Cần bảo vệ quần thể du sam quý hiếm

06:12, 31/12/2020

Gỗ du sam trước đây phát triển theo các quần thể với số lượng tương đối lớn trên địa bàn tỉnh, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 1.500 cây phân bố rải rác tại Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và huyện Đam Rông.

Gỗ du sam trước đây phát triển theo các quần thể với số lượng tương đối lớn trên địa bàn tỉnh, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 1.500 cây phân bố rải rác tại Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và huyện Đam Rông.
 
Tán cây du sam cổ thụ
Tán cây du sam cổ thụ
 
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, cây du sam (còn gọi là ngô tùng, tô hạp, mạy kinh) thuộc họ Thông là cây thân gỗ lớn, cao từ 23-40 m, thường mọc trên núi đá vôi với độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển. Gỗ du sam trước đó được xếp vào nhóm IA, thuộc nhóm bị đe dọa tuyệt chủng. Tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP, gỗ du sam thuộc nhóm IIA trong Danh mục thực vật rừng quý hiếm, hạn chế khai thác vì mục đích thương mại.
 
Phòng Quản lý Bảo vệ rừng & Bảo tồn thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, hiện theo thống kê sơ bộ trên địa bàn toàn tỉnh còn 1.516 cây du sam. Trong đó, huyện Đơn Dương được ghi nhận còn nhiều du sam nhất với hơn 800 cây; Lạc Dương hơn 300 cây; Đà Lạt gần 300 cây; Đức Trọng 43 cây; Lâm Hà 30 cây và Đam Rông 10 cây.
 
Hầu hết cây du sam đều có tuổi thọ từ 50 tới cả 100 năm với đường kính trung bình 50 - 70 cm. Nhiều cây du sam có đường kính “khủng” 1,8 tới 2,1 m, tương đương với 4-6 người lớn ôm mới hết chu vi thân cây.
 
Cây du sam có đường kính gần 2 m, cao gần 40 m sừng sững giữa rừng thông ba lá
Cây du sam có đường kính gần 2 m, cao gần 40 m sừng sững giữa rừng thông ba lá
 
Những ngày cuối tháng 12, chúng tôi tới khu vực dưới chân núi Voi (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) để tìm những cây gỗ du sam cổ thụ còn sót lại. Già K’Ten (64 tuổi), người được đơn vị chủ rừng giao bảo vệ rừng thông đỏ trên đỉnh núi Voi nói hiện gỗ du sam quý hiếm chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Và những cây du sam còn sót lại đều có đường kính từ 70 cm tới gần 2 m, nằm rải rác trên một khu vực rộng 1,5 km2. “Khu vực này, những năm 1990 số lượng gỗ du sam lên tới vài trăm cây, nhưng do khai thác trái phép quá mức giờ chỉ còn 9 cây. Tuy không được đánh số nhưng từng vị trí cây thông tôi đều nhớ rõ, khi đi tuần rừng lúc nào cũng để mắt tới chúng vì số lượng còn rất ít” - già K’Ten cho hay.
 
Dẫn chúng tôi đi tới cây du sam quý hiếm, có đường kính gốc khoảng 1,8 m, cao gần 40 m, nằm cách đường cao tốc Liên Khương - Prenn chừng 500 m hướng lên đỉnh núi, già K’Ten bảo đó là cây du sam cổ thụ cả trăm năm tuổi. “Thời tôi và các đồng đội hoạt động cách mạng tiêu diệt bọn phản động FULRO tại khu vực núi Voi, cây du sam này đã 2 người ôm mới hết thân cây. Bây giờ thì nó to cỡ 4 người ôm và như gắn bó với tôi không khác người bạn tri kỷ; mình luôn cảnh giác, không cho các đối tượng xấu có cơ hội xâm phạm tới nó!” - già K'Ten nói.
 
Quần thể rừng gỗ du sam đúng nghĩa nhất có lẽ còn sót lại trên địa bàn tỉnh là ở huyện Đơn Dương với hơn 800 cây và một quần thể nhỏ hơn tại huyện Lạc Dương. Một cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đơn Dương cho chúng tôi biết, hiện quần thể gỗ du sam chủ yếu sinh trưởng tập trung tại khu vực rừng nguyên sinh ở một số tiểu khu. Điều đáng mừng là những năm qua, số lượng gỗ du sam tại các quần thể du sam không bị suy giảm số lượng. Để có được điều đó, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, do công tác kiểm tra, bảo vệ rừng sát sao, được đánh giá có hiệu quả thiết thực từ cán bộ kiểm lâm cơ sở, các đội quản lý nhận khoán bảo vệ rừng.
 
Những cây du sam quý hiếm bởi chất lượng gỗ tốt, vân gỗ rất đẹp và có mùi thơm dịu nhẹ
Những cây du sam quý hiếm bởi chất lượng gỗ tốt, vân gỗ rất đẹp và có mùi thơm dịu nhẹ
 
Riêng về các địa phương khác như Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng và Đam Rông, cây du sam chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nằm phân tán và bị chia cắt nên các quần thể khó liên hệ với nhau. Việc phân bố không đều cũng khiến quần thể du sam ngày càng bị suy thoái về di truyền. 
 
Theo giới chơi đồ gỗ sành sỏi, gỗ du sam có đường vân tuyệt đẹp, mùi thơm nhẹ nên giá thành cao, chuyên dùng để làm đồ nội thất xa xỉ. Chính vì lẽ đó, số lượng gỗ du sam trước giờ luôn có nguy cơ cao bị các đối tượng lâm tặc nhòm ngó, cưa hạ để kiếm lợi nhuận. Điều đáng tiếc là trên địa bàn tỉnh hiện chưa có biện pháp bảo vệ riêng cho gỗ du sam, chỉ thực hiện biện pháp giao khoán quản lý, bảo vệ chung với các loài cây rừng quý hiếm khác từ nguồn vốn ngân sách hoặc từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. 
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng thông tin, cùng với các loại cây thực vật quý hiếm nằm trong nhóm IA cần nghiên cứu nhân giống, trồng mới và phát triển nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý, cây du sam cũng được tính toán nhân giống, trồng thêm để kết nối các quần thể. Việc này sẽ góp phần vào cải thiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao độ che phủ của rừng, đồng thời thu hút và giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất là những khu vực đất rừng có độ cao thích hợp cho loài cây du sam phát triển.
 
CHÍNH THÀNH