Những kiến nghị tháo gỡ vướng mắc bảo vệ tài nguyên, môi trường

06:02, 26/02/2021

Nhiều kiến nghị đã được Sở Tài nguyên - Môi trường đưa ra nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai và quản lý tài nguyên, khoáng sản hiện nay.

Nhiều kiến nghị đã được Sở Tài nguyên - Môi trường đưa ra nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai và quản lý tài nguyên, khoáng sản hiện nay.
 
Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh hiện nay. Trong ảnh: Một nhà máy đang xây dựng tại Khu Công nghiệp Phú Hội
Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh hiện nay. Trong ảnh: Một nhà máy đang xây dựng tại Khu Công nghiệp Phú Hội
 
Những vướng mắc
 
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, trong năm 2020, Sở đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong hầu hết các lĩnh vực được giao.
 
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, quản lý khoáng sản, tài nguyên nước. 
 
Theo Sở, chính sách về đất đai hiện nay chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa rõ ràng, chứa đựng nhiều bất cập; còn nhiều cách hiểu khác nhau trong cùng một điều khoản của các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến khó khăn trong tham mưu thực hiện hồ sơ liên quan đến đất đai. 
 
Chẳng hạn, theo Sở, có sự mâu thuẫn giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản trên cùng đối tượng rừng và đất rừng phòng hộ và đây là nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hồ sơ cũng như thu hút đầu tư trên địa bàn mà chỉ số đất đai là một trong những thành phần để đánh giá.
 
Cùng đó, tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của tổ chức, hộ gia đình cá nhân trong tỉnh còn chậm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước về đất đai; việc phối hợp của các sở, ngành, địa phương lâu nay chưa đi vào thực chất, nhất là công tác xử lý các vi phạm trong quản lý đất đai; việc tổng hợp báo cáo, đánh giá các chương trình, nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai có số liệu chưa thống nhất và đồng bộ,
 
Theo Sở, số liệu báo cáo của các huyện, thành phố liên quan đến đất đai qua mỗi lần báo cáo là một số liệu khác nhau, không đầy đủ thông tin; một số địa phương chưa kịp thời gửi báo cáo lên Sở; có khi báo cáo sau tỷ lệ cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân còn ít hơn báo cáo trước. Cứ mỗi khi tỉnh yêu cầu báo cáo theo chuyên đề thì các huyện, thành lại chưa có số liệu, dẫn đến báo cáo thường không đúng thời gian quy định hoặc báo cáo qua loa cho xong việc. Nguyên nhân chính cũng từ công tác thống kê số liệu đất đai của các huyện, thành phố chưa thường xuyên cập nhật.
 
Cùng đó, sự gắn kết, đồng bộ giữa các quy hoạch của các ngành, lĩnh vực còn nhiều bất cập; sự phối hợp giữa các ngành trong công tác thẩm định các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thực sự hiệu quả, thường ngành nào, cấp nào thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì thuộc về trách nhiệm của ngành đó, cấp đó; việc đảm bảo tính hợp lý giữa bản đồ với số liệu, cũng như giữa các ngành với nhau chưa được đề cao, dẫn đến việc thực hiện quy hoạch của mỗi ngành mỗi khác.
 
Sở cũng cho biết rằng công tác lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện hiện nay chưa thực sự hiệu quả, tỷ lệ thực hiện rất thấp (chỉ khoảng 15-22%); trong khi đề nghị bổ sung kế hoạch trong năm phát sinh mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc chung.
 
Trong lĩnh vực khoáng sản, theo quy định các đơn vị khai thác phải lắp đặt trạm cân và lắp camera giám sát tại vị trí đưa khoáng sản ra khỏi khu vực khai thác, tuy nhiên trong thực tế, hầu hết các khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, đá hiện nay đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, quy mô không lớn; tại một số điểm chưa có hệ thống điện, chưa có văn phòng, chưa kết nối được với mạng Internet nên việc triển khai quy định này gặp rất nhiều khó khăn.
 
Hay như việc nhiều đơn vị, hộ gia đình khi cải tạo mặt bằng để xây nhà, làm đường hay sản xuất nông nghiệp phát hiện có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường hay đào ao phát hiện than bùn, người dân, tổ chức không sử dụng hết nhưng không được phép bán ra ngoài thị trường. Điều này gây thất thoát nguồn tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước, cơ quan quản lý khó kiểm soát, hiện vẫn chưa có quy định đối với các trường hợp này.
 
Trong quản lý tài nguyên nước, do thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước, khí tượng thủy văn còn thiếu và phân tán, rất khó khăn trong quản lý và thẩm định hồ sơ cấp phép.
 
Những kiến nghị
 
Trước mắt Sở kiến nghị tỉnh cần nhanh chóng xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu tài nguyên - môi trường cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Sở cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường cấp huyện, thành; thực hiện thống kê, báo cáo công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường tại các huyện, thành phố theo quy định của pháp luật.
 
Sở cũng đề xuất UBND tỉnh giao các đơn vị chủ rừng sau khi được giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên phối hợp cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp, Hạt Kiểm lâm, UBND cấp xã thực hiện thống kê diện tích các hộ dân đang sản xuất nông nghiệp trong diện tích được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng bản đồ theo tiêu chuẩn ngành lâm nghiệp có thể sử dụng hệ thống định vị toàn cầu - GPS cầm tay, xác định rõ ranh giới giữa bản đồ và thực địa để các hộ ký xác nhận, làm cơ sở xử lý khi các hộ có lấn chiếm, phá rừng thêm. Đây cũng là một trong các biện pháp ngăn chặn người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng; vì khi lấn chiếm thêm đất rừng, diện tích đất sản xuất sẽ tăng so với diện tích trước đây đã ký xác nhận. Ngoài ra, văn bản này còn làm tài liệu, cơ sở xác định thời điểm sử dụng đất để xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp khi có hỗ trợ trồng xen cây đa mục đích, cây lâm nghiệp đảm bảo mật độ rừng trồng tối thiểu.
 
Ngành cũng đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương trong thời gian Nhà nước chưa có kinh phí để xây dựng phương án sử dụng đất, thực hiện đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đối với diện tích đã đưa ra ngoài lâm nghiệp theo Quyết định số 2016/QĐ-UBND; cho các hộ dân có nhu cầu thực hiện trích đo địa chính, trên cơ sở xác minh hiện trạng, nguồn gốc đất đai tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân mà không phải chờ phê duyệt phương án và đo đạc của Nhà nước.
 
Sở cũng đề nghị tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để lập hồ sơ, đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai làm tiền đề xây dựng hệ thống thông tin đất đai của tổ chức, hộ gia đình cá nhân.
 
Trong lĩnh vực khoáng sản, Sở kiến nghị tỉnh nên quy định mức thu, quản lý, sử dụng phí thẩm định, nghiệm thu thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; hướng dẫn lập dự toán kinh phí bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để làm cơ sở triển khai thực hiện. Tỉnh cũng nên có hướng dẫn về thu hồi, sử dụng đất dôi dư khi san gạt, cải tạo mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, đào ao.
 
Ngành cũng đề nghị tỉnh cho phép tiến hành khoanh định và công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để địa phương quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định, nhằm phát triển kinh tế, xã hội địa phương, thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước. Tỉnh cũng nên có hướng dẫn tính tiền cấp quyền khai thác cho các trường hợp trả lại một phần diện tích khai thác khoáng sản, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản; đồng thời xem xét, hướng dẫn lập dự toán kinh phí bảo vệ khoáng sản chưa khai thác hàng năm để làm cơ sở triển khai thực hiện.
 
VIẾT TRỌNG