Thay đổi tập quán nuôi trâu, bò để bảo vệ môi trường

06:10, 21/10/2020

Một vấn đề luôn đặt ra ở nông thôn là làm thế nào để hài hòa giữa phát triển kinh tế hộ gia đình với bảo vệ môi trường. Vấn đề càng bức thiết đối với tập tục chăn nuôi trâu, bò của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó điển hình như ở bà con dân tộc Nùng tại xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh. 

Một vấn đề luôn đặt ra ở nông thôn là làm thế nào để hài hòa giữa phát triển kinh tế hộ gia đình với bảo vệ môi trường. Vấn đề càng bức thiết đối với tập tục chăn nuôi trâu, bò của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó điển hình như ở bà con dân tộc Nùng tại xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh. 
 
Ông Nông Văn Choóng bên mô hình chuồng mới nuôi trâu
Ông Nông Văn Choóng bên mô hình chuồng mới nuôi trâu
 
Xây dựng chuồng đảm bảo quy cách 
 
Xã An Nhơn có số lượng trâu, bò lớn nhất trên địa bàn huyện Đạ Tẻh. Thời điểm tháng 9/2020, toàn xã có trên 1.000 con, với gần 400 hộ chăn nuôi. Tập trung nhiều nhất là Thôn 5, có 403 con với 97 hộ nuôi, chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng. Do tập quán xưa nay bà con không xây dựng khu vực chứa chất thải gia súc nên gây ô nhiễm môi trường nặng. Nhất là mùa mưa, nước phân chảy ra ngoài đường, ruồi muỗi phát sinh nhiều. Để xây dựng nông thôn mới, chính quyền và Mặt trận, các đoàn thể xã An Nhơn tích cực tuyên truyền, vận động, nhưng bảo vệ môi trường chưa chuyển biến như mong đợi. Tháng 6/2020, Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã An Nhơn phối hợp làm kế hoạch xây dựng mô hình chuồng nuôi trâu, bò trình Đảng ủy xã để triển khai bắt đầu từ Thôn 5. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, An Nhơn đang tích cực xây dựng xã “Nông thôn mới nâng cao” sau khi đã về đích “Xã nông thôn mới” năm 2015. 
 
Công việc đầu tiên là tiếp tục tuyên truyền ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Mục đích giảm thiểu mức cao nhất về khối lượng chất thải của trâu, bò ra môi trường. Mô hình đem lại nhiều ý nghĩa, đồng thời góp phần cải thiện sức khỏe và giảm cường độ lao động cho người chăn nuôi; giảm thiểu dịch bệnh từ chăn nuôi nói chung, con trâu bò nói riêng; tạo nguồn phân bón vi sinh phục vụ cây trồng và tăng thu nhập từ bán nguồn phân bón này; cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp và thân thiện. Việc triển khai hạn chế chất thải trong chăn nuôi là cơ sở để đánh giá tiêu chuẩn “Thôn văn hóa”, “Gia đình văn hóa”. Hội Nông dân, Hội LHPN xã cùng thôn đến từng gia đình khảo sát, thống kê, ghi nhận thực trạng cụ thể, làm cơ sở để hỗ trợ kinh phí. Hộ nuôi từ 3-6 con trâu, bò hỗ trợ 1,5 triệu đồng; hộ nuôi từ 7 con trâu, bò trở lên hỗ trợ 2 triệu đồng. Kinh phí do UBND xã An Nhơn, Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh và Hội Nông dân, Hội LHPN xã cùng hỗ trợ; phần kinh phí còn lại các hộ tự bỏ thêm. 
 
Ngoài tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, bà con được hướng dẫn về quy cách xây dựng chuồng trâu, bò. Cụ thể, nền chuồng cao hơn mặt đất 20-30 cm, đổ bê tông, xây bao bằng gạch xung quanh với chiều cao 0,5 cm; chuồng có mái che. Nếu nền chuồng bằng xi măng phải đảm bảo chắc chắn và tráng nhám, chống trơn trượt. Nền còn phải có độ thoải về phía sau để nước thải chảy, không ứ đọng. Về hố chứa phân, chiều dài 3,5 m; chiều rộng 2 m; chiều sâu 0,5 m và chiều cao 1,5 m; hố phải có mái che. Rãnh thoát nước tiểu bố trí dọc theo chuồng phía sau chỗ trâu đứng; độ dốc của rãnh từ 2-3% để thoát nước tốt. 
 
Người dân đồng tình và phấn khởi
 
Chúng tôi cùng anh Hoàng Hồng Giang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh, anh Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn đến các hộ dân đã hoàn chỉnh xây dựng chuồng nuôi trâu tại Thôn 5. Anh Nông Văn Choóng cho biết, nhà đâu tư xây dựng 2 chuồng để nuôi 6 con bò và 5 con trâu, chi phí khoảng 10 triệu đồng, trong đó được hỗ trợ 2 triệu đồng. Anh Choóng nói: “Bây giờ làm thế này không chỉ sạch hơn mà trâu, bò cũng dễ ăn và ăn hết thức ăn vì cỏ được gom vào một chỗ, lại sạch sẽ. Nhà cũng có phân của trâu, bò bán, mỗi khối 700 ngàn đồng, mỗi tháng khoảng 5 khối. Con trâu, bò khỏe hơn trước. Mô hình này bà con mừng quá trời. Nhà nước không ủng hộ gia đình tôi cũng làm vì có ý nghĩa”. Gần nhà anh Choóng là gia đình bà Triệu Thị Dè, hộ có số lượng trâu, bò nhiều nhất với 23 con. Anh Choóng cho biết, trước hộ bà Dè nuôi gần 40 con. Bà xây chuồng hết 12 triệu đồng, môi trường xung quanh sạch hẳn. Còn bà Lục Thị Sâm kể: “Trước, thức ăn lẫn với phân; nay mỗi thứ một ô và đều xây gạch chứ không thưng tạm bằng ván nữa. Trâu bây giờ ăn rất khỏe và người cho ăn cũng thoải mái”. Nhiều hộ có chuồng mới nuôi trâu, bò khác cũng đều rất phấn khởi như ông Lý Văn Băng, ông Triệu Văn Quang, ông Nông Văn Quân, bà Triệu Thị Sao…
 
Khi đã có chuồng đảm bảo theo kỹ thuật, cần tiếp tục khâu ủ phân. Trao đổi với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đạ Tẻh, Phó phòng Nguyễn Thị Hoa Tài cho biết, tới đây Phòng sẽ phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức tập huấn cho bà con kỹ thuật ủ phân để vừa đảm bảo tốt hơn về bảo vệ môi trường vừa tăng giá trị của loại phân bón này. Chúng tôi cũng trao đổi với chuyên viên Sở Tài nguyên và Môi trường và được biết, Sở đã tổ chức tập huấn phương pháp xử lý phân trâu, bò bằng hố ủ phân tại huyện Di Linh. Rất nhiều lợi ích từ phương pháp ủ phân này: ngoài giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đó còn là: diệt các mầm bệnh gây hại cho vật nuôi và cây trồng có ở trong phân; góp phần cải tạo lý, hóa tính của đất; bổ sung các nguyên tố vi lượng cho đất mà phân vô cơ không có; góp phần phân giải các chất khó phân hủy… Cần ưu tiên phương pháp ủ phân kín, ủ nóng và hiếu khí. Vì các vi khuẩn và vi trùng gây bệnh bị tiêu diệt hoàn toàn do nhiệt độ ủ tăng cao; mùi hôi bị khử... Chúng tôi cũng trao đổi với Chủ tịch UBND xã An Nhơn, ông Lưu Văn Phượng cho biết: “Lãnh đạo xã đã chỉ đạo rất cụ thể đối với Hội Nông dân và Hội LHPN xã trong triển khai. Có theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá hiệu quả và báo cáo kết quả đến xã và huyện để đúc kết nhân rộng mô hình”. 
 
MINH ĐẠO