''Tài sản vô giá'' của vợ chồng nông dân

06:11, 17/11/2020

Không chỉ nhiệt tình với hoạt động xã hội, hộ ông Trịnh Tấn Vinh ở thôn Tân Phú 2, xã Đinh Lạc (Di Linh) còn là gia đình văn hóa tiêu biểu, đặc biệt trong việc nuôi dạy các con học tập, trưởng thành, góp ích cho xã hội.

Không chỉ nhiệt tình với hoạt động xã hội, hộ ông Trịnh Tấn Vinh ở thôn Tân Phú 2, xã Đinh Lạc (Di Linh) còn là gia đình văn hóa tiêu biểu, đặc biệt trong việc nuôi dạy các con học tập, trưởng thành, góp ích cho xã hội.
 
Vợ chồng ông Trịnh Tấn Vinh đóng gói sản phẩm cà phê
Vợ chồng ông Trịnh Tấn Vinh đóng gói sản phẩm cà phê
 
Với đời sống kinh tế gia đình ngày càng đi lên và khấm khá như hiện nay, có lẽ không ai nghĩ rằng vợ chồng ông, bà Trịnh Tấn Vinh - Nguyễn Thị Kim Liên đã từng trải qua những năm tháng lam lũ, khó khăn như bao bà con khác để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Sau khi lập gia đình, năm 1983, vợ chồng ông Vinh khăn gói rời miền Trung vào Di Linh lập nghiệp. Thế rồi vài năm sau các con của ông lần lượt chào đời thì những gánh nặng về đời sống kinh tế ngày càng đè lên đôi vai họ. 
 
Ông Trịnh Tấn Vinh chia sẻ, đó là giai đoạn rất gian nan, vất vả mà gia đình ông phải vượt qua, vừa xây dựng kinh tế gia đình vừa chăm lo cho con cái ăn học. Với quan niệm, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có ấm no, hạnh phúc thì xã hội mới phồn thịnh, gia đình ông Vinh đều dồn sức tập trung chăm lo cho con cái học “cái chữ”. Ông Trịnh Tấn Vinh bộc bạch: “Trước kia, do hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng tôi chỉ học hết cấp III rồi bươn chải phụ giúp gia đình phát triển kinh tế. Vì vậy, khi điều kiện kinh tế gia đình được thuận lợi hơn vợ chồng tôi chú tâm đầu tư chăm lo việc học hành của con cháu”.
 
Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm giáo dục con cái, ông Trịnh Tấn Vinh cho biết thêm, đầu tiên phải định hướng cho các con trở thành người tốt, người có kiến thức cơ bản để làm hành trang vào đời. Lấy bản thân mình làm gương, thay đổi từ bản thân mình trước để các con noi theo, dần dần trở thành một nề nếp, nếp sống văn hóa trong gia đình. Để các con có ý thức chăm chỉ học tập mình phải định hướng mục tiêu, muốn tiếp cận thông tin, những kiến thức tiến bộ, phát triển của xã hội và hội nhập thì chỉ có con đường học tập...
 
Đến nay, tất cả 4 người con của gia đình ông Trịnh Tấn Vinh đều tốt nghiệp đại học và đang công tác tại huyện Di Linh và TP Hồ Chí Minh, trong đó Trịnh Thị Mỹ Diễm đã học xong thạc sĩ hiện là giáo viên dạy môn Hóa học Trường THPT Di Linh, các con rể, con dâu đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Riêng con trai út là Trịnh Vạn Ngôn và vợ là Nguyễn Thị Thu Thảo hiện đang bảo vệ luận án tiến sĩ tại Hàn Quốc về chuyên ngành phân tích tế bào gốc.
 
Xuất phát từ nghề làm nông, với sự chịu khó, năng động và đời sống kinh tế gia đình ông Trịnh Tấn Vinh cũng đã khá an nhàn, nhưng với sự đam mê và nhiệt huyết, ông luôn trăn trở làm thế nào để định hướng cho người dân trồng cà phê huyện Di Linh hướng đến sản xuất cà phê sạch, không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Di Linh trên trị trường trong nước và quốc tế. Vì thế ông Trịnh Tấn Vinh luôn dành nhiều thời gian, tâm sức sản xuất cà phê sạch bền vững, sản xuất cà phê hữu cơ không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. 
 
 Bên cạnh xây dựng Cơ sở cà phê Thuần Trịnh của gia đình, ông Trịnh Tấn Vinh còn tham gia Hợp tác xã Đồng Tâm (Di Linh), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phúc An (Bảo Lộc). 
 
“Tôi đi học là muốn có thêm kiến thức để đáp ứng phần nào cho công việc gia đình, nhưng cái cốt lõi là để định hướng cho các con nâng cao ý thức trong học tập. Hiện tại các con tôi đều đã trưởng thành và thành đạt trong sự nghiệp. Với tôi, đây là tài sản vô giá của gia đình”, ông Trịnh Tấn Vinh phấn khởi.
 
NDONG BRỪM