Hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Tà Nung

02:09, 28/09/2022
Xác định tầm quan trọng của rừng, những năm qua, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung, TP Đà Lạt, đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, đồng thời thực hiện tốt việc trồng rừng, nhờ đó, đất trống, đồi trọc giờ được phủ một màu xanh.
 
Các hộ nhận khoán và lực lượng kiểm lâm họp bàn phương án tuần tra quản lý, bảo vệ rừng
Các hộ nhận khoán và lực lượng kiểm lâm họp bàn phương án tuần tra quản lý, bảo vệ rừng
 
Nằm cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 10 km về phía Đông Bắc, xã Tà Nung có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống khá đông. Rừng Tà Nung trải dài, giáp ranh với địa bàn huyện Lạc Dương và bao quanh các khu vực vùng ven Đà Lạt. Theo số liệu thống kê, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung được giao quản lý trên 6.740 ha rừng. Nhà nước không thể tự mình làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nếu không có sự chung tay của người dân. Chính vì vậy, để kêu gọi, động viên người dân nhiệt tình, trách nhiệm chung tay góp sức vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua, chính quyền đã giao “chìa khóa” bảo vệ rừng cho người dân thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trước đây, diện tích đất rừng trống ở Tà Nung thường bị người dân lấn chiếm, xâm canh sản xuất. Nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và bằng hình thức Nhà nước trồng rừng, giao cho người dân quản lý, chăm sóc mà rừng trồng phát triển ngày càng đảm bảo, các hộ giao khoán quản lý, bảo vệ rừng ý thức trách nhiệm cũng ngày càng cao hơn vì nguồn lợi từ rừng mang lại.
 
Không chỉ là khuyến khích, động viên về mặt tinh thần, thời gian qua, chính quyền thành phố nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống của bà con xã Tà Nung như đầu tư hỗ trợ vật chất, làm đường giao thông nông thôn, phát triển các mô hình kinh tế…, từ đó giúp người dân yên tâm giữ rừng.
 
Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung đã giao khoán cho 146 hộ dân và giao cho 1 đơn vị tập thể bảo vệ hơn 4.200 ha rừng. Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai, số tiền người dân trong xã nhận được từ dịch vụ môi trường rừng khá cao. Người dân có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình và có thêm động lực để chung tay góp phần bảo vệ rừng và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Cùng với đó, nhận thức của người dân trong xã về việc bảo vệ rừng cũng được nâng lên.
 
"Bây giờ khác rồi, rừng được coi như tài sản của gia đình, để mất rừng là không được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng nên bà con đều rất trách nhiệm giữ rừng, khi phát hiện khu vực nào có hiện tượng xâm hại, lấn chiếm rừng, bà con đều thông báo kịp thời với cán bộ kiểm lâm xử lý và ngăn chặn kịp thời”, Trưởng trạm quản lý, bảo vệ rừng Păng Tiêng, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung chia sẻ.
 
Cùng với việc nâng cao ý thức giữ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng động viên người dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Từ ngày có tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân vui vẻ, đồng thuận với các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cùng nhau đóng góp làm đường nông thôn mới, phát triển sản xuất, chăn nuôi…
 
Có thể nói rằng, từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng được người dân quan tâm và có chuyển biến đáng kể trong nhận thức về vai trò, vị trí của rừng trong đời sống và họ đã thực hiện bảo đảm hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ rừng. Số vụ vi phạm lâm luật như phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn giảm đáng kể. Đặc biệt, tình trạng đốt nương làm rẫy gây cháy rừng gần như không còn xảy ra trên địa bàn như trước đây. Có được kết quả này, có phần đóng góp quan trọng từ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng minh bạch, đúng đối tượng. 
 
NGUYÊN THI