Đam Rông: Phát huy thế mạnh tiềm năng để xây dựng các sản phẩm OCOP

06:10, 11/10/2022
Xác định thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất, thời gian qua, huyện Đam Rông đã có nhiều cách làm trong xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP.
 
Sản phẩm chuối Laba đạt chuẩn OCOP hàng 4 sao tỉnh Lâm Đồng của HTX Laba Banana xã Đạ K’nàng
Sản phẩm chuối Laba đạt chuẩn OCOP hàng 4 sao tỉnh Lâm Đồng của HTX Laba Banana xã Đạ K’nàng
 
Là địa phương có nhiều tiềm năng về nguồn nông sản, huyện Đam Rông đã lựa chọn những sản phẩm có lợi thế để phát triển thành sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện đã xây dựng được 6 sản phẩm OCOP và đang tiếp tục xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng thành sản phẩm OCOP.
 
Theo chân cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông, chúng tôi đến thăm Tổ hợp tác (THT) Dứa mật Rô Men, xã Rô Men thời điểm các thành viên đang tất bật với công việc chăm sóc cũng như thu hoạch dứa để kịp cung ứng đơn đặt hàng. Anh Nguyễn Văn Thanh (Thôn 4, xã Rô Men) - một thành viên của THT chia sẻ: Được sự hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng UBND huyện Đam Rông, từ năm 2021 sản phẩm trái dứa tươi của THT đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao. Theo anh Thanh, trước đây, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các thành viên còn mang tính tự phát, thiếu tính liên kết, và nhất là giá cả trái dứa chưa ổn định. Nhưng khi sản phẩm trái dứa đã đạt chuẩn, có thương hiệu, nhiều bạn hàng trong và ngoài tỉnh đã tìm đến thu mua, ký hợp đồng tiêu thụ. Nhờ đó, các thành viên trong THT đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, sản lượng bán hàng tăng 15%, doanh thu tăng 20%, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
 
Trong khi đó, tại Hợp tác xã (HTX) Laba Banana Đạ K’nàng, từ nhiều năm trước, sản phẩm chuối Laba của HTX đã lên đường xuất ngoại sang thị trường Nhật Bản. Anh Nguyễn Huy Phương - Giám đốc HTX cho biết: Ngay từ những thời điểm đầu tiên khi thực hiện việc chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng chuối Laba, HTX đã lựa chọn quy trình sản xuất công nghệ cao, tuân thủ theo đúng yêu cầu từ các đối tác Nhật Bản để xuất khẩu. Đến nay, việc xuất khẩu chuối Laba sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Malaysia vẫn đang được HTX duy trì với số lượng tương đối lớn. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh về diện tích sản xuất như hiện nay, ngoài thị trường xuất khẩu thì thị trường trong nước cũng đang là hướng đi chính được HTX quan tâm. Chính vì vậy, từ năm 2019, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng huyện Đam Rông, HTX đã mạnh dạn đăng ký hồ sơ để được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng. Và, đến năm 2020, sản phẩm chuối Laba của HTX đã được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 4 sao. Đây là cơ sở để HTX đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước. Qua đó, sản phẩm chuối Laba của HTX hiện đã có mặt tại hầu hết các chuỗi siêu thị lớn trong nước. 
 
Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện Đam Rông đã có 10 chủ thể đăng ký phát triển sản phẩm và đã có 6 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao là cà phê phin Pilobusta của Công ty Cổ phần sản xuất Globeans và sản phẩm chuối Laba của HTX Laba Banana xã Đạ K’nàng; 4 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Hạt mắc ca sấy của Cơ sở mắc ca Hội Dung, quả sầu riêng của Trang trại Dũng Đẹp, quả dứa mật của THT Dứa mật Rô Men và sản phẩm Trà dây leo của Cơ sở Lê Thị Huệ. 
 
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông cho biết: Trong giai đoạn 2018 - 2020, trên địa bàn huyện Đam Rông đã huy động kinh phí thực hiện chương trình OCOP là 1.264,96 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ là 668,51 triệu đồng; kinh phí đối ứng của các chủ thể thực hiện các dự án phát triển sản phẩm OCOP là khoảng 596,45 triệu đồng. Thông qua việc tham gia chương trình, các chủ thể sản xuất đã hiểu rõ được lợi ích của chương trình, giúp chủ thể hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới.
 
Theo ông Nguyễn Văn Chính, có được kết quả trên, thời gian qua, huyện Đam Rông đã triển khai Chương trình OCOP đến các xã, thị trấn, các chủ thể sản xuất thông qua các cuộc họp triển khai sản xuất ngành Nông nghiệp, lồng ghép các cuộc tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn cho các chủ thể từng bước hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX, THT và hộ gia đình mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại địa phương để có nhiều sản phẩm tham gia OCOP. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh. 
 
Trong thời gian đến, để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, huyện Đam Rông đang tập trung cho 2 nhóm sản phẩm. Đối với các sản phẩm đã được công nhận OCOP, huyện chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng để hỗ trợ chủ thể sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đối với sản phẩm tiềm năng, huyện sẽ ưu tiên các sản phẩm chế biến, chế biến sâu và các sản phẩm truyền thống gắn với tiềm năng lợi thế của địa phương. Từ đó, tập trung hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với chuỗi giá trị. 
 
HOÀNG SA