Phân định quy hoạch 3 loại rừng - còn đó những bất cập (kỳ 2)

04:06, 08/06/2022
[links()]
 
Kỳ 2: Dù khó vẫn quyết tâm thực hiện
 
Ghi nhận những mặt tích cực tại tỉnh Lâm Đồng, Trung ương đánh giá Lâm Đồng là một trong những địa phương triển khai nhanh hoạt động cho thuê rừng, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 322 dự án/307 tổ chức thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án phát triển rừng với tổng diện tích là 52.722 ha.
 
Rừng là tài nguyên quý giá cần giữ gìn, bảo vệ, quy hoạch bài bản, đó chính là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…
Rừng là tài nguyên quý giá cần giữ gìn, bảo vệ, quy hoạch bài bản, đó chính là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…
 
Tuy nhiên, Lâm Đồng cũng là địa phương thực hiện việc thu hồi rất nhiều, tổng số dự án đã bị thu hồi là 208 dự án với tổng diện tích là 30.469 ha. Nguyên nhân do chủ dự án không triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm các hoạt động; không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích thuê để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn...
 
Cùng với tỉnh Sơn La, Lâm Đồng được thực hiện thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ năm 2008, tiền đề để thực hiện chính sách chi trả DVMTR hiện nay, trong đó Lâm Đồng là tỉnh có nguồn thu DVMTR lớn, đứng thứ 2 cả nước (sau Lai Châu); mức chi trả cho 01 ha rừng đứng ở mức cao so với mức chi trả DVMTR bình quân cả nước. 
 
Những năm qua, tỉnh cũng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt công tác bảo vệ và phát triển rừng; sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên đã đạt được những kết quả nhất định, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt; số vụ vi phạm và diện tích rừng bị mất giảm dần qua các năm; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được kiểm soát chặt chẽ. 
 
Nhiều cơ chế, chính sách quy định trong lĩnh vực lâm nghiệp được ban hành mới, thay thế các quy định trước đây, đã tạo khung pháp lý đầy đủ, chặt chẽ để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng; chế tài xử lý vi phạm tương đối rõ ràng, nghiêm minh,…
 
Việc triển khai thực hiện Quyết định số 2016 và 503 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo độ che phủ rừng đến năm 2025 tối thiểu đạt 55%.
 
Mục tiêu rà soát, điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng là xác định cơ cấu đất lâm nghiệp phù hợp với các quy chế quản lý 3 loại rừng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hướng tới đảm bảo cơ cấu đất lâm nghiệp ổn định, nhằm thực hiện khôi phục rừng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
Với tổng diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 là 596.480 ha - đây là cơ sở để cơ quan chức năng lập các quy hoạch liên quan khác trong giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh. Theo đó, sẽ xây dựng các giải pháp phát triển rừng bền vững, rà soát, sắp xếp lại diện tích quản lý của các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng đảm bảo toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đều có chủ quản lý để tăng cường trách nhiệm của các chủ thể trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Sau điều chỉnh diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 319 ha so với trước điều chỉnh.
 
Có thể nói công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, triển khai thực hiện quy hoạch 3 loại rừng là nhiệm vụ quan trọng, là cơ sở để triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng rừng và quản lý, sử dụng diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng đảm bảo hiệu quả và theo quy định của pháp luật. Đây là nhiệm vụ khó khăn, thực hiện trên địa bàn rộng lớn, phức tạp, liên quan đến quyền lợi của nhiều chủ thể khác nhau; đòi hỏi các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương cùng hỗ trợ, tham gia tích cực, có trách nhiệm trong suốt quá trình triển khai thực hiện mới đảm bảo độ chính xác cao, hạn chế thấp nhất đơn thư khiếu nại về sau. 
 
Để đẩy nhanh tiến độ, kết quả triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp; cơ cấu 3 loại rừng của tỉnh giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326 ngày 09/3/2022 và theo quy định của Luật Lâm nghiệp, đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo: đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố và các đơn vị chủ rừng rà soát diện tích đất, rừng theo đúng quy hoạch; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung các quyết định phê duyệt phạm vi ranh giới, diện tích đất, rừng giao các đơn vị chủ rừng Nhà nước quản lý. Đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn UBND các huyện, thành phố hoàn chỉnh phương án sử dụng đất đối với diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức theo quy định. Đề nghị Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và các cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát và khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện quy hoạch, kịp thời báo cáo và đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành và các địa phương trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo vệ và phát triển rừng. UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao theo hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh, cắm mốc ranh giới, diện tích giao cho các đơn vị quản lý rừng; khẩn trương hoàn chỉnh phương án sử dụng đất đối với diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
 
NGUYỆT THU