Thu gom rác thải nguy hại

06:12, 14/12/2020

Tình trạng ô nhiễm môi trường do vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất nông nghiệp Lạc Dương diễn ra phức tạp...

Tình trạng ô nhiễm môi trường do vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại các vùng sản xuất nông nghiệp Lạc Dương diễn ra phức tạp. Chính vì vậy, huyện đẩy mạnh và thực hiện việc thu gom rác thải nguy hại này, đặc biệt là khu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng, giúp môi trường sạch hơn.
 
Tình trạng ô nhiễm hồ Đan Kia vẫn còn diễn ra
Tình trạng ô nhiễm hồ Đan Kia vẫn còn diễn ra
 
Cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lạc Dương chủ yếu tập trung vào các thế mạnh như: sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch... Trong đó, tỷ trọng phát triển nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Do đó, nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc BVTV phục vụ cho nông nghiệp cũng ngày càng tăng lên, ước tính mỗi năm toàn huyện Lạc Dương sử dụng khoảng 70 - 80 tấn thuốc BVTV trên các loại cây chính như rau, hoa, dâu tây, cà phê.... Theo tính toán, lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng thải ra ngoài môi trường khoảng 5,6 - 6,4 tấn/năm.
 
Thuốc BVTV và bao bì thuốc BVTV là chất độc hại, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải được thu gom, tiêu hủy tại các đơn vị có đủ điều kiện tiêu hủy chất thải nguy hại. Mặc dù hiện nay, tại huyện Lạc Dương, việc thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đã được các cấp, các ngành quan tâm, tuy nhiên do ý thức của người dân chưa cao nên việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được người dân thu gom và tiêu hủy cùng rác thải sinh hoạt hoặc chôn lấp, đốt chưa đúng quy định gây ra ô nhiễm môi trường.
 
Mặt khác, huyện Lạc Dương còn có hồ Đan Kia nằm trên địa bàn thị trấn Lạc Dương, ngoài việc phục vụ cho hoạt động thủy điện, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, hồ Đan Kia còn là hồ chứa nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt của người dân tại thành phố Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương. 
 
Trong những năm gần đây, với sự dịch chuyển dần cơ cấu cây trồng từ cà phê sang rau, hoa... nên việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng và ý thức của người dân chưa cao trong việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, dẫn đến rác thải phát sinh ra ngoài môi trường và theo các dòng chảy đổ về hồ Đan Kia gây ô nhiễm nguồn nước. 
 
Theo chân ông K’Ten (53 tuổi, thôn Đan Kia, thị trấn Lạc Dương) đi đến hàng chục điểm tập kết rác thải, qua quan sát cho thấy lượng lớn vỏ bao thuốc BVTV, các chất thải sinh hoạt, bao ni lông cũng nằm la liệt trên mặt hồ. Ông K’Ten cho biết, sau những đợt mưa lũ, bùn đất cũng như rác thải nông nghiệp ở các ngọn đồi, nhánh suối từ thị trấn Lạc Dương, Phước Thành (TP Đà Lạt) cuồn cuộn tuôn vào hồ. Ngày xưa tắm nước hồ này rất mát mẻ, người dân thường ra hồ để lấy nước về sinh hoạt, nhưng những năm gần đây, khi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển, người dân chuyển từ trồng cà phê sang rau màu, ý thức của nông dân chưa được cao, sử dụng xong lại vứt những loại rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực này trôi xuống lòng hồ, kéo theo đó là xác động, thực vật trôi xuống lòng hồ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Do đó, việc thu gom, xử lý rác thải sản xuất nông nghiệp tại khu vực hồ Đan Kia thường xuyên được quan tâm.
 
Để giải quyết tình trạng trên, hằng năm, được sự hỗ trợ của Chi cục BVTV tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện Lạc Dương đã lắp đặt 122 bể chứa, thùng chứa để thực hiện việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại thị trấn Lạc Dương. Ngoài ra, từ việc cân đối nguồn ngân sách của địa phương, huyện đã đầu tư thêm được 70 thùng chứa rác thải là bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Hiện nay tổng số bể chứa, thùng chứa đã được lắp đặt trên địa bàn huyện là 357 cái. 
 
Sau khi lắp đặt các bể chứa, người dân đã thực hiện việc thu gom và bỏ rác là bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đúng nơi quy định, hạn chế tình trạng xả thải ra ngoài môi trường. Qua các đợt thu gom, lượng rác thải là bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom tại các bể chứa hơn 6 tấn và đã được xử lý theo quy định về chất thải nguy hại. Địa phương đang triển khai các thủ tục để xây dựng kho lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại xã Đạ Sar với tổng diện tích 150 m 2.
 
Theo ông Hoàng Văn Hãnh, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, tuy đã có những chuyển biến trong công tác thu gom rác thải nhưng ý thức và nhận thức của một bộ phận nông dân về vệ sinh môi trường, an toàn sức khỏe lao động còn hạn chế, chủ quan nên chưa chủ động, tự giác thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV, dẫn đến nhiều bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vẫn còn vứt trên đồng ruộng, nương rẫy. Bên cạnh đó, do lượng rác thải lớn, trong khi số lượng bể chứa ít, nên mới giải quyết được một phần nhỏ lượng bao bì thuốc thải ra môi trường. Theo quy định, cứ 3 ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10 ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc BVTV thì cần có 1 bể chứa bao bì thuốc. Như vậy, với số lượng bể chứa hiện nay không thể đáp ứng được việc thu gom hết số bao bì thải ra môi trường hằng năm.
 
Ông Hãnh cho biết, trong thời gian tới, nhằm triển khai và thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn, UBND huyện sẽ xin thêm nguồn kinh phí để xây dựng các bể chứa, kho lưu chứa, để thu gom, vận chuyển và xử lý thuốc BVTV sau sử dụng. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, công chức phụ trách của địa phương và người dân về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, đúng cách và việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo đúng quy định. Lồng ghép các chương trình, dự án về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong việc tuyên truyền, tập huấn và xây dựng bể chứa hoặc khu vực lưu chứa vỏ thuốc BVTV sau sử dụng.
 
HOÀNG YÊN