Trò chuyện với những ''mục đồng'' chăn trâu

12:02, 12/02/2021

Hình ảnh "mục đồng" cưỡi trên lưng trâu thẩn thơ bên cánh đồng lúa vàng, nét chấm phá đặc trưng ở miền quê nghèo không ít người nghĩ đã dần trở thành quá vãng...

Hình ảnh “mục đồng” cưỡi trên lưng trâu thẩn thơ bên cánh đồng lúa vàng, nét chấm phá đặc trưng ở miền quê nghèo không ít người nghĩ đã dần trở thành quá vãng. Nhưng tại Lâm Đồng, vùng đất núi đồi mênh mông, thật hạnh phúc khi bạn có thể chứng kiến hình ảnh đàn trâu cả vài trăm con gặm cỏ dưới thung lũng, thong dong bên cạnh là mấy chú “mục đồng” tinh nghịch chơi đùa.
 
Hầu hết các “mục đồng” đều chăn trâu thuê có thâm niên từ 2-3 năm, có em làm nghề này đã gần 10 năm
Hầu hết các “mục đồng” đều chăn trâu thuê có thâm niên từ 2-3 năm, có em làm nghề này đã gần 10 năm
 
Khi máy móc cơ giới len lỏi vào những cánh đồng xa xôi nhất thì đàn trâu tại mảnh đất Nam Tây Nguyên vẫn còn khá đông đúc bởi nó gắn với văn hóa, tập tục lâu đời của bà con đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, chúng vẫn là “đầu cơ nghiệp” của không ít gia đình, bên cạnh đàn bò, đàn dê,...
 
Ngày cuối năm 2020, tôi có dịp về một số thôn, xóm trên địa bàn huyện Đức Trọng, bởi nghe ở đây có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nuôi trâu. Ở vùng đất mà ruộng lúa xen với núi đồi, nương rẫy, các gia đình thường thả trâu gộp lại thành đàn lớn lên tới cả trăm con ngoài đồng, nhìn rất bắt mắt.
 
Người dân nuôi trâu đa số đều là các hộ có truyền thống nuôi trâu trước đó. Nhà nuôi ít cũng 5-10 con, nhiều thì khoảng 50-70 con nên thường phải thuê người chăn thả mỗi ngày. Và người chăn trâu không ai khác chủ yếu là các chú “mục đồng”, số còn lại là người già làm việc này trong lúc nhàn rỗi. Có nhiều “mục đồng” được thuê như vậy, chăn nhiều rồi trở thành cái nghề hẳn hoi với lũ trẻ.
 
Như cánh đồng lúa thôn Phú Bình (huyện Đức Trọng) mới gặt được khoảng 1 tháng nay dọc con đường vào thác Pongour, vùng đất đồng bào K’Ho bản địa gọi là Chơrông Tampo. Tại đây, tôi có dịp ngắm đàn trâu to, nhỏ bình thản gặm cỏ trên cánh đồng nước xấp xấp, chỉ còn gốc rạ khô. Nếu men theo trục đường Quốc lộ 28B vào các xã Tà Năng, Đa Quyn,… du khách cũng có thể bắt gặp cảnh tượng lạ mắt như trên, bởi có lúc đàn trâu tụ lại đến gần 200 con dưới đồng lúa hay dưới thung lũng cỏ xanh bên hồ Đại Ninh.
 
“Mục đồng” K’ Đại (ngồi sau) và K’Mi đùa vui cưỡi trâu ra cánh đồng những ngày cuối năm
“Mục đồng” K’ Đại (ngồi sau) và K’Mi đùa vui cưỡi trâu ra cánh đồng những ngày cuối năm
 
Lân la dưới đồng gần 30 phút, tôi làm quen được K’Huynh (14 tuổi) và K’Đại (11 tuổi, em trai K’Huynh), hai “mục đồng” có thâm niên hơn 2 năm làm nghề chăn trâu. Mới hơn 7h giờ sáng, hai anh em mỗi người nhận chăn thuê cho 1 chủ bắt đầu lùa hơn 80 con trâu lớn bé ra cánh đồng. 
 
Khi đàn trâu của hai anh em K’Huynh, K’Đại tới đoạn đường bê tông trong xóm thì gặp thêm 2 đàn khác của hai “mục đồng” K’Mi và Ha Luân, ước chừng cũng gần 70 con. Chúng nhanh chóng nhập lại làm 1 đàn lớn đông đúc chắn hết cả đường đi của người dân vào thác Pongour trong ít phút.
 
Lo lùa đám trâu tỏa ra cánh đồng êm xuôi, K’Huynh nhảy phốc lên lưng 1 con trâu đầu đàn, rồi “mục đồng” này vừa lai dắt trâu, vừa vui vẻ kể: “Chỉ riêng tại thôn Phú Bình có 7 hộ chăn nuôi trâu, tính sơ sơ cũng trên 200 con lớn, nhỏ. Em chăn đàn lớn nhất ở đây, còn thằng Đại chăn đàn nhỏ hơn một chút. Khi chăn thì cả bọn nhập đàn chăn chung nhưng tối đến đàn nào về đàn đó, trâu rất nhớ chuồng và không bao giờ đi lạc đàn”. 
 
Theo kinh nghiệm của nhóm “mục đồng”, thường 7-8 giờ sáng cả nhóm gọi cho nhau cùng lùa trâu ra đồng hay trên đồi cỏ, cho trâu ăn khi nào bụng căng tròn thì lùa về lại chuồng. Chăn trâu lâu cũng quen dần, chỉ cần chú ý không để chúng vào vườn rau của người dân phá phách. Khi nào trâu có biểu hiện ốm đau, trâu chạy đồng lạc mất hay trâu sắp đẻ thì alo báo cho chủ trâu biết trước.
 
Cánh đồng lúa yên bình với đàn trâu gần 200 con tại thôn Phú Bình, xã Phú Hội
Cánh đồng lúa yên bình với đàn trâu gần 200 con tại thôn Phú Bình, xã Phú Hội
 
“Khi cánh đồng lúa gặt xong, những nhánh lúa non mọc lại trên thân những gốc rạ thì thả trâu ra đồng ăn. Trâu ăn mùa này mau mập nhất. Lúc trâu ăn thì bọn em ngồi tụ lại chơi dưới bóng cây mát, thi thoảng để ý không cho chúng ùa lên vườn rau, hoa trên đồi của người dân là được” - K’Huynh nhận xét.
 
Mục đồng K’Đại kể nhiều lần do ham chơi lỡ để trâu vào vườn hoa của người dân, bị chủ vườn quát mắng. Có lần họ cầm đá, gậy ném trâu bị thương nhưng cũng phải chịu. Nặng hơn thì bị họ tới nhà, bắt vạ chủ thuê đền mất mấy trăm ngàn đồng.
 
“Khi nào khan hiếm thức ăn, đồng đang lúa tốt thì tụi em phải đưa trâu đi tới vùng cỏ xa hơn, kể cả thả trong rừng tạp cách chuồng gần 3 km” - K’Đại nói. 
 
Tôi hỏi các “mục đồng” quanh năm chăn trâu như vậy thì học hành thế nào? K’Mi mới 12 tuổi nhưng chăn đàn trâu tới 53 con, thiệt thà nói: “Con học hoài không vô chú ơi, mới học hết lớp 3 thấy bạn bè đi chăn trâu thuê con đi thử. Chăn được mấy tháng thấy thích quá nên con bỏ học luôn”. K’Huynh thì khá hơn, học hết lớp 5; còn K’Đại học hết lớp 4 thì nghỉ học.
 
Già K’Long, người có uy tín tại xã Phú Hội cho biết tập tục nuôi trâu của người dân gắn với nghề nông từ bao đời nay, giờ thời hiện đại trâu không cày ruộng nương nhưng văn hóa đồng bào người K’Ho gắn với lễ nghi, cúng tế trâu thì vẫn còn đó. Với người K’Ho, trâu luôn là con vật quý và linh thiêng, nó giờ không chỉ giúp bà con có kinh tế ổn định, mà còn là vật hiến sinh cúng tế thần linh mỗi khi người K’Ho tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống của cộng đồng.
 
Nói về lũ trẻ chăn trâu, già K’Long bùi ngùi nói: “Chỉ tội nghiệp vì mê trâu, mê cái nghề thong dong ngoài đồng mỗi ngày mà mấy đứa nhỏ chịu cảnh thất học. Mong rằng, khi cuộc sống no đủ hơn, ý thức của người dân được nâng cao thì các bé không bị thất học nữa!”. 
 
Nhìn hình ảnh K’Đại, K’Huynh, K’Mi... mỗi đứa mỗi con trâu cưỡi đi khắp đồng, thi thoảng cặm cụi bắt bọ chét cho mấy chú nghé con mới hiểu vì sao bọn trẻ lại thích nghề chăn trâu đến vậy. Chỉ cần lớn tiếng gọi tên là con trâu đầu đàn ngoảnh lại với chủ, ngoan ngoãn cho bọn trẻ nhảy lên cưỡi, có con không cần dây thừng buộc mũi. 
 
Chiều xuống, đám nhỏ ngồi trên lưng trâu như kỵ sĩ lùa đàn trâu bụng no tròn rơm rạ trở về chuồng, trên đồng đàn cò trắng lơ thơ bay về tổ ấm. Bất giác tôi nghĩ miên man, hình ảnh “mục đồng” chăn trâu có thể khó bắt gặp hơn theo thời gian, nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ mất đi trên vùng đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ này.
 
CHÍNH PHONG