Niềm vui chiến thắng, nỗi đau nén lại!

TRẦN VĂN DŨNG 07:03, 02/05/2023

Tháng Tư, cả dân tộc Việt Nam không bao giờ quên được ngày của đoàn tụ, thống nhất non sông, đất nước; ngày của niềm vui chiến thắng. Mọi người, mọi nhà vui vẻ, quây quần bên nhau, nhưng cũng có hàng triệu gia đình, người thân phải nén lại những nỗi đau, mất mát để sống, cống hiến, hướng tới những ước mơ, khát vọng và niềm tin tốt đẹp hơn!

Liệt sỹ Lê Thị Bin (Hà Lĩnh, Hà Trung, Thanh Hóa)
Liệt sỹ Lê Thị Bin (Hà Lĩnh, Hà Trung, Thanh Hóa)

Quê tôi là một vùng đất chiêm trũng của xứ Thanh anh hùng. Nơi đó đã bao lần tiễn chân những người con ưu tú lên đường chiến đấu, cống hiến cho Tổ quốc vinh quang. Nơi đó, tôi cũng đã từng chứng kiến những người thân của quê hương mình ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nhưng họ đã không có ngày trở về! Nỗi đau đó đã dằn vặt biết bao nhiêu người cha, người mẹ gần năm mươi năm qua. Hôm nay, nhìn những thay đổi của quê hương, đất nước, thấy lòng mình thanh thản, tự hào biết bao!

Bố mẹ tôi sinh ra tám người con, trong đó, tôi là con út. Ngày tôi ra đời cũng là ngày chị tôi nằm lại trên cánh rừng Trường Sơn cùng với nhiều đồng đội của mình. Chị tôi cũng như bao người phụ nữ khác lúc bấy giờ, khi Tổ quốc cần, chị đã không tiếc tuổi thanh xuân của mình. Chưa có một mối tình, một lời ước hẹn, một nụ hôn đầu đời,… chị đã xung phong lên đường nhập ngũ. Và rồi, chị đã một đi không trở về! 

Chị không về! Đây là sự mất mát rất lớn, để lại nỗi đau không thể nào quên đối với gia đình, nhất là với mẹ tôi. Lúc còn nhỏ, tôi chưa thể hình dung hết những nỗi đau thương, mất mát ấy. Lớn lên một chút, nghe các anh, chị tôi kể lại: Ngày sinh ra tôi, lẽ ra mẹ phải nằm ở cữ, nhưng mẹ lại như người vô hồn, không cho tôi bú, các chị tôi phải đi xin sữa từ hàng xóm cho tôi uống. Mẹ đi lang thang khắp xóm giữa bầu trời nắng gắt, đầu không đội nón, chân không đi dép,… Và tôi hiểu, đó chỉ có thể là nỗi đau tột cùng của người mẹ mất con! Nỗi đau, niềm day dứt đó đã đeo đuổi suốt cuộc đời của mẹ. Trước khi qua đời, còn chút hơi thở cuối cùng, mẹ vẫn dặn dò anh, chị, em tôi hãy đưa chị về với mẹ! 

Điều mẹ dặn dò trước lúc từ biệt cõi đời đã luôn trở thành niềm đau đáu trong trái tim chúng tôi. Ngày đất nước, dân tộc vui mừng chiến thắng, bên cạnh niềm vui giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước, gia đình tôi còn có niềm vui là tìm được phần mộ và viếng thăm chị tại Nghĩa trang Đồng Lê, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Một lần nữa, nỗi đau mất chị lại trào dâng trong lòng, trên từng khóe mắt của anh, chị, em tôi. Nhưng cũng một lần nữa, chúng tôi phải nén lại nỗi đau ấy, để ở nơi suối vàng, chị được thanh thản, an vui với đồng đội! 

Tháng Tư, anh, chị, em tôi có dịp đoàn tụ bên nhau nhằm thực hiện ý định theo di nguyện của mẹ là đưa chị về với mảnh đất quê hương, nơi chị đã từng được chôn nhau cắt rốn. Nhưng điều không ngờ, tôi được biết: chị tôi hy sinh trong trường hợp bị bom rải thảm, thân thể của chị cũng như của đồng đội không còn nguyên vẹn, được đồng đội gom và mai táng chung. Vậy nên, liệu chúng tôi đưa chị về, các chị nằm lại có thiếu thốn gì không? Và có thể vẫn còn một phần thân thể của chị cũng đang nằm lại với đồng đội thì sao? Từ những trăn trở đó, chúng tôi quyết định để chị ở lại yên nghỉ cùng đồng đội, như bao người con anh hùng đã nằm lại rải rác trên khắp quê hương, Tổ quốc. 

Tháng Tư về, ngày vui chiến thắng lại đến với các gia đình Việt Nam, trong đó có gia đình tôi. Anh, chị, em tôi thắp lên bàn thờ của mẹ, của chị nén nhang thơm cùng một bình cúc trắng. Chúng tôi nén lại nỗi đau mất mát, cùng cầu nguyện: Nơi suối vàng, mẹ và chị sẽ được gặp nhau!