Xây chợ mới, nhiều tiểu thương chưa đồng thuận giá hỗ trợ di dời

06:11, 24/11/2020

Chợ mới Đinh Văn (nằm trong khu đô thị mới, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) được xây dựng hiện đại, khang trang thay thế chợ Đinh Văn cũ cách đó vài trăm mét đã xuống cấp trầm trọng...

Chợ mới Đinh Văn (nằm trong khu đô thị mới, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) được xây dựng hiện đại, khang trang thay thế chợ Đinh Văn cũ cách đó vài trăm mét đã xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, cả trăm tiểu thương tại chợ cũ vẫn chưa đồng thuận về mức giá đền bù, hỗ trợ nên việc di chuyển chợ còn gặp nhiều vướng mắc.
 
Chợ Đinh Văn cũ hiện đã xuống cấp trầm trọng nhiều năm nay
Chợ Đinh Văn cũ hiện đã xuống cấp trầm trọng nhiều năm nay
 
Theo bà Trương Thị Thái (57 tuổi, chủ quầy hàng dày dép trong chợ cũ), mức giá UBND huyện Lâm Hà đền bù cho bà và các tiểu thương dự kiến vào khoảng gần 30 triệu đồng/quầy là quá thấp. Chính vì vậy, bà Thái và hơn 100 tiểu thương tại đây đang làm đơn khiếu nại lên huyện và các cấp để có giá đền bù, hỗ trợ thỏa đáng hơn mới đồng ý các bước bốc thăm điểm kinh doanh chợ mới.
 
Bà Thái lý giải sự việc: Những năm 1990 tới 1994, nhằm tạo điều kiện thu hút các hộ dân di dời vào chợ mới Đinh Văn để kinh doanh (bây giờ là chợ cũ) UBND huyện Lâm Hà thời kỳ đó đã khuyến khích người dân mua quầy và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu quầy hàng không thời hạn (gọi là thẻ quầy) với giá 2,5 tới 3,5 triệu, tùy quầy có vị trí hai mặt hoặc 3 mặt tiền. 
 
“Đây là số tiền rất lớn thời điểm đó. Với số tiền này, chúng tôi có thể mua được 1 lô đất khoảng 100 m2 mặt tiền thị trấn Đinh Văn. Trong khi giá trị mua quầy cao nhưng khi hỗ trợ, đền bù lại quá thấp. Chúng tôi mong muốn UBND huyện phải có giá tính toán đền bù hợp lý, dứt điểm mới họp kế hoạch chuyển chợ” - bà Thái nói.
 
Theo các chủ quầy sạp khác, mức giá mong muốn UBND huyện đền bù, hỗ trợ thoả đáng để chấp thuận di dời sang chợ mới vào khoảng 700 tới 1 tỷ đồng/quầy cố định.
 
Ông Đỗ Văn Thiết, Trưởng Ban Quản lý (BQL) chợ Đinh Văn cho biết, tới thời điểm này đã có 48 chủ quầy trên tổng số 209 quầy kinh doanh cố định có Giấy chứng nhận sở hữu quầy hàng bốc thăm điểm kinh doanh chợ mới, ký hợp đồng với BQL chợ. Cũng theo ông Thiết, từ năm 2018, khi huyện có chủ trương, phương án di chuyển các tiểu thương sang chợ mới, tính lũy kế tới tháng 8/2020 thì 100% hộ kinh doanh nợ tiền thuế lên tới 1,2 tỷ đồng, các loại tiền phải đóng khác như phí giữ xe, bảo vệ, phòng chống cháy nổ,... lên khoảng 300 triệu đồng. 
 
“Mặc dù có nhiều tiểu thương chưa đồng ý với mức giá hỗ trợ, đền bù quầy sạp nhưng họ phản ánh ôn hòa bằng đơn thư khiếu nại. Tình hình an ninh trật tự thời gian qua vẫn được đảm bảo” - ông Thiết cho biết.
 
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hưng - Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Lâm Hà cho biết, số quầy còn tại chưa chấp nhận với mức giá dự kiến hỗ trợ thì UBND huyện đã có phương án vừa tiến hành di chuyển chợ, sắp xếp chợ Đinh Văn vừa tiến hành hỗ trợ cùng lúc. Trường hợp các hộ dân chưa bốc thăm chọn địa điểm kinh doanh chợ mới vẫn tiếp tục ở lại chợ cũ, BQL chợ có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện hoạt động bình thường khi UBND huyện có phương án giải quyết khác.
 
“UBND huyện Lâm Hà đã có Tờ trình đề xuất của UBND tỉnh xin ý kiến đồng ý về mặt chủ trương cho huyện hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng chợ Đinh Văn cũ chuyển sang chợ mới. Hỗ trợ, bồi thường 209 hộ kinh doanh có thẻ quầy số tiền gần 6 tỷ đồng. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi sẽ công khai phương án hỗ trợ chi tiết cho người dân được biết” - ông Trần Thanh Hưng thông tin.
 
Qua trao đổi, một lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà cho hay mức giá đền bù, hỗ trợ các tiểu thương yêu cầu không có cơ sở để giải quyết. Nguyên nhân là thẻ quầy được cấp chỉ là giá trị tài sản trên đất, việc người dân được sang nhượng, tặng cho, đóng thuế trước bạ khác hoàn toàn với việc sở hữu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
CHÍNH THÀNH