Hầu hết các ban quản lý, bảo vệ rừng và các hạt kiểm lâm của tỉnh Lâm Đồng hiện đang thiếu hụt nhân lực, khiến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng vốn đã khó khăn nay càng trở nên khó khăn hơn. Áp lực bảo vệ rừng đang đè nặng trên vai của không chỉ những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng mà cả trên vai của lãnh đạo chính quyền các địa phương.
|
Bàn kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng |
• MỘT KIỂM LÂM ĐỊA BÀN “GÁNH” 2 NGÀN HA RỪNG
Theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, mỗi địa bàn có rừng sẽ do một kiểm lâm địa bàn, là lực lượng chuyên trách phụ trách, theo dõi tình hình, tham mưu cho ngành và chính quyền sở tại về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Mỗi kiểm lâm địa bàn sẽ quản lý khoảng 700 ha rừng. Do thiếu cán bộ quản lý, bảo vệ và giữ rừng (QLBVR), nhiều kiểm lâm địa bàn đang phải làm việc gấp 2, 3 lần so với nhiệm vụ quy định. Đơn cử như ở Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Lâm Hà, Ban QLRPH Serepok, Ban QLR Phi Liêng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc..., kiểm lâm địa bàn đang phải quản lý đến hơn 2 ngàn ha rừng, rất khó có thể phân bố thời gian đủ để đi tuần tra, quản lý hết và hiệu quả. Với số lượng rừng như vậy, các cán bộ QLBVR nhẩm tính phải mất 2 tháng mới có thể quay lại tuần tra ở địa bàn cũ lần thứ 2.
Điều đáng buồn hơn nữa là trong tình hình đang thiếu nhân lực ngành Kiểm lâm và lực lượng QLBVR nghiêm trọng thì lại đang có hiện tượng có một bộ phận lực lượng làm công tác QLBVR xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác diễn ra khá phổ biến do áp lực công việc và chế độ chính sách chưa tương xứng. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, số lượng người làm công tác QLBVR xin nghỉ việc trong 5 năm trở lại đây là 96 người. Phân tích về nguyên nhân khiến nhiều người xin nghỉ việc và các đơn vị không thể tuyển dụng được cán bộ, được lãnh đạo các hạt kiểm lâm, ban QLBVR cho biết, do lương và các chế độ hỗ trợ thấp, trong khi đó áp lực công việc ngày càng cao...
Ban QLRPH Lâm Hà quản lý hơn 34.128,7 ha rừng phòng hộ và là địa bàn đang khá phức tạp, áp lực nhiều trong công tác QLBVR bởi diện tích rừng có người dân sinh sống và canh tác xen kẽ và xung quanh rừng nhiều, lại là điểm nóng về đất đai nên tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp tiềm ẩn nhiều phức tạp. Nhưng theo ông Võ Kim Lan - Phó Trưởng Ban QLRPH Lâm Hà, tính đến thời điểm này, đơn vị vẫn còn thiếu cán bộ mà không thể tuyển dụng được. Một số cán bộ trẻ vừa tuyển vào được thời gian ngắn thì do không chịu được áp lực công việc nên đã bỏ việc, trong khi đó, tại đơn vị cũng có một số cán bộ sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 978.120 ha; tổng diện tích đất có rừng 533.732 ha (chiếm 55,15%). Toàn tỉnh có 27 đơn vị chủ rừng nhà nước, gồm 8 công ty TNHH MTV lâm nghiệp, 13 ban quản lý rừng, 2 vườn quốc gia, 2 Ban Chỉ huy quân sự huyện,thành phố và 2 đơn vị thuộc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng thành lập 13 ban chỉ đạo, 1 ban chỉ đạo cấp tỉnh và 12 ban chỉ đạo cấp huyện. Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, so với chỉ tiêu biên chế hiện nay vẫn đang còn thiếu 100 người, trong đó lực lượng kiểm lâm thiếu 43 người và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng - các chủ rừng còn thiếu 58 người.
|
Tình trạng lao động xin nghỉ việc cũng xảy ra ở một số các đơn vị, Ban QLRPH khác trên địa bàn tỉnh. Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác QLBVR 7 tháng đầu năm, ông Võ Danh Tuyên - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mặc dù đang thiếu nhân lực trầm trọng, nhưng năm 2022, ngành Lâm nghiệp của tỉnh không nhận được hồ sơ thi công chức nào. Hiện tỉnh có khoảng 20 cán bộ sắp đến tuổi nghỉ hưu và đang đề đạt nguyện vọng sẽ nghỉ hưu trước tuổi nhưng ngành đã phải làm công tác tư tưởng, động viên tiếp tục ở lại công tác trong giai đoạn đang “khát” nhân lực mà chưa thể tuyển dụng được.
Trong khi đó, theo chia sẻ của nhiều cán bộ làm công tác QLBVR ở các địa phương, với đặc thù công việc của ngành Lâm nghiệp, ở độ tuổi hơn 50 thì thường sức khoẻ suy yếu và rất khó có thể đáp ứng hay làm tốt công tác quản lý, tuần tra địa bàn, nhất là với một diện tích rộng lớn như thế. Việc lao động hợp đồng xin nghỉ việc hiện đang trở thành điều dễ hiểu bởi áp lực công việc thì ngày càng tăng nhưng lương, chế độ đãi ngộ, hỗ trợ lại thấp.
|
Băng qua những cung đường gập ghềnh trơn trượt đã trở thành chuyện thường ngày |
•
CẦN GẤP MỘT CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ PHÙ HỢP
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Lịch - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc cho biết, hiện mức lương của người làm công tác QLBVR rất thấp, anh em lại thường xuyên phải sống xa nhà vì yêu cầu tuần tra ngày càng cao, công việc vất vả, rủi ro cao bởi thường xuyên phải đi tuần rừng cả ngày và đêm. Trong khi đó, các chính sách, cơ chế về bảo vệ và phát triển rừng ở cơ sở còn nhiều hạn chế, nên công tác bảo vệ rừng vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tế nữa là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng công việc rủi ro cao nhưng lại không đủ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ xử lý khi có vi phạm lâm luật. Riêng với lực lượng kiểm lâm, dù có đủ thẩm quyền, cơ chế hỗ trợ nhưng kiểm lâm địa bàn nhiều nơi phải phụ trách địa bàn của 2-3 xã, nên khó quán xuyến hết công việc được giao. Lương và các khoản trợ cấp của một nhân viên QLBVR chỉ trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, nếu không làm thêm những công việc khác thì không đủ sống, nói chi đến nuôi gia đình. Vì vậy mà hầu hết những người làm công tác này đều phải dành thời gian để làm nông và một số công việc khác.
Câu chuyện lao động giữ rừng bỏ việc không còn là chuyện của một hay hai đơn vị mà đã trở nên phổ biến. Đến hạt kiểm lâm hay ban QLR nào trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cũng được nghe và trở thành nỗi lòng của những người lãnh đạo. “Áp lực đang đè nặng lên vai những người còn lại, thời gian làm việc của anh em vì vậy mà cũng căng hơn, anh em cán bộ do thiếu người nên cũng đang phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc để có thêm người bám địa bàn”, ông Võ Kim Lan - Phó Trưởng Ban QLRPH Lâm Hà chia sẻ.
Bản thân phóng viên cũng đã có một số chuyến tham gia đi thăm rừng, tuần rừng cùng với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng và chứng kiến được những khó khăn, sự gian nan, vất vả của họ khi phải luồn lách trong những khu rừng rậm rạp, đối phó với rắn rết, vắt, ruồi vàng và nhiều nguy hiểm, rủi ro khác. Chia sẻ với tôi, anh Đào Duy Lâm - Trạm Phó Trạm Quản lý rừng Liêng Srônh, Ban QLRPH Serepok (huyện Đam Rông) cho biết: “Anh em chúng tôi thường sử dụng xe gắn máy đi tuần tra rừng, hầu hết đường rừng đều là những lối mòn nhỏ, nhấp nhô, trơn trượt và nguy hiểm nên tiền xăng được hỗ trợ so ra không đáng là bao so với hư hao phương tiện và số km đường rừng của số lượng 2 ngàn ha mà mỗi cán bộ quản lý, bảo vệ rừng hiện đang được giao phụ trách. Công việc khổ cực và tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, chính vì vậy mà hiện nay lao động trẻ là viên chức, thậm chí là công chức được tuyển dụng theo diện thu hút... cũng có những người đã nộp đơn xin nghỉ việc sau một thời gian ngắn”.
Nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh vừa thiếu vừa phập phù như vậy đã tồn tại một thời gian. Nếu không khắc phục được thực trạng này, sẽ rất khó bảo vệ rừng hiệu quả và bền vững. “Kiểm lâm là lực lượng thực thi pháp luật còn lực lượng bảo vệ rừng của các ban QLR, các công ty lâm nghiệp... đóng vai trò nòng cốt của các chủ rừng. Vì vậy, cần có sự quan tâm, sớm sửa đổi chính sách, hoặc có thêm những chính sách, chế độ đặc thù bổ sung hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng. Ở Ban QLRPH Phi Liêng, đầu năm có 19 cán bộ, người lao động, trong đó có 16 biên chế, thiếu 5 biên chế. Mới đây, có 3 người bị bắt liên quan đến vi phạm trước đây nên hiện tại chỉ còn 13 biên chế. Mặc dù Ban cũng đã thông báo rộng rãi tuyển biên chế nhưng hiện ngoài một số lao động đang làm việc theo chế độ hợp đồng thì vẫn chưa nhận được hồ sơ nào”, ông Lê Đình Thu - Phó Trưởng Ban QLRPH Phi Liêng tâm sự.
Chế độ lương hợp đồng của bảo vệ rừng chuyên trách có bằng đại học hiện khoảng 4,6 triệu đồng/tháng; cao đẳng, trung cấp khoảng 4,2 triệu đồng/tháng; lao động phổ thông khoảng 3,9 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, nếu đơn vị nào tiết kiệm được thêm khoản thu từ dịch vụ môi trường rừng thì hỗ trợ thêm từ 50-200 ngàn tiền xăng để đi tuần tra rừng. Số tiền này quá ít ỏi so với lượng công việc và những áp lực của lực lượng bảo vệ rừng”
Ông Lê Đình Thu - Phó Trưởng Ban QLRPH Phi Liêng
|
Thực tế, công tác bảo vệ rừng không chỉ của lực lượng kiểm lâm, các ban QLR mà là của toàn xã hội. Tuy nhiên, với vai trò là lực lượng nòng cốt, bài toán nguồn nhân lực cho ngành Kiểm lâm, các ban QLR cũng cần sớm được quan tâm giải quyết. Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, tiêu cực xuất hiện ở một số cá nhân là có, nhưng đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Do đó, không thể đánh giá tất cả cán bộ công tác trong lĩnh vực lâm nghiệp, kiểm lâm đều như vậy. Vẫn còn nhiều cán bộ kiểm lâm đang công tác, hi sinh thầm lặng để hoàn thành nhiệm vụ.
NGUYỄN NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin