Phận bảo vệ

04:05, 21/05/2014

Còi xe bấm liên hồi. Cô gái trẻ trong xe nhô đầu qua cửa kính nói như ra lệnh: "Mở cửa! Mở cửa!". Ông Vận buông ống nghe điện thoại vội lật đật chạy ra đẩy cánh cửa sắt nặng trịch...

Còi xe bấm liên hồi. Cô gái trẻ trong xe nhô đầu qua cửa kính nói như ra lệnh: “Mở cửa! Mở cửa!”. Ông Vận buông ống nghe điện thoại vội lật đật chạy ra đẩy cánh cửa sắt nặng trịch. Chưa kịp hỏi danh tính người cần vào cơ quan, cô gái đã làm một hơi: “Bác lề mề quá, còi xe bấm hoài mà bác chưa chịu ra mở cửa. Tôi còn phải qua lại đây làm việc nhiều lần, nếu bác cứ chậm chạp kiểu này chắc tôi sẽ phản ảnh với cấp trên của bác quá”. Đoạn cô ta hất hàm với lái xe “Đi!”. Chiếc xe hơi chạy thẳng vào cơ quan. Ông Vận lầm lũi đóng cánh cửa sắt rồi trở vào phòng bảo vệ ghi vô sổ trực số xe, giờ khách đến, tên người tới giao dịch đành phải để trống.
 
Minh họa: Hồ Toàn
Minh họa: Hồ Toàn
 
Anh lái xe cho cô gái lúc từ ngoài cổng bảo vệ có cảm giác ông già trực thấy quen quen, hình như đã gặp đâu đó. Để cô gái vào làm việc với sếp cơ quan, anh đóng cửa xe và lững thững đi vào phòng bảo vệ.
 
- Chào bác, cho cháu hỏi có phải bác là bác Vận không ạ?
 
- Vâng, tôi là Vận, mà sao anh biết tôi?
 
- Bác không nhớ cháu đâu, nhưng cháu lại biết bác là hàng xóm của bác Trường đây mà.
 
Ông Vận hơi nheo mày:
 
- Trường nào nhỉ?
 
- Bác Trường nhà ở Đức Phú ấy.
 
- À, tôi nhớ ra rồi, ông ấy nhỏ con, người gầy. Tôi chỉ gặp ông ấy một lần thì phải. Ông ấy khỏe không? Vẫn còn làm ở…
 
- Bác Trường mất cách đây hơn tháng rồi nhưng bác ấy ra đi trong sự mãn nguyện vì đã làm tròn bổn phận của mình. Cô gái vừa ngồi trên xe là cháu ngoại của bác Trường đấy.
 
* * *
 
Chuyện ấy xảy ra có lẽ cũng khoảng trên dưới 5 năm rồi. Ông Vận lúc đó đã nghỉ chế độ “một cục” từ lâu. Với số tiền thâm niên ít ỏi ông cùng một người bạn đi thử vận may ở nơi xa, nhưng rốt cuộc phải trở về tay trắng. Thời buổi này việc làm ăn thất bại cũng là chuyện bình thường, nhất là đối với một con người hiền lành, chân chất như ông bám lấy cơ quan nhà nước từ lúc vào nghề, nay làm sao mà thích ứng với cơ chế thị trường vốn nghiệt ngã và đầy phức tạp. Rồi ông lấy vợ, có con ở tuổi muộn màng. Sống trong cảnh “vợ nuôi” khiến ông bứt rứt, đang nghĩ hướng giải quyết thì tình cờ ông gặp người quen đang là sếp của cơ quan đại diện một doanh nghiệp ở trong nước. Người đó đặt vấn đề kéo ông vào làm bảo vệ tại cơ quan. Nghe nói lương bổng cũng khá cao so với các nơi khác. Ông gật đầu cái rụp và chỉ vào ngày hôm sau đã nộp đủ hồ sơ cần thiết.
 
Vào buổi tối hôm đó, sau khi dứt cơn mưa, ông Vận nhận được cú điện thoại. Đầu dây bên kia là “sếp tương lai” mời ông ra quán lẩu bò bình dân có việc cần bàn. “À, nghi lễ rửa việc đây, chuyện nhỏ”. Ông nghĩ nhanh và không quên xin vợ ít tiền dằn túi, phóng vội tới điểm hẹn. Đến nơi đã có ba người chờ sẵn, trên bàn nồi lẩu bò sôi sùng sục. Một người thì ông biết rồi, còn hai người kia: một người trạc tuổi như ông, nhưng trông khắc khổ, một người khá trẻ. 
 
Sếp lên tiếng:
 
- Thường thì phải giới thiệu làm quen trước. Nhưng xin phép phá lệ: bốn chúng ta làm cạn ly này rồi bắt đầu nói chuyện.
 
Dĩ nhiên, sau đó cả bốn ly rượu đều trơ đáy.
 
- Ông Vận ạ. - Sếp tiếp - Đây là bác Trường, nhà tận Đức Phú, bên cạnh là người hàng xóm thân cận chở bác Trường lên đây gặp anh em mình.
 
Ông Vận bắt tay xã giao ông Trường, linh cảm cho thấy hình như sắp có chuyện gì đó quan trọng. Sếp bắt đầu vào việc:
 
- Chuyện là thế này. Đứng về lý thuyết thì tuần tới bác Vận đây sẽ vào làm tại Văn phòng đại diện vì đã có sự chấp thuận của cấp trên. Nhưng có một sự kiện hy hữu xảy ra. Tuần rồi tôi có xuống Đức Phú làm việc. Một đại diện của chính quyền nói rằng: “Ở xã chúng tôi có trường hợp khá đặc biệt, nếu có thể giúp được xin doanh nghiệp lưu ý dùm được không?”. Tôi trả lời: “Tất nhiên rồi, đó là công tác xã hội mà bất kỳ ai nhờ cũng phải lưu tâm”. Vị đại diện mừng ra mặt: “Vậy là tốt rồi. Có một hoàn cảnh đặc biệt, à, phải nói là vô cùng đặc biệt, một ông già suốt gần mười tám năm nay đã cưu mang đứa cháu ngoại khi mẹ nó qua đời mà chưa kịp nghe tiếng oe oe đầu tiên của con mình. Cha đứa trẻ là ai đó thì là chuyện riêng tư của mẹ nó. Chỉ biết rằng cả gia đình, họ hàng xác định một điều cay nghiệt: sẽ không có sự hiện diện của người cha đứa trẻ trên cõi đời này. Bé gái đó đã lớn lên bằng sữa của những người hàng xóm cảm thông, tốt bụng và năm tháng lăn lộn làm thuê, cuốc mướn của ông ngoại. Mơ ước lớn nhất của ông là đứa cháu đậu vào đại học”…
 
Sếp ngừng nói, rót tiếp mỗi người một ly rượu, đoạn quay sang ông Vận:
 
- Bác Vận ạ, đây là bác Trường, nhân vật chính của câu chuyện “Ông ngoại nuôi cháu” đấy. Giờ thì đến lượt bác Trường trình bày tiếp đi, chứ để tôi nói hoài nó kỳ kỳ thế nào ấy.
 
Ông Trường nâng ly rượu của mình về phía ông Vận:
 
- Nào, tôi với anh cụng với nhau một ly, có thể chúng ta bằng tuổi, hoặc có thể tôi ít tuổi hơn anh, nhưng cuộc sống vất vả khiến tôi già hơn anh, thôi thì mình cứ xưng hô sao cho tiện cũng được. Thế này anh Vận ạ, khi được biết con cháu ngoại của tôi có giấy gọi vào trường đại học, tôi mừng quá, nhưng nỗi lo lại ập tới ngay tức thời. Bữa cơm, bữa cháo của gia đình tôi hàng ngày còn thất thường huống chi tiền đâu ra mà cho cháu đeo đuổi vài năm đại học. Nghe đâu có sự hỗ trợ của nhà trường đối với trường hợp đặc biệt khó khăn, nhưng chắc cũng chỉ phần nào. Mong ước duy nhất của tôi là giờ đây có một công việc nào đó với mức thu nhập tạm đủ cho cháu tôi trong suốt thời gian ở trường đại học. Ông Trời có mắt cho tôi gặp được sếp đây. Sếp hứa sẽ thu xếp cho tôi toại nguyện với điều kiện phải lên đây gặp anh. Tôi đã nhờ thằng cháu hàng xóm chở tôi lên đây, chứ xe đạp còn không có mà đi huống chi xe máy.
 
Giờ thì đến lượt sếp đỡ lời:
 
- Chuyện là như vậy đó ông Vận ạ. Buổi gặp mặt hôm nay với mục đích mong ông thấu hiểu hoàn cảnh của bác Trường mà thông cảm nhường lại công việc cho bác ấy. Như vậy vừa được việc cho bác Trường đây mà tôi cũng đỡ áy náy với ông. Tôi chưa dám hứa trước, nếu có điều kiện và cơ hội tôi sẽ tìm cho ông một công việc ở nơi khác.
 
Ông Vận làm một hớp nghe cái “ực”. Sau vài giây im lặng, ông lên tiếng:
 
- Thôi thì đến nước này thì phải nhường nhau chứ biết sao bây giờ. Thực ra làm cái anh bảo vệ thuộc đẳng cấp thấp nhất, đôi khi còn hèn nhất trong một cơ quan. Có điều tùy từng hoàn cảnh, từng điều kiện ta phải chấp nhận. Dân mình có câu: “Lá lành đùm lá rách”. Như tôi đây đang thuộc diện “lá rách”, nhưng chưa đến nỗi “rách hẳn”, vậy thì “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
 
Sếp tươi tỉnh:
 
- Vậy là mọi việc xem như đã ổn thỏa. Tôi xin được thanh toán bữa nhậu này.
 
* * *
 
Trở lại phòng bảo vệ nơi ông Vận đang trực. Sau khi gửi lại giấy phép lái xe theo đúng quy định, anh lái xe tiếp tục câu chuyện đang dang dở:
 
- Dễ chừng mấy năm rồi bác cháu ta mới gặp nhau. Sau bữa ở quán lẩu bò về nhà bác có buồn không?
 
Ông Vận đủng đỉnh:
 
- Buồn thì không, nhưng hơi hụt hẫng một chút. Đêm đó về nói rõ chuyện với vợ tôi để bà ấy hiểu và thông cảm. Một thời gian sau đó tôi cũng tìm được việc làm, như anh thấy đó. Tuy không ưng ý như ở cơ quan đại diện trước, nhưng xét cho cùng thì làm ở đâu cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Thực ra thì chuyện nhường việc cho nhau cũng không làm cho cuộc sống của tôi đến mức phải xáo trộn. Vì vậy sau buổi gặp nhau thương lượng hôm đó tôi đâu có lưu lại trong bộ nhớ.
 
- Nhưng bác Trường thì vẫn lưu lại trong bộ nhớ của bác ấy.
 
- Ông Trường mất do bệnh gì vậy? Ông Vận hỏi.
 
- Bệnh thì đã khỏi phải nói. Bác ấy bị bọn côn đồ đâm chết.
 
- Đâm chết?
 
- Vâng, đau đớn lắm bác ạ! Hôm đó bác Trường xin được nghỉ việc một ngày để về nhà đón mừng cô cháu ngoại vừa tốt nghiệp đại học, về tới cửa nhà thấy nhốn nháo, ồn ào. Thì ra con trai bác ấy có làm bảo vệ cho một công trình xây dựng, đã ngăn cản không cho kẻ xấu vào lấy cắp vật tư. Bọn này bèn trả thù bằng cách thủ hung khí tới nhà hành hung con trai bác Trường. Bác Trường bèn nhảy vào giữa đám hỗn độn và thách thức: “Đứa nào dám động đến con tao thì hãy bước qua xác của tao!”. Đâu ngờ sau câu nói định mệnh đó thì một thằng khốn kiếp đã cầm dao đâm thẳng vào bác. Cô cháu ngoại hốt hoảng điện thoại báo công an, rồi với áp lực của hàng xóm nên bọn bất lương kia giải tán. Mọi người xúm lại đưa bác ấy đi bệnh viện cấp cứu, nhưng đã quá muộn. Cú đâm oan nghiệt đã cướp đi mạng sống của một con người lương thiện, cả đời sống vì con, vì cháu. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, bác Trường chỉ trăn trối được với đứa cháu ngoại: “Chắc số phận cũng chỉ cho ông sống được tới đây. Ông muốn cháu tìm đến một người mà ông cháu mình phải trả ơn, mặc dù ông biết ông ấy không bao giờ xem mình là ân nhân đâu, vì với ông ấy đó chỉ là chuyện bình thường của lẽ đời. Nhưng nếu không có ông ấy nhường việc cho ông thì tiền đâu mà ông lo cho cháu đến ngày hôm nay. Ông ấy tên là Vận…”.
 
- À, thì ra cô gái đi cùng anh là cháu ngoại ông Trường, lúc mọi người đến đây tôi đang nghe điện thoại của trưởng phòng nhân sự bằng một bên tai chưa bị điếc, còn một bên tai bị điếc hẳn nên tôi đâu có nghe được tiếng còi xe. Chắc cô ấy sẽ thông cảm.
 
- Chuyện đó không có gì phải bận tâm đâu bác ạ, cô ấy giờ làm việc cho một công ty lớn đang là đối tác làm ăn với công ty này. Lát nữa xong việc cháu sẽ nói với cô ấy là tình cờ đã gặp bác ở đây, chắc cô ấy mừng lắm. Giờ cháu ra chờ ở xe rồi đưa cô ấy đến gặp bác…
 
Nửa giờ sau, anh lái xe và cô gái vội vã đến phòng bảo vệ, nhưng người đứng trực là một thanh niên còn khá trẻ.
 
- Chào anh! Bác Vận đâu rồi anh?
 
- Bác ấy đã chuyển vị trí khác - anh bảo vệ trả lời gọn lỏn.
 
- Sao lại chuyển vị trí khác? Bác ấy vừa ở đây mà.
 
- Bác Vận đã xin đổi vị trí, đó là việc bình thường của công ty vệ sĩ. Lý do xin chuyển thì tôi chịu, vì trước khi rời khỏi đây bác ấy chỉ dặn là trả lại giấy phép lái xe cho anh và không muốn cho ai biết bác ấy chuyển đi đâu. Mà thực ra tôi cũng chưa kịp hỏi bác ấy chuyển đi đâu nữa.
 
Nghe đến đây cô gái sững sờ… im lặng… rồi cô nói nhanh với lái xe:
 
- Hôm nay tạm nghỉ, không làm việc gì cả, anh hãy chở tôi đến một nơi.
 
- Đến đâu ạ?
 
- Đến nơi mà chắc chắn họ sẽ phải biết bác Vận đang làm ở đâu. Đó là công ty vệ sĩ nơi trực tiếp quản lý bác ấy.
 
Truyện ngắn: TRẦN PHẠM LỢI