải cứu con này, mai lại giải cứu cây kia. 
 
Thật vậy! Một khi vấn đề đầu ra cho nông sản chưa được giải quyết thì câu chuyện giải cứu nông sản vẫn là “câu chuyện nhiều kỳ” như lâu nay chúng ta đã nghe quen tai.
 
Và việc Lâm Đồng lại đang mở rộng quy mô chăn nuôi bò thịt trong thời gian qua cũng như tới đây cũng cần phải nghiên cứu kỹ thị trường tiêu thụ để có lộ trình phát triển đàn bò phù hợp. Theo tìm hiểu của phóng viên, Cát Tiên hiện có tổng đàn bò trên 10.400 con. Mục tiêu đặt ra của huyện Cát Tiên là đến năm 2020, đàn bò trên địa bàn toàn huyện Cát Tiên sẽ được nâng lên khoảng 15.000 con. Tương tự, huyện Di Linh cũng đang triển khai thực hiện Đề án phát triển đàn bò thịt và đàn bò sữa giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tổng đàn bò của huyện Di Linh hiện nay là 5.600 con. Trong đó, bò thịt có 5.400 con và bò sữa 200 con. Còn Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai cho biết, số lượng bò của huyện Đạ Huoai hiện gần 4.240 con và theo kế hoạch vào năm 2020, tổng đàn bò trên địa bàn huyện Đạ Huoai sẽ là 6.000 con. Một số địa phương khác như Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đức Trọng, Đơn Dương... cũng tăng số lượng đàn bò đáng kể. 
 
Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc các địa phương trên tăng tổng đàn bò là hoàn toàn hợp lý. Bởi việc tăng đàn bò bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, tạo ra sự cân bằng giữa trồng trọt và chăn nuôi, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, giải quyết việc làm trong lúc nhàn rỗi cho người lao động nông thôn...
 
Thế nhưng, nếu tiếp tục mở rộng chăn nuôi bò thịt, ngành chuyên môn của tỉnh cũng cần phải nghiên cứu sâu về thị trường tiêu thụ ngay từ bây giờ để luôn giữ được sự chủ động cần thiết. Vả lại, việc tiên lượng trước những rủi ro mà ngành chăn nuôi có thể gặp phải chưa bao giờ là thừa. Quan trọng hơn, từ việc nghiên cứu chuyên sâu này, có thể đưa ra những dự báo cũng như những khuyến cáo phù hợp để tránh những thiệt hại do biến động của thị trường cho người dân.              
 
TRỊNH CHU