Bước chuyển mình ở xã thuần nông

05:10, 04/10/2021

Cùng với việc xây dựng nên thương hiệu Nếp quýt Ðạ Tẻh, người dân xã An Nhơn những năm gần đây đã có hướng đi đúng đắn, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng thu nhập ổn định, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

Cùng với việc xây dựng nên thương hiệu Nếp quýt Ðạ Tẻh, người dân xã An Nhơn những năm gần đây đã có hướng đi đúng đắn, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng thu nhập ổn định, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
 
 Anh Phạm Phú Thủy chuyển đổi sang trồng 3 ha sầu riêng, phát triển kinh tế, ổn định thu nhập
Anh Phạm Phú Thủy chuyển đổi sang trồng 3 ha sầu riêng, phát triển kinh tế, ổn định thu nhập
 
Nếu trước đây về xã An Nhơn (Đạ Tẻh) xuất hiện phần lớn diện tích là cây mía, lúa và rau ngắn ngày, sản phẩm chỉ tự cung, tự cấp, năng suất và chất lượng kém thì khoảng 3 năm nay, bà con trong vùng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
 
Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xã An Nhơn đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, giới thiệu giống cây trồng phù hợp mang lại kinh tế cao để địa phương dần “thay da đổi thịt”.
 
Với tổng diện tích đất nông nghiệp 2.666 ha, UBND xã đã vận động Nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi từ các loại cây lương thực kém chất lượng sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Trong 9 tháng đầu năm 2021, xã An Nhơn đã đầu tư tập trung vào các cây trồng chủ lực và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích vườn điều, vườn tạp hiệu quả thấp sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, tổng diện tích cây trồng lâu năm là 901,57 ha; trong đó, cây dâu tằm 12,6 ha, cây cà phê 25 ha, cây điều 470 ha, cây tiêu 0,4 ha, cây cao su 210 ha, tre tầm vông 50,87 ha và đặc biệt là chuyển đổi cây ăn trái 74 ha. Bên cạnh đó, UBND xã thực hiện các mô hình sản xuất, mô hình thích ứng của giống lúa ST25 diện tích 2 ha, chương trình lúa chất lượng cao ST24 diện tích 48 ha, sản xuất lúa VietGAP 400 ha các mô hình sản xuất có hiệu quả và cho năng suất cao trên 54 tạ/ha... 
 
Ông Lưu Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho biết: “Đảng bộ xã nhận thức sâu sắc rằng, với số dân sống chủ yếu ở khu vực nông thôn nên nông dân sẽ là người trực tiếp thụ hưởng những thành quả từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chính vì lẽ đó, mà trong những năm gần đây địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trồng sầu riêng, dâu tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có được kết quả nêu trên chính là một chặng đường dài nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập của người dân mà Đảng ủy, UBND xã An Nhơn đã cụ thể hóa bằng nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện”.
 
Đơn cử tại Thôn 1, anh Phạm Phú Thủy được nhiều người biết đến bởi tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi và thành công từ mô hình trồng sầu riêng, năm đầu tiên thu hoạch trên 1,5 ha cho khoản thu nhập gần 300 triệu đồng.
 
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thủy cho hay, trước đây, trên diện tích đất canh tác của gia đình, anh chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như bắp, khoai, mía. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá mía thấp dần, bắp và khoai sản lượng giảm, giá cả bấp bênh, hiệu quả không cao. Qua quá trình tham quan, học hỏi và chắt lọc từ các mô hình kinh tế ở một số nơi, nhận thấy đất đai ở đây màu mỡ, phù hợp trồng cây ăn trái, năm 2016, anh đã bàn với gia đình mạnh dạn chuyển hướng sang trồng cây sầu riêng chuyên canh với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 
 
Sầu riêng được anh đầu tư bài bản với chi phí đến cả trăm triệu đồng cho hệ thống tưới nước tự động và giống cây. Mới đầu trên 1,5 ha anh trồng thử nghiệm gần 100 cây giống được mua từ Đồng Nai về. Sau khi nhận thấy sầu riêng “bén rễ”, thích nghi tốt với môi trường, khí hậu của địa phương, hai năm sau anh tiếp tục trồng hết 1,5 ha sầu riêng như hiện tại. Với cách làm này, anh vừa chuyển đổi được cây trồng, vừa bảo đảm được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
 
Theo UBND xã An Nhơn, nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong xã được cải thiện rõ rệt. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 0,74%, thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/người/năm.
 
“Nhìn vào một thực tế cho thấy việc chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như dâu tằm, nhất là cây ăn quả đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Những loại cây này ít vấp phải tình trạng “được mùa mất giá” kéo dài. Tuy nhiên, xã cũng có những khuyến cáo cho bà con, không nên chuyển đổi một cách đột ngột nếu như quỹ đất sản xuất của mình hạn chế. Đặc biệt, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi diện tích cây điều, diện tích vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như dâu tằm, cao su, tre tầm vông và cây ăn trái”, ông Lưu Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.
 
THÂN THU HIỀN