Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cần sớm ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn

05:10, 13/10/2022
Việc Quốc hội tiến hành lấy ý kiến góp ý, sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) lần này nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống rửa tiền (PCRT). Qua đó, góp phần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
 
Đại biểu tham gia góp ý cho dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Đại biểu tham gia góp ý cho dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
 
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sau gần 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền (2012) và trong hơn một năm, kể từ khi bị áp dụng quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế FATF (từ tháng 3/2022 - 3/2023), Việt Nam sẽ phải khắc phục những thiếu hụt được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương, sau thời gian này, nếu Việt Nam không thể hiện được sự tiến bộ đối với 9 khuyến nghị đặc biệt về tài trợ khủng bố đang bị xếp hạng ở mức thấp hoặc trung bình và không đáp ứng các yêu cầu về cải thiện khuôn khổ pháp lý, Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách các nước có thiếu hụt nghiêm trọng về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt (gọi tắt là Danh sách Xám) theo danh sách công khai toàn cầu của FATF. Trong đó có nêu những thiếu hụt về khuôn khổ pháp lý, quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam không đáp ứng hoặc mới đáp ứng được một phần tại 27/40 khuyến nghị của FATF, trong 27/40 khuyến nghị này có 5/6 khuyến nghị cốt lõi. Đây là vấn đề cốt lõi cần quan tâm, sửa đổi trong việc sửa đổi luật lần này. Qua đó, nhằm rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa dự thảo Luật với các luật khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; lưu ý bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống khủng bố, pháp luật về phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
 
Hiện nay, các quy định chế tài đối với hành vi vi phạm về nghĩa vụ phòng, chống rửa tiền của các tổ chức tài chính hoặc phi tài chính trong việc nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; báo cáo giao dịch đáng ngờ… thực hiện theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP), nhưng các văn bản này hầu hết dựa trên tinh thần Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 nên một số nội dung về chế tài không phù hợp với dự án luật. Vì vậy, việc nghiên cứu, góp ý kiến điều chỉnh sửa đổi, bổ sung Luật là rất cần thiết nhằm bổ sung vào dự thảo Luật các biện pháp chế tài cụ thể. 
 
Tham gia góp ý, ông Hoàng Bình, thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH cho rằng: “Theo chúng tôi, quy định của dự thảo luật về thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền định kỳ 5 năm là quá dài, sẽ không theo kịp những diễn biến khó lường trong bối cảnh chung hiện nay của tình hình trong nước và thế giới. Do đó, chúng tôi đề nghị chỉ nên định kỳ hàng năm tương ứng với đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo quy định tại Điều 15. Đồng thời, với quy định khi có những diễn biến đặc biệt thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì đề xuất đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền đột xuất, đề nghị thay thế cụm từ phạm tội bằng cụm từ vi phạm pháp luật tại khoản 1 Điều 3 như sau: “1.Tài sản do vi phạm pháp luật mà có là tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hoạt động vi phạm pháp luật bao gồm cả phần thu nhập hay lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hoạt động này”.
 
Tham gia góp ý thiết thực gắn với nhu cầu thực tiễn cuộc sống, bà Lê Thị Hạ, thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật đề nghị bỏ các quy định tại điểm b, c khoản 2, sửa lại khoản 2 Điều 3 dự án luật như sau: “2.Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân được quy định trong Bộ luật Hình sự nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có”. Khoản 5 quy định: Giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày, có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức do Thủ tướng Chính phủ quy định. Tuy nhiên, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt thì thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến hiện nay nhưng không được kiểm soát và không được phát hành hoặc kiểm soát bởi ngân hàng như Bitcoin, Ethereum, Terra, Litecoin và XRP… Việc giao dịch tiền ảo là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền, do vậy đề nghị cần nghiên cứu bổ sung loại hình giao dịch này.
 
Bà Lê Thị Hạ lưu ý: Tại khoản 1, Điều 33 (Dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản) quy định “1. Các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý”. Quy định này không rõ ràng gây lúng túng trong quá trình áp dụng. Nếu việc ủy quyền không có cơ sở pháp lý thì việc giao dịch bất động sản này sẽ không hợp pháp và không được chấp nhận. Trên thực tế tình trạng ủy quyền trong lĩnh vực này diễn ra rất phổ biến và cũng có nhiều trường hợp do người tham gia giao dịch chưa hiểu rõ về thủ tục ủy quyền, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân, thường là tình trạng lướt sóng, nên đề nghị cần phân biệt rõ trường hợp nào là đáng ngờ trong hoạt động rửa tiền. 
 
Liên quan đến báo cáo giao dịch đáng ngờ: Theo quy định tại Điều 26 dự thảo luật thì các đối tượng báo cáo phải thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền, trong đó quy định cụ thể các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản cũng như các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng, trung gian thanh toán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, trò chơi có thưởng. Như vậy, khối lượng báo cáo là tương đối lớn trong khi quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ.
 
Ngoài ra, có nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị thành viên về trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
 
NGUYỆT THU