Ở Đồng Nai Thượng, xã xa nhất của huyện Cát Tiên, hơn 10 năm nay có một nhóm gồm 8 “shipper” - những người chuyên chở hàng hoá, đồ ăn bằng xe gắn máy tới tận những rẻo nương đồi khó đi nhất để bán thực phẩm tươi ngon tới bà con hằng ngày. Người dân có thể mua bất cứ thứ gì mình cần thông qua các “chợ lưu động” này ngay từ 6 giờ mỗi sáng.
Chị Ka Khốt (thôn Bi Nao) mua 1 bịch đọt su su 10.000 đồng từ các “shipper” bán trước cửa nhà |
Đồng Nai Thượng những ngày cuối tháng 7 trời nóng rát, oi ả. Trên con đường bê tông nối với các thôn, buôn xa xôi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhiều chiếc xe cà tàng với lỉnh kỉnh các loại thịt, cá,… chạy chầm chậm rao bán hàng, sau đó tụ lại trước nhà một vài người đồng bào dân tộc Mạ ở thôn Bi Nao, cách trụ sở UBND xã Đồng Nai Thượng khoảng 200 m. Phụ nữ, trẻ em xúm xít chạy lại xem hôm nay các “shipper” từ thị trấn Cát Tiên chở vào thôn những mặt hàng gì rồi vui vẻ chọn mua ít đồ ăn cho bữa trưa.
Đã 8h sáng nhưng không khí nhộn nhịp chẳng khác nào một góc chợ nho nhỏ ở vùng quê. Chị Ka Khốt (31 tuổi, thôn Bi Nao) nói vui vẻ, mình vừa tự tay chọn mua 1 bịch rau cải xanh, nửa con cá diêu hồng nhưng chỉ tốn hơn 40.000 đồng. Cầm 2 bịch ni lông đựng đồ ăn mới mua, chị Ka Khốt cho hay, bà con tại đây thường có thói quen vào rừng hái các loại măng, rau nhíp, lá bép, nấm, bắt cá,… để phục vụ bữa ăn hàng ngày. Quanh nhà thì người dân trồng một số loại rau, củ, quả dễ trồng nhưng để có nhiều loại nông sản, nhất là thịt, cá các loại, những người bán hàng phải mua từ thị trấn Cát Tiên vào, có thể thoải mái lựa chọn hơn điểm chợ gần khu vực trung tâm xã.
“Tôi thường mua cải xanh, thịt heo và cá diêu hồng. Mỗi tuần mua 1 tới 2 lần. Từ lúc xuất hiện những chuyến xe mang nhiều thức ăn lên đây để phục vụ nhu cầu ăn uống cho bà con, bản thân tôi và cả những hộ gia đình xung quanh đều thấy rất thuận tiện. Họ mang tới tận cửa nhà bán lẻ, giá cũng không khác nhiều khi xuống điểm chợ gần xã, lại không mất thời gian đi lại. Nếu muốn ăn loại thịt, cá gì còn có thể gọi điện cho họ đặt trước ngày hôm trước”, chị Ka Khốt cho biết.
Vừa bán rau cải, mướp hương cho người dân khoảng 10.000 đồng/bịch, chị Phạm Thảo (35 tuổi, ngụ tại thị trấn Cát Tiên) người có hơn 10 năm cùng chồng và người thân trong gia đình chuyên làm nghề “shipper” thực phẩm từ thị trấn Cát Tiên vào xã vùng xa Đồng Nai Thượng cung ứng cho bà con, kể: “Nghề này chỉ vất vả lúc sáng sớm, rong ruổi các cung đường thôn, buôn từ 5 tới 9 giờ mỗi sáng, sau đó thời gian dư dả trong ngày khá nhiều mình có thể làm việc khác. Trước đây những năm 2000 đi bán hàng cho bà con cực lắm, đường sá khó đi nhưng giờ đã được nâng cấp, thay đổi rất nhiều”.
Chị Thảo chia sẻ để có đồ ăn tươi ngon, giá rẻ tới tay bà con và bán hết trong ngày, cứ đều đặn 5 giờ sáng vào các ngày trong tuần, hai vợ chồng chị với hai chiếc xe máy lại chạy đi tự tay lựa chọn mua sỉ rau, thịt, cá… từ thị trấn Cát Tiên, rồi chạy thẳng lên Đồng Nai Thượng cách 35 km đi khắp các ngóc ngách thôn, buôn để kịp bán thức ăn sớm cho bà con.
“Người đồng bào chủ yếu sống bằng làm nương, đi rẫy nên bữa ăn chủ yếu rau và măng rừng. Ở đây cũng có chợ nhưng đồ ăn sẽ không được tươi và ngon nên khi người dân họ muốn ăn thịt, cá tươi ngon nên mình phải mua từ thị trấn mang lên. Cứ 6 tới 7 giờ sáng, xe chạy ngang qua nhà dân nên họ rất thích” - chị Thảo nói.
Qua tìm hiểu, giá các mặt hàng ở đây chênh lệch không đáng kể, thậm chí ngang bằng giá bán dưới chợ miền xuôi, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân miền núi như rau xanh chỉ bán giá chênh lệch 1.500 - 2.000 đồng/bó; các loại thịt, cá được cân, chia sẵn tuỳ theo khối lượng từ chênh nhau khoảng 8.000 đồng/kg so với mua tại các chợ ngoài thị trấn. Bên cạnh các mặt hàng giá bình dân, người dân có thể điện thoại hẹn đặt trước, các “shipper” sẽ phục vụ tận nơi theo yêu cầu.
Giống như chị Thảo, anh Hà Hiền cũng gắn bó với nghề bán thực phẩm trên những nẻo đường Đồng Nai Thượng được 10 năm nay. Anh Hiền giãi bày: “Buôn bán ở miền núi tuy vất vả nhưng chúng tôi cảm thấy được an ủi khi san sẻ phần nào khó khăn với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ, giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa. Hiểu rõ đời sống khó khăn của người dân, chúng tôi sẵn lòng cho bà con mua nợ đến mùa thu hoạch nương rẫy... Qua nhiều năm, mình đã quá thân quen, duy trì mối quan hệ thân thiết, tình cảm gắn bó lâu dài với bà con nên không muốn rời xa nghề này”.
Ông K’Giắc - Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nai Thượng cho biết, hiện xã Đồng Nai Thượng có 443 hộ với 1.890 nhân khẩu; trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%. Từ năm 2017, địa phương được Nhà nước hỗ trợ và xây dựng mở một điểm chợ để phục vụ nhu cầu mua bán của người dân địa phương. Chợ hoạt động 6 giờ 30 sáng đến 17 giờ chiều. Theo ông K’Giắc, do các hộ dân sống cách điểm chợ còn xa, nên những người chuyên chở thực phẩm tới bán lẻ tận nhà người dân đã là một thói quen mua bán đặc thù của người dân vùng sâu, vùng xa.
C.THÀNH - T.HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin