Những phụ nữ tiêu biểu trong đời thường

06:11, 05/11/2020

Từ phong trào thi đua và các hoạt động trọng tâm của Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình. Trong đó, có những điển hình từ cơ sở hết sức bình dị với những việc làm nhân ái và tận tâm, đã đem lại hiệu quả thiết thực cho hội viên và cộng đồng.

Từ phong trào thi đua và các hoạt động trọng tâm của Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình. Trong đó, có những điển hình từ cơ sở hết sức bình dị với những việc làm nhân ái và tận tâm, đã đem lại hiệu quả thiết thực cho hội viên và cộng đồng.  
 
Hội LHPN tỉnh biểu dương gia đình “No ấm - Bình đẳng - Tiến bộ - Hạnh phúc” tiêu biểu giai đoạn 2015 - 2020
Hội LHPN tỉnh biểu dương gia đình “No ấm - Bình đẳng - Tiến bộ - Hạnh phúc” tiêu biểu giai đoạn 2015 - 2020
 
Chị Hoàng Thị Nhâm - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thôn 8, xã An Nhơn (Đạ Tẻh)
 
Chị Nhâm là một trong 7 gương phụ nữ tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng năm 2019. Chị sinh ra ở vùng quê Cao Bằng, năm 1990 chị theo gia đình vào Đạ Tẻh lập nghiệp, sinh sống. Với 1,2 ha đất, vợ chồng chị đã cần cù làm ăn dành dụm mua được 2 con trâu, dùng để làm sức kéo cho gia đình, vừa giúp đỡ bà con. Từ việc thu nhập trên diện tích đất của gia đình, chị tích lũy được khoảng 15 triệu đồng và mạnh dạn xây dựng chuồng trại chăn nuôi đã đem lại thu nhập khá.
 
Năm 2011, vào thời điểm hạt điều đang có giá, chị Nhâm quyết định phát triển thêm kinh tế từ nghề điều. Chị đầu tư 15 máy bóc tách vỏ hạt điều cứng, tạo việc làm thường xuyên cho 30 công nhân. Đến thời điểm hiện tại, do khan hiếm hàng hơn so với thời gian trước, chị đã nhập điều vỏ lụa cho chị em nhận hàng về nhà cạo vỏ. Mỗi tuần chị nhập khoảng 2 tấn điều về cho gần 100 chị em phụ nữ tại địa phương gia công cho thu nhập từ 1 - 2 triệu đồng/tháng (chỉ làm trong lúc nông nhàn). Bên cạnh đó, chị còn mở cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chị Nhâm cho biết, 1 tháng chị cũng bán được từ 2 -3 tấn lượng thức ăn cho gia súc.
 
Từ việc sản xuất, chăn nuôi và mở rộng thêm kinh doanh, hàng năm trừ các khoản chi phí đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình trên 300 triệu đồng/năm. Nhờ đó, năm 2018 gia đình đã xây dựng được căn nhà khang trang trị giá trên 1 tỷ đồng. Từ khi kinh tế gia đình ổn định, chị nhiệt tình giúp đỡ hội viên khó khăn vươn lên thoát nghèo. Trong đó, từ năm 2017 đến nay chị đã cho hội viên vay 300 triệu đồng không tính lãi để phát triển kinh tế, cửa hàng của chị luôn cho hội viên mua phân bón, thức ăn chăn nuôi theo phương thức trả chậm không tính lãi.
 
Là phụ nữ làm kinh tế giỏi, chị cũng luôn tích cực đi đầu trong các phong trào tại địa phương như: hiến 500 m2 đất ruộng để xây dựng đường liên thôn để Nhân dân đi lại sản xuất thuận lợi, đóng góp 3 triệu đồng xây dựng hội trường thôn, đường liên xóm, đi đầu trong các buổi ra quân vệ sinh môi trường, trồng hoa cỏ lạc, tham gia thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật…; qua đó đã góp một phần nhỏ vào công cuộc xây dựng và giữ vững xã nông thôn mới và phong trào thi đua hoạt động của Hội.
 
Năm 2017, chị được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, chị tích cực vận động chị em tham gia sinh hoạt, tổ chức các buổi sinh hoạt, học tập, nâng cao kiến thức cho chị em, vận động chị em thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào do Hội phát động. Chi hội của chị trong những năm qua luôn đạt xuất sắc. Với những thành tích đạt được, năm 2019, chị được Huyện ủy Đạ Tẻh khen thưởng về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng khen thưởng danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu”.
 
Chị MBon K’Nguyệt (35 tuổi) ở thôn Đạ K’Nàng, xã Đạ K’Nàng (Đam Rông)
 
Chị K’Nguyệt (35 tuổi) là một trong 2 phụ nữ người DTTS của huyện nghèo Đam Rông được Hội LHPN tỉnh tuyên dương là phụ nữ đồng bào DTTS có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới. 
 
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị chỉ học đến hết cấp 1 rồi nghỉ học. Sau này khi có các lớp phổ cập giáo dục bậc THCS được mở ra, chị tiếp tục đi học hết cấp 2. Chị nhiệt tình tham gia sinh hoạt sôi nổi trong lực lượng đoàn thanh niên. Đến năm 2007, chị K’Nguyệt làm Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn Đạ K’Nàng. Bắt đầu từ năm 2011, xã Đạ K’Nàng triển khai xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền đến tận các thôn để đồng bào chung sức thực hiện các tiêu chí. Ở thôn Đạ K’Nàng, chị K’Nguyệt thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân hiểu chủ trương lớn này. Chị K’Nguyệt ngoài chăm sóc có hiệu quả diện tích lúa, cà phê của gia đình, hai vợ chồng chị còn tranh thủ đi làm công cho các công ty ở gần nhà để có đủ kinh tế chăm lo cho hai con ăn học. Đồng thời, chị còn tham gia tích cực và có trách nhiệm đối với việc thực hiện các phong trào, nhiệm vụ của thôn, xã. Chị đã vận động bà con cải tạo nâng cao năng suất cây cà phê và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Hiện nay, trên địa bàn thôn đã có nhiều hộ chuyển đổi một phần diện tích cà phê năng suất thấp sang trồng dâu nuôi tằm. 
 
Thôn Đạ K’Nàng có hơn 90 chị em hội viên, tổ vay vốn của chi hội phụ nữ thôn hiện đã có 53 chị tham gia với nguồn vốn gần 1,9 tỷ đồng. Đây là địa chỉ để chị em phụ nữ vay vốn cải tạo cà phê, trồng dâu nuôi tằm, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn... góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Chị K’Nguyệt cho biết, nguồn vốn này đã giúp nhiều chị em phát triển kinh tế hộ gia đình thành công. Chị K’Nguyệt vận động hội viên trong thôn xây dựng và duy trì mô hình tuyến đường không rác với hơn 6 km trên địa bàn thôn Đạ K’Nàng, vận động bà con hiến đất xây dựng đường Suối Cạn, hiến công, hiến của xây dựng tuyến đường điện nông thôn. Đây là thôn điển hình của xã về phát triển kinh tế, không sinh con thứ 3 và không có tệ nạn xã hội... 
 
Chị Trần Thị Thanh, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Phú Cao, xã Tà Hine (Đức Trọng) 
 
Chị Trần Thị Thanh là tấm gương về phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, chị Thanh là hội viên tiêu biểu của Chi hội Phụ nữ thôn Phú Cao, hàng năm tích cực tham gia các hoạt động tại chi hội, luôn có sáng kiến đề xuất chi hội xây dựng mô hình mới, cách làm hay.
 
Trước khi lập gia đình, chị Thanh làm y tá tại Bệnh viện Đạ Huoai. Đến năm 1992, chị lập gia đình, đời sống kinh tế khi đó gặp nhiều khó khăn. Năm 2001, gia đình chị chuyển đến sinh sống tại xã Tà Hine. Ban đầu gia đình chị chỉ có 6 sào đất để trồng củ cải. Tuy nhiên, giá cả nông sản bấp bênh nên khi đó nguồn thu nhập từ trồng củ cải chỉ được 10 triệu đồng/1 năm. Trước tình hình đó, chị không quản ngại khó khăn, luôn chịu khó học hỏi những cách làm hay để áp dụng vào sản xuất. Đến năm 2005, chị dành dụm được một số vốn nên mạnh dạn thuê thêm đất và chuyển đổi sang trồng mác mác thu nhập được 50 triệu đồng/1 năm. Kinh tế gia đình chị ngày càng ổn định và mở rộng diện tích đất canh tác. Được sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ, gia đình chị được chọn làm điểm để trồng rau củ và các cây hoa màu khác. Đến nay, nhiều hộ gia đình của Chi hội Phụ nữ thôn Phú Cao, xã Tà Hine và các chi hội khác đã học hỏi kinh nghiệm gia đình chị, tham gia canh tác chuyển đổi đất 1 vụ kém năng suất sang trồng hoa màu như: rau củ, cà tím, chanh dây, cà rốt, ớt, đậu, hoa…
 
Năm 2015, Hội LHPN xã Tà Hine đã tổ chức ra mắt mô hình chuyển đổi đất một vụ kém chất lượng sang trồng hoa màu, chị Thanh đăng ký tham gia và cũng đã học hỏi kinh nghiệm cũng như được tập huấn về các kỹ thuật trồng trọt công nghệ cao. Nhờ vậy, chị có thêm nhiều kiến thức bổ ích và mạnh dạn vay vốn đầu tư 6 sào nhà kính công nghệ cao để thử nghiệm trồng hoa cát tường tại vùng đất khô cằn và thành công với sản lượng 2 lứa 6 tấn/1 sào. Chị tiếp tục canh tác cây ớt chuông màu trên nhà kính với sản lượng thu được 15 tấn/1 sào, tăng thu nhập kinh tế gia đình. Hiện nay gia đình chị trồng 1,2 ha cây tiêu, 2 ha cây cà phê, 2 sào hoa cát tường, 3 sào ớt chuông áp dụng công nghệ cao trong nhà kính và 5 sào mác mác. Mỗi năm gia đình chị thu nhập gần 1 tỷ đồng.
 
Gia đình chị Thanh còn giúp cây giống, phân chuồng cho 7 hộ gia đình khó khăn và cho vay mượn tiền không lấy lãi trị giá số tiền 100 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho 19 lao động ở địa phương với mức lương bình quân 5,2 triệu đồng/ tháng. Bên cạnh đó, chị còn hướng dẫn giúp đỡ trên 11 hộ nông dân nghèo, mỗi hộ 5 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất ổn định cuộc sống. Gia đình chị còn tham gia các mô hình chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn xã Tà Hine.
 
AN NHIÊN