Tôi được sống - những điều bình dị thiêng liêng

VÕ THU HƯƠNG 12:23, 30/04/2023

“Tôi được sống” - một điều chân thành tưởng như rất đỗi bình dị ấy trong không ít hoàn cảnh lại là điều thiêng liêng. Với người lính đi qua những lằn ranh sinh tử, từng có những lúc tưởng như cầm chắc cái chết thì “được sống” gói trọn cả bao hạnh phúc, lí tưởng trong đó. Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến, người chiến sỹ từng hai lần vượt Trường Sơn trong những năm tháng khốc liệt đã viết lại câu chuyện của chính mình. “Tôi được sống” - truyện và ký của anh đã đạt tặng thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh 2023 vừa ra mắt độc giả trong những ngày tháng Tư có ý nghĩa lịch sử này.

Bìa sách Tôi được sống
Bìa sách "Tôi được sống"

Đạo diễn, nhà văn Nguyễn Ngọc Hiến (Tư Diệu) quê Quảng Ngãi, vùng đất anh hùng. Tháng 10/1954, anh tập kết ra Bắc theo diện con cán bộ, được Đảng, Bác Hồ và Nhân dân miền Bắc nuôi dạy ở các trường học sinh miền Nam. Năm 1964, anh tốt nghiệp đại học Tổng hợp Toán và như bao thanh niên thời chiến bấy giờ, anh làm đơn xin đi chiến trường miền Nam, trở về chiến đấu cho quê hương mình.
Đến Trung ương cục, theo nguyện vọng được về chiến trường ác liệt nhất, anh được bố trí xuống khu Sài Gòn - Gia Định căn cứ ở Củ Chi, được giao làm công tác giáo dục, sau chuyển qua công tác điện ảnh. Anh được Ban Tuyên huấn Phân khu I giữ lại bám trụ làm phóng viên Báo Khởi nghĩa và Phân xã Thông tấn. Tháng 7/1970, anh bị thương nặng, được đưa ra Bắc điều trị và được Ban Tổ chức Trung ương cục giao nhiệm vụ kết hợp dẫn đoàn K124 các cháu thiếu nhi vượt Trường Sơn ra Bắc học tập. Tuổi thanh xuân của anh hai lần vượt Trường Sơn với hai sắc thái tâm trạng và hoàn cảnh khác nhau. Hòa bình lập lại, mang theo những vết thương nặng khắp cơ thể với một gương mặt bị biến dạng bởi chiến tranh, anh trở về, trở thành đạo diễn điện ảnh, truyền hình nổi tiếng - Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Anh viết tiếp những trang mới cuộc đời bằng những thước phim và trang viết.
Ở những vị trí công việc, những trải nghiệm đáng quý ấy, anh có nhiều chất liệu quý để khi kể lại những tháng ngày đã qua trên trang sách, không cần bằng biện pháp nghệ thuật nào, chỉ bằng sự thật cũng đủ sức hấp dẫn độc giả.
“Tôi được sống” bắt đầu bằng những ngày tháng sống trong chiến dịch Mậu Thân khắc nghiệt. Những lần đứng bên bờ vực sinh tử như: bị đạn bắn nát mặt, vết thương bị hoại tử không thể khâu vết thương, rơi lọt giữa hầm chông may mắn không bị chông đâm trúng, đạp phải dây mìn suýt nổ, hôn mê sâu tưởng như chết đi sống lại nhiều lần… Bên những cơn đau đến mê man bất tỉnh luôn là ân tình của đồng đội, của du kích địa phương, các má, các chị mà người lính vẫn cảm nhận rất rõ kể cả khi đối mặt với tử thần: “Đêm hôm đó, má Hai thức trắng đêm may cho tôi một bộ quần áo mới và chiếc gối mới”.
 Câu chuyện của Tư Diệu không phải là câu chuyện của riêng anh nữa, mà của bất cứ người chiến sỹ quả cảm nào đã sống trong lòng chảo lửa đất thép Củ Chi, Tây Ninh vào những năm tháng chống Mỹ khốc liệt, của bất kì ai bước chân trên dải Trường Sơn trong những tháng ngày ấy.
Tác giả cuốn sách này chia sẻ: “Những năm tháng công tác và chiến đấu ở chiến trường gian khổ ác liệt, tôi được chứng kiến và được trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của chiến sỹ và Nhân dân Việt Nam. Hàng ngàn chiến sỹ du kích, cán bộ và Nhân dân đã hy sinh. Đội du kích xã An Tịnh thời kỳ năm 1970 lúc tôi về đó viết bài đã hy sinh hết, không còn một ai. Đặc biệt là chúng tôi được Nhân dân che chở để bám trụ và cứu sống khi bị thương. Công ơn trời biển và thầm lặng đó của các mẹ, các chị, của chiến sỹ và Nhân dân miền Nam ngày nay có nguy cơ dần bị lãng quên”.
Chính vì điều giản dị mà hết sức thiêng liêng đó mà dù thừa nhận mình “ngoại đạo trong lĩnh vực văn học”, tác giả Tư Diệu vẫn cố gắng ghi chép tư liệu, thể hiện bằng những truyện và ký mà mình khắc ghi trong lòng sau hàng chục năm cuộc chiến đấu đi qua. Ghi dấu lại quãng thời gian sống trong những tháng ngày hào hùng và sự đùm bọc che chở của Nhân dân, với hy vọng giúp bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc chiến đấu hy sinh anh dũng của các chiến sỹ và Nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ở tuổi trên dưới 80, việc ghi chép lại những câu chuyện của hơn 50 năm về trước là thử thách với một người đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt, là thương binh hạng 3/4 mang trong người di chứng những vết thương, tác giả chia sẻ: “Viết là một công việc khó nhọc không khác gì một trận chiến phải đối mặt vượt qua bằng sự kiên trì nhẫn nại từng chút một nhưng tôi thật sự hạnh phúc khi được chia sẻ những hồi ức của mình đến bạn đọc”.
Tuy vậy, xuyên suốt tác phẩm truyện và ký Tôi được sống của tác giả Nguyễn Ngọc Hiến, lối viết thật thà cùng những góc nhìn bao quát, sinh động đầy kinh nghiệm của một đạo diễn có tiếng, thêm những tư liệu hình ảnh quý mà anh giữ được đã làm nên hồn cốt cho tác phẩm. Đọc Tôi được sống, có thể nhìn thấy sau những trang sách là những tư liệu quý như kỷ vật, có sức sống vượt thời gian. Sẽ không quá lời khi ví Tôi được sống như một không gian bảo tàng về những tháng năm khốc liệt được dựng bằng chữ và hình ảnh mà đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến tạo dựng theo cách của mình.
Nhà văn Thạch Cương đánh giá: “Đây là tác phẩm được soi sáng bởi hiện thực. Tôi đã từng chui hầm cùng Tư Diệu, bên trên là bước chân địch đi càn, bên dưới hầm ngập nước, toàn thân phía dưới chìm trong nước, tay cầm súng ngắn và tay bồng giơ lên cao cho khỏi ướt. Tay chúng tôi còn cầm cả lựu đạn đã rút chốt, sẵn sàng hy sinh nếu địch phát hiện ra mình. Lại có lần, chúng tôi bị tên bảo vệ chiêu hồi chỉ điểm. Anh em ở phía dưới, bên trên máy bay chiêu hồi vọng loa xuống gọi tên Tư Diệu, tên tôi... Những câu chuyện, những khoảnh khắc sinh tử ấy được anh ghi lại đầy sống động, xúc động trong Tôi được sống”.
Từ tác phẩm và cuộc đời của Tư Diệu, nhà văn, đạo diễn Tô Hoàng nhìn chung về cả một thế hệ chiến sỹ - nghệ sỹ đã từng sống trong bom đạn: “Phẩm chất của người chiến sỹ văn hóa thể hiện rất rõ trong từng trang sách “Tôi được sống”. Cái tầm của người chiến sỹ văn hóa cũng phải bằng người chiến sỹ chiến đấu trên mặt trận. Hiến nói riêng, chúng tôi nói chung không được phép hèn, khi xung quanh mình là những chiến sỹ đang đổ máu xương, các chị, các mẹ cũng dũng cảm, hy sinh vì mình, vì Tổ quốc. Tác phẩm này khắc họa rất rõ chân dung không chỉ một người chiến sỹ văn hóa mà còn thấy được cả một thế hệ nghệ sỹ - chiến sỹ xếp bút nghiên theo tiếng gọi thiêng liêng, thấy được cả gương mặt của cuộc chiến tranh Nhân dân, chiến tranh chính nghĩa, được Nhân dân ủng hộ”.
Theo PGS.TS Bùi Thanh Truyền, Tôi được sống (Nguyễn Ngọc Hiến) là một tập truyện - kí, một tư liệu quý về lịch sử chiến tranh của dân tộc của người vốn quen với công việc của một đạo diễn phim truyện, phim tài liệu. Chất điện ảnh nổi rõ, từ cách bố trí, chọn lựa đường dẫn câu chuyện đến cách lắp ghép tinh tế sự kiện quá khứ chiến tranh và đời thường bề bộn qua đó ý tứ thể hiện những suy ngẫm về hôm qua, hôm nay và mai sau.
Được sống và sống có ý nghĩa không chỉ trong chiến tranh mà cả suốt một chiều dài hòa bình. Khi đất nước lặng im tiếng súng vẫn có những cuộc chiến không kém phần khốc liệt. Người chiến sỹ văn hóa Nguyễn Ngọc Hiến năm xưa đã may mắn trở về dù mang nhiều vết thương nặng trên cơ thể và vượt lên chính mình, khẳng định mình trong nghề với rất nhiều bộ phim nổi tiếng: Người trong cuộc, Biển sáng, Thiên đường cho cô gái nhảy… và hàng chục phim tài liệu ý nghĩa. Câu chuyện của anh xứng đáng để chúng ta cùng chia sẻ, nhất là trong những ngày tháng Tư ý nghĩa này.