Ðeo theo xe cát quá tải vượt đèo Ngoạn Mục (kỳ 2)

09:10, 22/10/2018

Trong quá trình thâm nhập điều tra đoàn xe 4 giò chở cát quá tải trọng từ tỉnh Ninh Thuận lên Lâm Ðồng suốt 2 tuần qua, chúng tôi đã phát hiện dấu hiệu tài xế, chủ doanh nghiệp "né" lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, đồng thời tìm đủ cách hợp thức hóa đơn chứng từ để trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế Nhà nước.

[links()] Ðủ chiêu lách trạm, trốn thuế 
 
(LĐ online) - Trong quá trình thâm nhập điều tra đoàn xe 4 giò chở cát quá tải trọng từ tỉnh Ninh Thuận lên Lâm Ðồng suốt 2 tuần qua, chúng tôi đã phát hiện dấu hiệu tài xế, chủ doanh nghiệp “né” lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra, đồng thời tìm đủ cách hợp thức hóa đơn chứng từ để trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế Nhà nước.
 
Hàng chục chiếc xe quá tải từ Ninh Thuận lên tỉnh Lâm Đồng mỗi đêm thời gian qua. Ảnh: Cắt từ clip
Hàng chục chiếc xe quá tải từ Ninh Thuận lên tỉnh Lâm Đồng mỗi đêm thời gian qua. Ảnh: Cắt từ clip

Tìm kẽ hở để lách luật
 
Tối ngày 17/10, chúng tôi tiếp tục theo chân Bình, tài xế xe tải BKS: 49C-032..., chuyên chở cát từ các hầm khai thác cát gần sông Dinh (Ninh Thuận) về bãi tập kết cát tại huyện Đức Trọng tiêu thụ. Vào khoảng 19h cùng ngày, khi chiếc xe 4 giò của Bình “ăn cát” đầy ắp chạy tới chân đèo Ngoạn Mục, huyện Ninh Sơn thì phía trước khoảng 300 m đã có 2 xe 4 giò khác cũng đang ì ạch cài số 1 leo dốc lên thị trấn D’Ran. Tới đoạn gần chốt CSGT Eo Gió nằm trên QL27 thị trấn D’Ran (huyện Đơn Dương) khoảng 1km, lúc này trời mưa nhẹ, Bình và 2 xe 4 giò khác liền tấp vào lề đường đậu. Khoảng 15 phút sau, một người tên T. gọi điện thoại cho xe của Bình nói gọn lỏn là “đi được”. Nghe “đồng bọn” báo tin, rất nhanh chóng cả 3 xe chở cát nổ máy cho xe chạy thẳng lên thị trấn D’Ran hướng về phía QL27 qua huyện Đơn Dương mà không bị lực lượng CSGT tuần tra phát hiện.
 
“Các xe của các doanh nghiệp khác thì tôi không nắm rõ nhưng xe 4 giò chở cát đi Đức Trọng phần lớn phải chọn ban đêm để chạy “né” các chốt CSGT tuần tra đêm. Nếu trời mưa gió thì chạy khỏe, không mưa thì phải nhờ “chim xanh” báo tin mới chạy êm xuôi được” - Bình tiết lộ.
 
Với giá cát dùng trong xây dựng dưới Ninh Thuận bán ra không có hóa đơn chỉ 130.000 đồng/1m 3, có hóa đơn là 170.000 tới 180.000 đồng/1m 3 sau khi nhập về, trừ các loại cước phí liên quan các tài xế được hưởng mỗi chuyến 1 tới 1,5 triệu đồng/xe. Giống như các tài xế khác, Bình cho hay nhiệm vụ của anh chỉ là chở cát về bãi tập kết an toàn và lãnh tiền công cán, việc còn lại đều do chủ doanh nghiệp tính toán.
 
Sáng ngày 17/10, chúng tôi gọi điện thoại tới một số doanh nghiệp tại Lâm Đồng nhập cát từ địa bàn tỉnh Ninh Thuận thời gian qua. 
 
Ông M., chủ một bãi tập kết cát tại huyện Đức Trọng cho biết, giá cát bán ra cho khách không hóa đơn là 245.000 đồng/m 3, nếu có hóa đơn đầy đủ là 345.000 đồng/m 3
 
Trường hợp lấy trên 1.000 m 3 ông M. nói sẽ giảm giá nhẹ, đồng thời xe 4 giò tới chở sẽ tặng thêm 1,5 m 3 cát. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập chỉ lấy hai xe cát lẻ khoảng 40 m 3, ông M. nói: “xe cát lẻ lấy hóa đơn làm gì, mua trên 5 xe anh xuất hóa đơn cho?”.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các chủ bãi bán vật liệu xây dựng cát, đá trên địa bàn TP Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương khi bán số lượng cát nhỏ thường không xuất hóa đơn thuế VAT. Trong khi đó, khi mua cát số lượng lớn tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận, các công ty, doanh nghiệp chỉ làm hợp đồng mua bán bình thường để đối phó với cơ quan chức năng. Riêng tiền mua cát thực tế họ lại chuyển vào tài khoản cá nhân. Đồng thời, trên hóa đơn bán ra thay vì theo quy định của cơ quan chức năng phải ghi là bán cát nhiễm mặn, cát san lấp hay cát vàng xây dựng (có giá chênh lệch lớn) thì lại lập lờ ghi chung là cát để cố tình trốn được một khoản thuế phải đóng. Đặc biệt, là việc các doanh nghiệp bán cát lẻ cho các hộ cá thể, cá nhân không có nhu cầu có hóa đơn thường không kê khai, bỏ ngoài sổ sách phần này. Trong khi cơ quan chức năng lại rất khó xác định công ty, doanh nghiệp có kê khai đúng thực tế hay không?
 
“Sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát”
 
Thượng tá Hoàng Hoa Cầm - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh
Thượng tá Hoàng Hoa Cầm - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh
Ngay khi Báo Lâm Đồng đăng tải kỳ 1: “Rầm rập xe chở cát quá tải trên cung đường Ninh Thuận - Lâm Đồng” ngày 19/10, qua trao đổi, thượng tá Hoàng Hoa Cầm, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Lâm Đồng xác nhận thời gian gần đây vẫn còn tình trạng xe chở vật liệu xây dựng (chủ yếu là cát) từ dưới Ninh Thuận lên Lâm Đồng có dấu hiệu quá tải. Tuy nhiên, tình trạng trên đã diễn ra khá lâu, không chỉ có đoạn đường từ thị trấn D’Ran đi Đơn Dương, Đức Trọng hay lên TP Đà Lạt. 
 
Riêng 9 tháng đầu năm 2018, chỉ riêng Phòng CSGT đã tiến hành xử phạt 606 xe quá tải toàn tuyến QL20, 27 trên địa bàn tỉnh với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới trên 4 tỷ đồng. Ðây được coi là số tiền xử phạt xe quá tải cao hơn nhiều so với các năm gần đây.
 
“Theo thông tin tôi nắm được, các tài xế chở quá tải có cả các đối tượng chuyên căn lực lượng CSGT tuần tra để báo tin nhằm trốn tránh lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát về đêm. Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng những đêm trời mưa, đêm tối để chạy quá tải trên QL20, 27 thời gian qua gây nhiều khó khăn cho đơn vị” - ông Cầm nói và cho biết thêm, nhiều năm nay tại QL27, thị trấn D’Ran luôn có 1 Tổ tuần tra CSGT Eo Gió thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, gồm 11 chiến sỹ chia làm 3 ca trực kiểm tra, kiểm soát là khá mỏng. Trong khi quãng đường tuần tra của Tổ CSGT Eo Gió kéo từ huyện Đam Rông tới đầu đèo Sông Pha dài gần 200 km nên không thể xử lý triệt để tình trạng xe quá tải chạy trên đường.
 
Dưới góc độ quản lý hóa đơn, chống thất thu thuế đối với đoàn xe quá tải có dấu hiệu mua cát không hóa đơn thời gian qua trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Từa, Phó Cục trưởng Cục Thuế Lâm Đồng cho rằng rất khó để đơn vị kiểm tra, kiểm soát. “Trường hợp xe quá tải chở cát về đêm thời gian qua trên địa bàn lên Lâm Đồng, về góc độ ngành thuế chúng tôi không đủ thẩm quyền để kiểm tra độc lập mà cần có các đơn vị khác như CSGT, TTGT, Công an kinh tế… phối hợp thì mới kiểm soát chặt chẽ việc họ sai phạm tới đâu” - ông Từa chia sẻ. Cũng theo ông Từa, về mặt nguyên tắc, khi doanh nghiệp bán cát số lượng trên 200.000 đồng phải xuất hóa đơn cho dù khách mua không có nhu cầu và phải ghi vào sổ sách để cơ quan chức năng so sánh nguồn cát đầu vào và bán ra có cân đối với nhau hay không, nhưng để kiểm tra doanh nghiệp bán ngoài sổ sách hay không là rất khó khăn. 
 
Về giải pháp phòng chống thực trạng nêu trên, ông Hoàng Hoa Cầm cho biết trong những ngày tới, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ kết hợp với Đội CSGT Công an TP Đà Lạt, Đơn Dương, lực lượng TTGT Sở GTVT… để tiến hành tăng cường kiểm tra xe quá tải trên QL27, 20… “Chúng tôi sẽ phối hợp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quá tải để hạn chế TNGT, bảo vệ hạ tầng giao thông cũng như tuyên truyền tới các doanh nghiệp cam kết thực hiện chở xe đúng tải trọng” - ông Cầm nói.
 
NHÓM PV