Đơn Dương: Phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng

05:11, 02/11/2021

Dù đã chủ động xác lập nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh từ lâu nhưng cho đến nay, việc phát huy giá trị của sản phẩm đặc trưng trên địa bàn huyện Đơn Dương vẫn còn nhiều hạn chế.

Dù đã chủ động xác lập nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh từ lâu nhưng cho đến nay, việc phát huy giá trị của sản phẩm đặc trưng trên địa bàn huyện Đơn Dương vẫn còn nhiều hạn chế.
 
Quýt Phú Thuận (thị trấn Dran) được cấp văn bằng bảo hộ năm 2019
Quýt Phú Thuận (thị trấn Dran) được cấp văn bằng bảo hộ năm 2019
 
Đơn Dương là vùng rau thương phẩm có ưu thế và nhiều sản phẩm nông sản khá đa dạng, phong phú. Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng, hiện nay, nhiều sản phẩm rau, hoa của huyện Đơn Dương mang thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Từ năm 2009 đến nay, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Đơn Dương đã xây dựng được 6 nhãn hiệu, trong đó có 2 nhãn hiệu tập thể. 
 
Theo đánh giá, việc xây dựng nhãn hiệu đã góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hành chính nhà nước trên lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm sản xuất trên địa bàn. Qua đó, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xúc tiến thương mại, nâng cao uy tín và giá trị đối với sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện Đơn Dương trong tương lai. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh các giá trị văn hóa - xã hội, qua đó nâng cao uy tín sản phẩm nông sản gắn với địa danh Đơn Dương.
 
Ông Lê Bảo Chân - Chuyên viên Phòng Kinh tế hạ tầng cho biết, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp địa phương đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu mà trước tiên là đăng ký sở hữu đối với các thương hiệu của mình. Lý do chủ yếu là thương hiệu tạo cho người tiêu dùng sự an tâm về thông tin xuất xứ, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin, giảm thiểu rủi ro. 
 
Tuy nhiên, trên thực tế việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho tổ chức, cá nhân rất ít. Cụ thể, nhãn hiệu dứa Cayenne Đơn Dương hiện chỉ có Công ty TNHH Nông sản Đa Nhim đăng ký sử dụng, 2 nhãn hiệu tập thể Nấm bào ngư Đơn Dương và Bánh tráng Lạc Lâm được giao lại cho 2 tổ hợp tác quản lý nhưng hiện vẫn chưa có hộ nào sử dụng, nhãn hiệu Mác mác Đơn Dương xác lập từ năm 2016 đến nay chưa cấp cho một tổ chức, cá nhân nào. 2 nhãn hiệu Quýt Phú Thuận, nhãn hiệu củ năng Pró được cấp văn bằng bảo hộ năm 2019 cũng tương tự. 
 
“Một số điều kiện đi kèm như mẫu mã, hình thái, chất lượng, quy trình quản lý khi gắn nhãn hiệu sẽ làm chi phí sản xuất tăng lên. Trong khi đó quy mô sản xuất hiện nay còn nhỏ lẻ, sản phẩm theo mùa vụ, chủ yếu tiêu thụ tươi, chưa có nhà máy chế biến nên mức độ quan tâm của người sản xuất về các vấn đề liên quan đến chất lượng, năng suất sản phẩm và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu còn hạn chế”, ông Lê Bảo Chân cho biết thêm.
 
Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận được xác định là một lĩnh vực còn khá mới, tính liên kết và cộng đồng trách nhiệm của nhà sản xuất trong phát triển nhãn hiệu còn hạn chế, các hình thức chế tài thích hợp với các hành vi xâm hại quyền sở hữu và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chưa xác lập.
 
Theo bà Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, có nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan, từ công tác quản lý cho đến năng lực của từng địa phương, doanh nghiệp. Ở nhiều địa phương, việc gắn nhãn hiệu đã được cấp quyền sử dụng lên sản phẩm chưa được doanh nghiệp quan tâm thực hiện, nhãn hiệu chưa tác động đến hoạt động kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu nhưng không sử dụng.
 
“Một phần là do các địa phương chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch phát triển cho từng nhãn hiệu cụ thể như tăng số thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu, quảng bá và phát triển thị trường, tổ chức quản lý chặt chẽ, tổ chức đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học và công nghệ, bảo vệ nhãn hiệu. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như hiện nay, rất khó để áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, các đảm bảo hệ thống quản lý chất lượng”, bà Nhâm cho biết thêm.
 
Để công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm nông sản đã xây dựng và nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, UBND huyện Đơn Dương xác định cần đầu tư vào công tác giống, mở rộng quy mô sản xuất, có sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật từ Nhà nước cùng với xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông hộ để góp phần hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, xuất khẩu của sản phẩm địa phương. 
 
Ngoài những sản phẩm đã được bảo hộ, trong giai đoạn 2021 - 2025, địa phương có kế hoạch phát triển thương hiệu Sữa bò Đơn Dương và Cà chua Đơn Dương. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phối hợp với cơ quan quản lý nhãn hiệu thực hiện việc kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông sản sản xuất trên địa bàn huyện. Đồng thời, đẩy mạnh tư vấn pháp lý, thông tin thị trường, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, gắn mã QR code…
 
HỒNG THẮM