Mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV

09:10, 24/10/2018

Ðịa bàn huyện Lạc Dương có tầm ảnh hưởng rất lớn về môi trường nước vì là đầu nguồn cung cấp cho nhà máy nước của khu vực huyện và Ðà Lạt. Vì vậy, thực hiện Thông tư Liên tịch 05 ngày 16/5/2017 của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT, Kế hoạch 3825 ngày 19/6/2017 của UBND tỉnh Lâm Ðồng về việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT và huyện Lạc Dương đã phối hợp triển khai mô hình tại đây. 

Ðịa bàn huyện Lạc Dương có tầm ảnh hưởng rất lớn về môi trường nước vì là đầu nguồn cung cấp cho nhà máy nước của khu vực huyện và Ðà Lạt. Vì vậy, thực hiện Thông tư Liên tịch 05 ngày 16/5/2017 của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT, Kế hoạch 3825 ngày 19/6/2017 của UBND tỉnh Lâm Ðồng về việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT và huyện Lạc Dương đã phối hợp triển khai mô hình tại đây. 
 
Ra quân thu gom bao gói thuốc BVTV tại hồ Đan Kia. Ảnh: M.Đ
Ra quân thu gom bao gói thuốc BVTV tại hồ Đan Kia. Ảnh: M.Đ

Kết quả bước đầu khả quan
 
Huyện Lạc Dương có tổng diện tích tự nhiên gần 131.136 ha, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp 12.394 ha; trong đó, đất trồng cây hàng năm 2.320 ha, đất trồng cây lâu năm 10.074 ha. Cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của Lạc Dương chủ yếu tập trung vào các thế mạnh như sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch. Trong đó tỷ trọng phát triển nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Theo chiến lược phát triển, cơ cấu chuyển dần từ trồng cây lâu năm sang trồng cây hàng năm, bao gồm rau, hoa, dâu tây,… Với diện tích và đặc điểm canh tác nêu trên, khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh một năm trên địa bàn huyện Lạc Dương ước khoảng 15 đến 20 tấn. Thành phần chủ yếu là bao bì nhựa, chai nhựa, chai thủy tinh chứa thuốc diệt côn trùng, trừ sâu, thuốc tăng trưởng… có đặc tính nguy hại và rất khó phân hủy theo thời gian. 
 
Để triển khai mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại Lạc Dương, năm 2017 Sở TN&MT Lâm Đồng đã tổ chức lắp đặt 50 thùng chứa rác thải tại khu vực hồ Đan Kia, thị trấn Lạc Dương. Trong quá trình triển khai mô hình, Sở TN&MT tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách thức sử dụng thuốc BVTV và cách thức phân loại, thu gom bao gói thuốc BVTV theo đúng quy định cho một số cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể và bí thư, tổ trưởng các tổ dân phố trên địa bàn. Cùng đó, thông qua việc tổ chức Lễ phát động thu gom rác thải và Lễ ra quân hưởng ứng Ngày Môi trường, UBND huyện Lạc Dương cũng tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thu gom chai lọ, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào các bể chứa đảm bảo đúng quy định; không bỏ chung rác thải sinh hoạt vào các bể chứa các loại bao gói thuốc BVTV. Qua hai đợt thu gom, số lượng rác thải là bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom tại các bể chứa là 2.440 kg với tổng chi phí thu gom và xử lý trên 840 triệu đồng.
 
Những khó khăn, vướng mắc
 
Theo Kế hoạch 116 ngày 15/9/2017 của UBND huyện Lạc Dương thì giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện phải lắp đặt 1.900 thùng và 6 kho chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện cho biết, mới lắp đặt được 50 thùng; việc xây dựng các kho chứa để lưu chai lọ, bao gói thuốc BVTV sau thu gom chưa thực hiện được do nguồn kinh phí chưa được phân bổ. 
 
Mặt khác, ý thức và nhận thức của một bộ phận nông dân về vệ sinh môi trường, an toàn sức khỏe lao động còn hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến còn nhiều bao gói thuốc BVTV sau sử dụng còn vứt trên ruộng đồng, kênh mương. Bên cạnh đó, sự giám sát của các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Sắp tới, tại các thùng chứa rác cần có thêm những hướng dẫn cụ thể về cách thức sử dụng thuốc BVTV, khuyến cáo nguy hại sức khỏe người sử dụng nếu không thực hiện thu gom đúng quy định… Mặt khác, thực tế lượng rác thải ở Lạc Dương rất lớn nhưng số lượng bể chứa còn quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo quy định, cứ 3 ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10 ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc BVTV cần một bể chứa bao gói thuốc. UBND huyện Lạc Dương vừa đề nghị Sở TN&MT quan tâm hỗ trợ kinh phí và cùng đó lồng ghép các chương trình dự án về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. 
 
Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương - ông Sử Thanh Hoài cho biết, lượng rác trên địa bàn huyện rất lớn bởi không chỉ dân số 30.000 người mà còn 1,5 triệu người là khách mỗi năm đến du lịch. Ông Hoài đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả việc thu gom bao gói thuốc BVTV trên địa bàn. Đáng chú ý là giải pháp thu gom ngay tại cơ sở bán thuốc BVTV trên địa bàn huyện. Nghĩa là sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ sở này, một mặt tạo điều kiện để nâng hiệu quả thu gom, mặt khác gắn trách nhiệm của nhà cung cấp và có sự hậu kiểm thông qua sổ sách xuất - nhập. Ông Sử Thanh Hoài cũng bày tỏ thời gian qua, việc vận chuyển rác đến cơ sở xử lý chất thải ở thành phố Đà Lạt hết sức khó khăn vì công suất ở đây không đáp ứng. Vì vậy, Lạc Dương rất muốn tỉnh ủng hộ xây dựng dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải ngay trên địa bàn huyện mà chủ đầu tư đã đến đặt vấn đề với địa phương. Ông Hoài cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư 62 tỷ đồng, đều do chủ đầu tư bỏ ra và đã khảo sát sơ bộ thực tế. Để đảm bảo nguồn nước hồ Đan Kia - Suối Vàng sạch cung cấp cho nhà máy nước, theo Chủ tịch UBND huyện Sử Thanh Hoài, nên xây dựng hồ tại đầu nguồn và lắp ống dẫn nước về nhà máy, vì nguồn nước này ít bị ảnh hưởng của dư lượng thuốc BVTV phát sinh từ bao gói sau sử dụng. 
 
Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cũng chỉ đạo các phòng chức năng của huyện tiếp tục nghiên cứu và phối hợp với Sở TN&MT xúc tiến các giải pháp, biện pháp mới trong thời gian sớm nhất có thể. Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Trãi đã đánh giá rất cao hiệu quả của mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng ở huyện Lạc Dương. Những kiến nghị từ UBND và các phòng chức năng của huyện được ông Trãi ghi nhận và chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường tiếp tục phối hợp triển khai. Ông Trãi cho biết, ngoài việc ủng hộ hình thức thu gom bao gói thuốc BVTV tại các cơ sở bán thuốc trên địa bàn thị trấn Lạc Dương để làm thí điểm cho tỉnh, sắp tới, Sở sẽ cùng huyện Lạc Dương tổ chức khảo sát đầu nguồn hồ Đan Kia - Suối Vàng để có thể báo cáo trình UBND tỉnh xem xét việc xây dựng hồ đầu nguồn.  
 
MINH ÐẠO