Cấp phép xây dựng cho người dân - còn đó bất cập (bài 1)

08:01, 14/01/2022
Xác định việc giải quyết thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng cho người dân là vấn đề người dân rất quan tâm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức giám sát nội dung này tại các địa phương trong tỉnh và Sở Xây dựng. Qua giám sát, nhằm lắng nghe tồn tại, khó khăn để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng mong đợi của Nhân dân.
 
Bài 1: Bất cập từ nhiều phía
 
Khảo sát thực tế tại một số địa bàn trọng điểm của tỉnh về lĩnh vực xây dựng, Đoàn giám sát cũng ghi nhận nhiều bất cập, tồn tại, hạn chế từ nhiều phía. Trong đó có cả yếu tố khách quan, chủ quan và cả từ ý thức chấp hành pháp luật của người dân. 
 
Ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đã thẳng thắn trao đổi về những vấn đề còn bất cập trong thủ tục cấp phép xây dựng hiện nay
Ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đã thẳng thắn trao đổi về những vấn đề còn bất cập trong thủ tục cấp phép xây dựng hiện nay
 
Ghi nhận tại thành phố Đà Lạt, nơi có tốc độ xây dựng rất cao, điều này là phù hợp với nhu cầu phát triển ngày càng cao của người dân, của thành phố và của cả nước. Việc cấp phép xây dựng ngày càng tăng, trung bình một năm trên 3 ngàn hồ sơ xin cấp phép xây dựng cần giải quyết. 
 
Tại thành phố Đà Lạt, tính từ năm 2016 đến ngày 30/6/2021, thành phố đã cấp phép 11.098 giấy phép xây dựng với tổng diện tích 953.874.587 m 2. Việc giải quyết thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng đạt tỷ lệ đúng hạn 98%. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. 
 
Tuy nhiên, trên thực tế, qua phản ánh của người dân và các cơ quan thông tấn báo chí, tình trạng công trình xây dựng sai phép, không phép vẫn còn diễn ra và không chấp hành xử phạt vi phạm hành chính. 
 
Theo ông Võ Ngọc Trình - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt: Nguyên nhân của những tồn tại trong cấp phép xây dựng đó là một phần do đặc điểm địa hình của Đà Lạt rất khác biệt, đồi dốc nhiều, đường quanh co, khiến việc xây dựng các quy định, tham mưu đề xuất các quy định còn lúng túng, bất cập, nên phần nào gây chậm trễ trong giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng cho người dân. Mặt khác, do quá trình xác minh hồ sơ theo quy trình đã hẹn có việc cập nhật các thông tin về thu hồi đất, thông tin về các khu quy hoạch chưa kịp thời, nên cũng gây khó khăn trong giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng. Trong quá trình ra giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được phê duyệt có nội dung: đề nghị tháo dỡ nhà hiện trạng trước khi tiếp tục thi công công trình, thu hồi giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, thực tế còn một số chủ đầu tư giữ lại phần nhà hiện trạng để ở tạm và làm kho chứa vật tư, nhưng khi công trình hoàn thiện lại không tháo dỡ nhà. Mặt khác, tại địa bàn, các đơn vị phường, xã không kiểm tra thường xuyên, yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ theo đúng nội dung giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được phê duyệt. 
 
Ghi nhận tại địa bàn huyện Đức Trọng, đoàn nhận thấy: UBND huyện đã quan tâm, chỉ đạo, tổ chức lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn như quy hoạch chung xây dựng thị trấn Liên Nghĩa, quy hoạch chung xây dựng thị trấn Fi Nôm - Thạnh Mỹ, quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các xã; đã tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 20 đồ án tại thị trấn Liên Nghĩa và 23 đồ án tại các xã, làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển, quản lý theo quy hoạch và cấp phép xây dựng cho các tổ chức và cá nhân; kịp thời ban hành và niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có thủ tục về cấp phép xây dựng để Nhân dân biết, thực hiện... 
 
Việc cấp phép xây dựng được thực hiện đúng quy trình, cơ bản giải quyết thủ tục đúng thời hạn (tỷ lệ đúng hạn đạt 99,63%); Tổng số hồ sơ đã được cấp phép thuộc thẩm quyền của UBND huyện từ năm 2016 đến hết tháng 6/2021 là 2.694 hồ sơ. Đối với các trường hợp giải quyết trễ hạn đều có thư xin lỗi người dân; không phát sinh khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực cấp phép xây dựng.
 
Tuy nhiên, thực tế tại Đức Trọng còn những tồn tại, hạn chế như: Quy hoạch phân khu chức năng chưa được phủ kín; quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng còn nhiều vị trí chồng chéo, không thống nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý cấp phép xây dựng và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân nhưng chưa kịp thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Công tác quản lý đối với những trường hợp được miễn cấp phép xây dựng có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ; việc am hiểu pháp luật về miễn cấp phép xây dựng của một số cán bộ, công chức ở cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn có mặt còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng trễ hạn trong cấp phép xây dựng (tỷ lệ trễ hạn còn 0,37%).
 
Tại thành phố Bảo Lộc - nơi có tốc độ phát triển nhanh những năm gần đây, địa phương cũng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố như: Quy hoạch chung xây dựng thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận, phê duyệt được 12 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, tổng diện tích đã lập quy hoạch phân khu là 5.305,71 ha, trong đó, diện tích quy hoạch phân khu trên địa bàn phường là 3.936,9 ha, trên địa bàn xã là 1.368,81 ha; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu xây dựng khoảng 61% diện tích; 172 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng với tổng diện tích 933,7 ha và 16 quy hoạch chi tiết xây dựng với diện tích 933,7 ha tại các xã, làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển, quản lý theo quy hoạch và cấp phép xây dựng cho các tổ chức và cá nhân. Xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành Quyết định 08/2016/QĐ-UBND ngày 01/2/2016 ban hành Quy định lộ giới và các chỉ tiêu chủ yếu về quản lý quy hoạch xây dựng đối với nhà ở, công trình riêng lẻ trên địa bàn các phường thuộc thành phố Bảo Lộc để làm cơ sở quản lý cấp phép xây dựng đối với các khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng ở các phường.
 
Thành phố cũng đã kịp thời công bố và niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có thủ tục về cấp phép xây dựng để người dân biết, thực hiện; thời gian cấp phép xây dựng được rút ngắn từ 15 ngày làm việc xuống còn 12 ngày làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Việc cấp phép xây dựng được thực hiện đúng quy trình, cơ bản giải quyết thủ tục đúng thời hạn (tỷ lệ đúng hạn đạt 99,94%); đối với các trường hợp giải quyết trễ hạn đều có thư xin lỗi người dân; không phát sinh khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực cấp phép xây dựng. 
 
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Quy hoạch phân khu chức năng chưa được phủ kín (còn 39% diện tích ở các phường chưa được lập, phê duyệt quy hoạch phân khu); quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng còn nhiều vị trí chồng chéo, không thống nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý cấp phép xây dựng và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân nhưng chưa kịp thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Công tác quản lý đối với những trường hợp được miễn cấp phép xây dựng còn chưa chặt chẽ; việc am hiểu pháp luật về miễn cấp phép xây dựng của một số cán bộ, công chức ở cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường còn hạn chế. Công tác tập huấn, bồi dưỡng về quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng còn hạn chế, nhất là đối với cán bộ phường, xã. Vẫn còn tình trạng trễ hạn trong cấp phép xây dựng (tỷ lệ trễ hạn còn 0,06%).
 
Theo đó, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đề nghị thành phố Bảo Lộc khẩn trương tổ chức lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị và điểm dân cư nông thôn trên địa bàn đảm bảo đúng thời hạn theo Kế hoạch số 7598/KH-UBND ngày 25/10/2021 của UBND tỉnh. Giải quyết tốt các nhu cầu về xây dựng của người dân, trong đó có lĩnh vực cấp phép xây dựng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cấp phép xây dựng, đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp phép xây dựng đạt mức độ 3, mức độ 4, để tạo thuận lợi cho người dân; thực hiện tốt việc quản lý sau cấp phép xây dựng và những trường hợp được miễn cấp phép xây dựng.
 
NGUYỆT THU