Tăng cường quản lý công tác khai thác khoáng sản

06:01, 12/01/2022
Ngành Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng đã đưa ra các giải pháp quyết liệt nhằm tăng cường quản lý khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, san gạt, cải tạo mặt bằng, xử lý các trường hợp trái phép, không phép trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.
 
Khai thác đá xây dựng của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng tại mỏ đá Cam Ly - Đà Lạt.
Khai thác đá xây dựng của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng tại mỏ đá Cam Ly - Đà Lạt.
 
TRÊN 4,7 TỶ ĐỒNG XỬ PHẠT VI PHẠM 
 
Theo Phòng Quản lý khoáng sản - Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện nay có 96 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong số này, Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp 6 giấy phép khai thác các loại khoáng sản như: cao lanh, bauxit, đá ốp lát. Còn lại 90 giấy phép do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp, chủ yếu khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. 
 
Với nguồn tài nguyên nước, thống kê của Sở cho biết, toàn tỉnh hiện có 30 hồ thủy điện, 220 hồ thủy lợi, 4 hồ tự nhiên; 504 đoạn sông, suối phải cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 293 giấy phép khai thác nguồn tài nguyên nước, trong đó Bộ cấp 28 giấy phép, số còn lại 265 giấy phép do tỉnh Lâm Đồng cấp.
 
Trước tình hình khai thác khoáng sản, khai thác nguồn tài nguyên nước trái phép, không phép xảy ra nhiều nơi trong tỉnh gần đây, cụ thể là việc khai thác khoáng sản như cát, đá, đất san lấp, khai thác vàng, cao lanh, san gạt, cải tạo mặt bằng, lợi dụng việc san, gạt mặt bằng để khai thác khoáng sản, lấn chiếm sông, suối, ao, hồ, san lấp ngăn dòng chảy, gây ảnh hưởng đến môi trường…, ngành Tài nguyên - Môi trường đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng cũng như các quy định của pháp luật.
 
Trong tháng 8/2021, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 4/8/2021 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Tài nguyên - Môi trường và Công an tỉnh trong quản lý, bảo vệ, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh. Ngành cũng cho tiến hành cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo qui định.
 
Ở cấp huyện, nhiều huyện, thành trong tỉnh trong năm 2021 vừa qua đã tăng cường kiểm tra, xử lý không ít các vụ vi phạm trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước. Tại Đơn Dương, qua kiểm tra, đã xử lý 36 trường hợp với tổng số tiền phạt 621 triệu đồng; Đà Lạt đã xử lý 50 trường hợp với tổng số tiền phạt 650 triệu đồng; Lạc Dương, ngành chức năng đã xử phạt 28 trường hợp với tổng số tiền phạt 500 triệu đồng; còn Di Linh cũng xử lý 6 trường hợp với tổng số tiền phạt 112 triệu đồng. Riêng Cát Tiên, một trong những điểm nóng về khai thác cát trên sông Đồng Nai, huyện đã xử phạt 44 trường hợp với tổng số tiền phạt 424 triệu đồng. 
 
Với cấp tỉnh, ngành chức năng tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên nước đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép. Trong lĩnh vực khoáng sản, trong năm 2021, đã xử phạt 5 đơn vị, tổng số tiền phạt 1,5 tỷ đồng với các hành vi khai thác ngoài ranh, vượt độ sâu, vượt công suất, không lắp đặt trạm cân và camera giám sát, không báo cáo định kỳ; yêu cầu các trường hợp này khắc phục các vi phạm. Lĩnh vực tài nguyên nước, các đơn vị chức năng cũng xử lý vi phạm 4 đơn vị với số tiền phạt 1 tỷ đồng vì khai thác nước, xả nước thải không có giấy phép.
 
NHỮNG GIẢI PHÁP 
 
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Phòng Quản lý khoáng sản Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng, vẫn còn rất nhiều tồn tại cần khắc phục trong quản lý khoáng sản, tài nguyên nước hiện nay. 
 
Trước nhất, đó là đội ngũ cán bộ chuyên trách về quản lý khoáng sản, tài nguyên nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện còn thiếu; ở cấp cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm. Cùng đó, còn một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa kịp thời nắm thông tin ngay từ đầu để xử lý, nhất là ở cấp xã, phường, để kéo dài, xử lý chưa triệt để, chậm hoặc chưa báo cáo, đề xuất các khó khăn, vướng mắc về cấp huyện và cấp sở; chưa xử lý trách nhiệm của người đứng đầu; chưa chuyển hồ sơ sang cơ quan để điều tra, xử lý; chưa vào cuộc xử lý các trường hợp mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ không có nguồn gốc hợp pháp, nhất là các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng vì đây là nơi tiêu thụ nhiều nhất. 
 
Chính vì vậy, theo ông Đức, trong thời gian đến, ngành và các địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành cùng các chỉ đạo của tỉnh trong lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước, san gạt, cải tạo mặt bằng. Các địa phương cần giao công an các xã, phường, thị trấn nắm chắc địa bàn, cử người thường xuyên kiểm tra các khu vực, vị trí có dấu hiệu khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, không phép, san lấp ao, hồ, sông, suối, ngăn dòng chảy để có biện pháp xử lý. Ngay cả các tổ chức, cá nhân dù đã được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng vi phạm các quy định cũng cần được xử lý ngay từ đầu, báo cáo ngay cho UBND các huyện, thành phố để chỉ đạo, xử lý kịp thời.
 
Đối với việc san gạt, cải tạo mặt bằng, Sở đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 5912/UBND-ĐC ngày 13/9/2019 và Thông báo Kết luận số 368/TB-UBND ngày 19/10/2020 cùng hướng dẫn thực hiện của Sở trong Văn bản 491/STNMT ngày 24/3/2020 cho đến khi có chỉ đạo mới của UBND tỉnh. 
 
Trong quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ cho phép san gạt, cải tạo mặt bằng, ông Đức lưu ý ngành chức năng cần xem xét kỹ hiện trạng, loại khoáng sản có trong khu vực, không giải quyết các trường hợp có dấu hiệu trục lợi để khai thác khoáng sản, chỉ giải quyết các trường hợp có nhu cầu chính đáng, đúng mục đích; tăng cường kiểm tra rà soát, đình chỉ, chấm dứt việc san gạt, cải tạo mặt bằng, các trường hợp lợi dụng để khai thác vận chuyển khoáng sản ra ngoài; giao UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc san gạt, cải tạo mặt bằng sau khi được UBND các huyện, thành phố cho phép thực hiện. Ngành sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định các trường hợp vi phạm nhiều lần, cố tình vi phạm, gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, thất thoát tài nguyên, đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao trong quản lý.
 
Cũng theo ông Đức, ngành chức năng thời gian đến sẽ có biện pháp tăng cường quản lý nghiêm việc nghiệm thu thanh toán, quyết toán các công trình xây dựng, giao thông; xem xét nguồn gốc hợp pháp của cát, đá, sỏi đã sử dụng; kiên quyết không nghiệm thu công trình đối với trường hợp khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; kiểm tra, rà soát các bến bãi tập kết, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, kiên quyết xử lý giải tỏa những bến bãi lập sai quy định để lợi dụng tiêu thụ cát, sỏi trái phép, không rõ nguồn gốc, đồng thời xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương giáp ranh, khi phát hiện có hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép trong vùng giáp ranh, thông báo ngay cho địa phương để xử lý.
 
 Đồng thời, cam kết tích cực tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và trên các phương tiện truyền thông đại chúng để kịp thời kiểm tra, xử lý, có phản hồi, thông báo kết quả kiểm tra, xử lý cũng như vận động hướng dẫn các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, các chủ đầu tư xây dựng công trình trong đó có các công trình xây dựng bằng vốn ngân sách không sử dụng vật liệu xây dựng không có nguồn gốc hợp pháp.
 
VIẾT TRỌNG